Phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã khoa học và công nghệ
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Sơn La nhờ ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số nên hiện nay nhiều hợp tác xã đã tạo được sức cạnh tranh với các thành phần kinh tế khác, tập trung vào chức năng thực hiện cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho các hộ thành viên và người dân.

Trên địa bàn tỉnh có 769 hợp tác xã nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, trong đó trên 30% hợp tác xã có ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước, nhà lưới, nhà kính, áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt. Bên cạnh đó các hợp tác xã đã mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, dịch vụ, hệ thống cơ sở vật chất, chuồng trại tiên tiến để nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, từng bước mở rộng sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập cho các thành viên hợp tác xã. Xây dựng chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất, chế biến, lưu thông đến phân phối. Bước đầu các hợp tác xã đã có hiệu quả do tự kiểm soát được chất lượng sản phẩm của tất cả các khâu đến tay người tiêu dùng.

Ngoài ra, về doanh nghiệp, hợp tác xã khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh có 12 tổ chức, trong đó có 11 doanh nghiệp, hợp tác xã khoa học và công nghệ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp (Công ty cổ phần Nông nghiệp Chiềng Sung; Công ty cổ phần Cao nguyên Mộc Châu; Công ty cổ phần Greenfarm Mộc Châu; Hợp tác xã Hoa Mộc Châu; Hợp tác xã Dịch vụ, phát triển nông nghiệp 19/5 Mộc Châu; Công ty TNHH Năng lượng Mộc Châu Xanh; Hợp tác xã Nông nghiệp xanh 26-3; Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc; Công ty cổ phần Hoa nhiệt đới; Công ty trách nhiệm hữu hạn Mạnh Thắng, Công ty cổ phần Tuấn Tài), bằng 91,7% tổng số doanh nghiệp khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh. Các hợp tác xã, doanh nghiệp khoa học và công nghệ sử dụng công nghệ cao (nhà lưới, nhà kính, hệ thống tưới tiết kiệm, kho lạnh, áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt…) vào trong sản xuất, hoạt động có hiệu quả, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động địa phương, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho tổ chức, cá nhân sản hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Sản phẩm khoa học và công nghệ của các tổ chức gồm giống ngô lai; củ giống hoa lily, hoa lily thương phẩm; giống hoa hồng, hoa hồng thương phẩm; rượu mận, rượu ngô, mứt mận sấy không hạt; giống cà chua ghép trên gốc cà tím, cà chua và dưa chuột thương phẩm an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP….

Trong năm 2022, tỉnh luôn chú trọng việc xúc tiến thương mại nông lâm thủy sản: Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ tại chuỗi sự kiện Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân và Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022 tại tỉnh Sơn La; Tổ chức Hội nghị kết nối giao thương giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng năm 2022; Tham gia sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc tại Thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội. Phối hợp 4 huyện, thành phố và 06 Hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh gửi sản phẩm OCOP tham gia triển lãm, trưng bày, quảng bá tại Hội chợ, gồm các sản phẩm: Cà phê Bích Thao; thịt trâu gác bếp, lạp sườn Hoa Xuân, thịt lợn gác bếp; quả nhãn, na, bơ, hồng giòn Mộc Châu, mận hậu sấy dẻo, táo mèo tươi, táo mèo khô, xoài sấy giẻo, cao nấm linh chi.... Thu hút và thúc đẩy doanh nghiệp xuất khẩu tăng cường đầu tư chế biến sâu; Tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp.

Hoạt động xuất khẩu hàng hóa đạt tốc độ tăng trưởng cao, giá trị hàng hóa tham gia xuất khẩu đạt 174,8 triệu USD. Trong đó, giá trị hàng hóa nông sản tham gia xuất khẩu đạt 163,2 triệu USD (giá trị hàng hóa nông sản quả tươi đạt 20 triệu USD, hàng hóa nông sản chế biến đạt 143,2 triệu USD) với sản lượng nông sản tham gia xuất khẩu đạt 150.007 tấn.

Như Thuỷ

Video tuyên truyền nông thôn mới
THÔNG TIN TRA CỨU

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1