Tỉnh Sơn La phát triển các cơ sở công nghiệp chế biến nông sản
(sonla.gov.vn) Sơn La là vựa cây ăn quả lớn thứ 2 cả nước với diện tích trên 4.700 ha cây ăn quả phục vụ xuất khẩu. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành được vùng nguyên liệu nông sản tập trung với khối lượng hàng hoá nông sản lớn. Từng bước gắn kết việc phát triển vùng nguyên liệu với các cơ sở công nghiệp chế biến, hình thành các chuỗi sản xuất nông nghiệp. 

Khai thác tiềm năng lợi thế của địa phương, tỉnh Sơn La đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng giá trị sản phẩm gắn với đẩy mạnh công nghiệp chế biến, kết nối tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Nông nghiệp có những bước phát triển mạnh trong những năm qua là tiền đề, lợi thế cho phát triển công nghiệp chế biến nông sản và kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh Sơn La. Thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị, tỉnh Sơn La hiện đang tiếp tục tập trung phát triển sản xuất các sản phẩm có lợi thế về nguyên liệu và tham gia thị trường xuất khẩu như: chè, cà phê, tinh bột sắn, đường, sữa...

anh tin bai

Dây chuyền sản xuất của Trung tâm Chế biến rau, quả xuất khẩu DOVECO tại huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La

Trên địa bàn tỉnh hiện nay có trên 30 cơ sở chế biến quy mô công nghiệp, trong đó 01 nhà máy đường; 02 nhà máy tinh bột sắn; 08 cơ sở chế biến cà phê nhân; trên 20 cơ sở  sản xuất chè,...; ngoài ra, còn phát triển khoảng 1.000 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp quy mô nhỏ như: sản xuất rượu ngô, mận; các loại hoa quả sấy: mận; xoài; chuối; mắc ca;..., hơn 400 cơ sở sản xuất long nhãn tại huyện Sông Mã và Mai Sơn; 7 cơ sở chế biến miến dong tại huyện Mai Sơn, Mộc Châu, Sông Mã; trên 100 cơ sở sơ chế, chế biến cà phê tiểu thủ công nghiệp tại huyện Thuận Châu, Mai Sơn; một số cơ cở chế biến thủy sản tại Quỳnh Nhai, Mường La; đã hoàn thành đi vào hoạt động các nhà máy chế biến rau, quả: Nhà máy chế biến Chanh leo, rau, củ, quả xuất khẩu của Công ty CP Nafoods, Nhà máy Chế biến, bảo quản nông sản công nghệ cao của Công ty IC Food Sơn La, Nhà máy Chế biến rau quả và đồ uống công nghệ cao của Tập đoàn TH tại Vân Hồ, Trung tâm Chế biến rau, quả xuất khẩu DOVECO tại huyện Mai Sơn.

Trong những năm qua, một số cơ sở chế biến nông sản đã đầu tư nâng công xuất một số nhà máy quy mô lớn như: Nhà máy sữa Mộc Châu (ViNaMilk Mộc Châu) đã nâng công suất chế biến sữa tươi tiệt trùng lên 200 tấn/ngày, đầu tư xưởng sản xuất sữa chua công suất 30 tấn/ngày; Nhà máy đường Mai Sơn từ 1.500 tấn mía cây/ngày lên 5.000 tấn mía cây/ngày; Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Mai Sơn nâng công suất chế biến 50 tấn tinh bột/ngày lên 300 tấn tinh bột/ ngày; các Công ty Chế biến Chè nâng cấp các Nhà máy Chế biến Chè  từ 10 -20 tấn chè búp tươi/ngày lên trung bình đạt 50 - 70 tấn chè búp tươi/ngày (trong đó có 5 nhà máy có công xuất trên 200 tấn/ngày). Đồng thời có một số cơ sở mới, lĩnh vực sản phẩm mới trên địa bàn tỉnh đã phát triển như một số cơ sở chế biến thức ăn chăn nuôi (Nhà máy chế biến thức ăn cho bò sữa của Công ty cổ phần giống bò sữa Mộc Châu,…); sản xuất phân bón (phân vi sinh của Công ty cổ phần Mía đường Sơn La; Nhà máy Phân bón Sông Lam Tây Bắc); Nhà máy Chế biến Cà phê Sơn La với công suất 50.000 tấn cà phê quả tươi/năm.

Công nghiệp chế biến tỉnh Sơn La có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng. Quy mô sản xuất của các cơ sở công nghiệp chế biến được mở rộng, từng bước áp dụng các công nghệ chế biến mới, tiên tiến, hiện đại; đối với các dự án đầu tư mới đã kiểm soát chặt chẽ việc lựa chọn công nghệ tiên tiến, máy móc thiết bị hiện đại, công nghệ xử lý môi trường đạt tiêu chuẩn. Trình độ công nghệ trong các cơ sở chế biến có bước phát triển mới. Lực lượng lao động công nghiệp ngày càng được nâng cao về số lượng, trình độ kỹ thuật, tay nghề chuyên môn và ý thức tổ chức kỷ luật lao động.

Lê Hồng

Video tuyên truyền nông thôn mới
THÔNG TIN TRA CỨU

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1