Mai Sơn đẩy mạnh phát triển chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản
14/03/2025
(Mai Sơn) Ngày 13/3, huyện Mai Sơn đã tổ chức Hội nghị bàn giải pháp “phát triển chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản huyện Mai Sơn”. Tham dự có đồng chí Hoàng Văn Chất, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Sơn La, Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo huyện Mai Sơn; đại diện các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn huyện. Hội nghị được trực tuyến đến các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.
Mai Sơn đẩy mạnh phát triển chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản.
Hiện nay, toàn huyện đang chăm sóc 11.500 ha cây ăn quả, gồm: Na, xoài, nhãn, thanh long… Sản lượng quả ước đạt gần 100.000 tấn/năm. Trong đó có 5.400 ha cây ăn quả thực hiện theo hướng ứng dụng công nghệ cao; 2.700 ha cây ăn quả sản xuất theo hướng hữu cơ; trên 1.600 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến nay, UBND tỉnh đã công nhận 4 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với tổng diện tích 1.773 ha của 2.333 hộ gia đình tham gia. Trong đó gồm 2 vùng sản xuất Cà phê, 1 vùng sản xuất Na và 1 vùng xoài. Trong thời gian qua, huyện Mai Sơn đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất, duy trì, phát triển 48 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn. Trong đó có 4 chuỗi rau, quả các loại, 39 chuỗi cây ăn quả như: Xoài, na, nhãn, bưởi, dâu tây…, 3 chuỗi cà phê, chè và 2 chuỗi lợn thịt thuộc lĩnh vực chăn nuôi. Cùng với đó, bổ sung thêm 391,9 ha tham gia các chuỗi liên kết. Lũy kế đến nay trên địa bàn huyện có trên 9.800 ha có hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp, HTX và các hộ dân, chiếm 19,7% tổng diện tích đất gieo trồng của huyện, gắn với các nhà máy, cơ sở chế biến nông sản đang hoạt động có hiệu quả trên địa bàn huyện.

Một số diện tích cây trồng chủ lực của huyện Mai Sơn.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã đưa ra nhiều giải pháp, nhằm giúp tăng năng suất, ổn định đầu ra, phát triển nông nghiệp bền vững cho địa phương. Trong đó tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững phù hợp với thực tế của địa phương; xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp thông qua việc hợp tác giữa nông dân, HTX và doanh nghiệp; xây dựng, quản lý phát triển nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý và đăng ký mã số, mã vạch sản phẩm nông sản chủ lực; xây dựng phần mềm truy xuất nguồn gốc sản phẩm; tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên phương tiện thông tin đại chúng.
Phát huy tối đa các lợi thế hiện có trên cơ sở xây dựng và triển khai các Dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh một số nông sản có giá trị kinh tế cao; thu hút đầu tư và lồng ghép các nguồn vốn của nhà nước, các chính sách tín dụng, đất đai, hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thực hiện liên kết sản xuất, chế biến, bao tiêu sản phẩm nông nghiệp nhất là các sản phẩm nông sản chủ lực của huyện.
Đặng Yên - Thanh Hải