Hạn hán và giải pháp ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước trên địa bàn tỉnh Sơn La năm 2024
(Kinh tế) Với tình hình thời tiết nắng nóng kéo dài, lượng mưa ít gây ảnh hưởng rất lớn đến ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Sơn La,  xảy ra hiện tượng thiếu nước cho sinh hoạt, gây hạn và giảm năng suất cho lúa vụ đông xuân, gây sụt giảm sản lượng các loại cây ăn quả, cây công nghiệp, ảnh hưởng đến chăn nuôi thủy sản.
anh tin bai
Do ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng, khô hạn kéo dài  lượng nước trong các hồ chứa thủy lợi chỉ còn khoảng 60% dung tích trữ.

Do ảnh hưởng hiện tượng El Nino kéo dài trong thời gian từ năm 2023 đến nay gây ảnh hưởng lớn đến thủy văn và nguồn nước trên các hệ thống sông, suối, các hồ chứa nước trong năm 2024, nền nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm, các đợt nắng nóng, sóng nhiệt có thể xảy ra và đến sớm hơn trung bình nhiều năm, khả năng xảy ra các giá trị nhiệt độ kỷ lục vào thời gian đầu mùa hè và trong thời gian đầu năm 2024, lượng mưa có xu hướng thiếu hụt hơn so với trung bình nhiều năm. Hiện tượng nắng nóng tại tỉnh Sơn La đã xuất hiện sớm từ tháng 3, sau đó có xu hướng mở rộng hơn từ tháng 4. Số ngày không mưa trong quý I năm 2024 là 51 ngày, tăng 96% so với cùng kỳ năm 2023; tổng lượng mưa trong quý I năm 2024 là 24,9 mm, giảm 39% so với cùng kỳ năm 2023. Dự kiến số ngày nắng nóng trong năm 2024 có khả năng xuất hiện nhiều hơn và cường độ cũng gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm, đề phòng xảy ra nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt trên diện rộng.

Theo số liệu thống kê, tỉnh Sơn La có 2.697 công trình thuỷ lợi, trong đó: 110 hồ chứa, 1.149 đập xây, 190 cống, cửa lấy nước, 03 công trình tiêu thoát lũ, 105 kênh mương dẫn nước, 06 trạm bơm nhỏ, 94 đập rọ thép, 1.035 phai tạm, 05 công trình tưới cho cây trồng cạn. Do ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng, khô hạn kéo dài nguồn nước tại các sông, suối, khe huổi trên địa bàn tỉnh đang suy giảm mạnh, lượng nước trong các hồ chứa thủy lợi (tổng số 110 hồ chứa thủy lợi) chỉ còn khoảng 60% dung tích trữ. Tình trạng hạn hán, thiếu nước đang xảy ra trên diện rộng tại các huyện, thành phố như: Sốp Cộp, Thành phố Sơn La, Sông Mã, Yên Châu, Quỳnh Nhai, Mai Sơn; Mường La. Theo số liệu tổng hợp sơ bộ diện tích lúa nước bị ảnh hưởng là 1.208,34 ha ở 350 công trình thủy lợi, trong đó: diện tích có khả năng bị hạn là 792,98 ha; diện tích bị hạn không có nguồn bơm 298 ha, diện tích bị hạn có nguồn bơm 130 ha, diện tích phải chuyển đổi 49,5ha.

Tổng số công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn trên địa bàn là 1.817 công trình. Đến thời điển hiện tại đa số các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn vẫn đang cấp đủ nước cho người dân dùng cho ăn uống và sinh hoạt. Tuy nhiên, tình trạng thiếu nước đang có dấu hiệu xuất hiện, cụ thể: khoảng 112 công trình (Thuận Châu 60 công trình, Sông Mã 34 công trình, Sốp Cộp 10 công trình, Quỳnh Nhai 08 công trình) không đủ nước cấp so với công suất thiết kế (có công trình chỉ đạt 50% công suất thiết kế). Tình hình nguồn nước mặt và nước ngầm sẽ suy giảm gay gắt hơn, thiếu nước phục vụ sinh hoạt sẽ mở rộng hơn trong tháng 4 năm 2024.

Hạn hán ảnh hưởng lớn đến sản xuất cây trồng. Theo dự báo năm 2024, tổng diện tích cây trồng có khả năng xảy ra hạn hán toàn tỉnh khoảng 2.132,5 ha; trên địa bàn 12 huyện, thành phố. Một số địa phương có diện tích thuộc diện bị hạn lớn như thành phố Sơn La hơn 211 ha; huyện Thuận Châu 194 ha; huyện Yên Châu 234 ha; huyện Vân Hồ 205 ha…Trên thực tế tình hình ra hoa trên một số cây ăn quả trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ cây ra hoa, đậu quả rất thấp so với niên vụ năm 2023 và trung bình nhiều năm. Sản lượng cây ăn quả năm 2024 dự kiến đạt 383.000 tấn (giảm khoảng 67.000 tấn tương đương 15% so với năm 2023), trong đó giảm mạnh nhất ở các sản phẩm như nhãn giảm trên 40%, mận khoảng 20%, xoài trên 5%....

Trong thời gian tới cần theo dõi sát tình hình và diễn biến thời tiết, chủ động xây dựng kịch bản, phương án ứng phó, tiếp tục triển khai thực hiện tốt các kế hoạch của UBND tỉnh, chỉ thị, công văn của Chủ tịch UBND tỉnh về phòng chống thiên tai, hạn hán, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn tỉnh năm 2024.

Đối với công tác thủy lợi cần tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân về tình hình hạn hán, thiếu nước trên địa bàn, để người dân có ý thức sử dụng nước tiết kiệm, tập trung triển khai chỉ đạo thực hiện các giải pháp công trình và phi công trình nhằm cung cấp nước phục vụ dân sinh và sản xuất nông nghiệp vụ chiêm năm 2023-2024. Xây dựng phương án điều tiết nước, tưới tiết kiệm nước các công trình hồ đập để khai thác hiệu quả các công trình phục vụ nước sinh hoạt và sản xuất.

Đối với nước sạch nông thôn cần nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý vận hành các công trình nước sinh hoạt trên địa bàn quản lý. Tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả nước sinh hoạt theo quy định trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ, tình trạng các khu vực thiếu nước vào mùa khô xảy ra ngày càng rộng. Tập trung các nguồn nước ưu tiên để cấp cho phục vụ nhu cầu ăn uống sinh hoạt của nhân dân. UBND các xã vận động nhân dân huy động các thiết bị tích trữ nước, xây dựng thêm giếng đào, bể chứa. Hỗ trợ Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, UBND các huyện, thành phố các vật tư để khai thác các nguồn nước bổ sung nguồn cho các công trình nước sinh hoạt nông thôn.

Đối với cây hàng năm cần hướng dẫn người dân lựa chọn cơ cấu giống, thời điểm gieo trồng cho từng khu vực một cách hợp lý; khi thời tiết khô hạn, nắng nóng kéo dài tuyệt đối không được tiến hành trồng mới các loại cây trồng. Thực hiện rà soát các diện tích lúa xuân có khả năng bị thiếu nước không gieo cấy được chuyển đổi sang trồng các cây màu và các loại cây trồng ngắn ngày cho hiệu quả kinh tế, thu nhập tốt hơn.

Đối với cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm cần tiến hành chăm sóc, bón phân cho cây trồng cân đối, hợp lý. Tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ nhằm nâng cao khả năng giữ ẩm và tăng khả năng đề kháng của cây; Khuyến cáo người dân nên áp dụng màng phủ nông nghiệp (trải bạt) trong canh tác để hạn chế sự bốc hơi nước, tăng khả năng chống chịu khi điều kiện khô hạn, nắng nóng. Sử dụng, tận dụng tối đa các loại nguyên vật liệu nông nghiệp sẵn có (lá cây, rơm rạ,…) để tủ gốc đảm bảo độ ẩm cho cây trồng.

Nguyễn Hạnh

Video tuyên truyền nông thôn mới
THÔNG TIN TRA CỨU

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1