Sơn La hướng tới xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, bền vững, phát thải thấp
(sonla.gov.vn) Trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu, yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế và xu hướng phát triển xanh ngày càng trở nên cấp thiết, tỉnh Sơn La đang từng bước khẳng định vai trò là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong quá trình chuyển đổi xanh và chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp. Với quyết tâm xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, bền vững, phát thải thấp, Sơn La đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thiết thực, phù hợp với điều kiện địa phương và định hướng phát triển lâu dài.
Nông nghiệp - trụ cột kinh tế của tỉnh
Là tỉnh miền núi nằm ở khu vực Tây Bắc, Sơn La sở hữu điều kiện khí hậu, đất đai phong phú, phù hợp với phát triển cây ăn quả và các loại cây trồng đặc hữu. Đến năm 2024, tổng diện tích cây ăn quả và cây sơn tra toàn tỉnh đã đạt khoảng 82.796 ha, chiếm 67,2% diện tích cây lâu năm, với sản lượng thu hoạch đạt trên 389.000 tấn. Những con số ấn tượng này đã giúp Sơn La trở thành "vựa trái cây lớn nhất miền Bắc", đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân và thúc đẩy thương hiệu nông sản địa phương vươn xa trong nước và quốc tế.
Tuy nhiên, ngành nông nghiệp Sơn La cũng đang đối mặt với không ít thách thức: Tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, tình trạng ô nhiễm môi trường, yêu cầu cao về chất lượng, an toàn thực phẩm từ thị trường xuất khẩu, và đặc biệt là áp lực phải thích ứng với các tiêu chuẩn phát triển bền vững trong xu thế hội nhập. Chính vì vậy, việc chuyển đổi mô hình nông nghiệp theo hướng sinh thái, xanh và thông minh không còn là lựa chọn mà trở thành yêu cầu tất yếu.
Chuyển đổi xanh và chuyển đổi số – động lực thúc đẩy nông nghiệp sinh thái
Hướng tới mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sinh thái phát thải thấp, Sơn La đang đẩy mạnh chuyển đổi xanh, với việc khuyến khích nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp áp dụng các phương pháp canh tác hữu cơ, tuần hoàn, giảm thiểu sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, thay thế bằng các chế phẩm sinh học và kỹ thuật thân thiện với môi trường.
Ruộng nhà mình - Mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu đang được triển khai tại hai huyện Bắc Yên, Phù Yên.
Cùng với đó, chuyển đổi số trong nông nghiệp đang được triển khai mạnh mẽ. Nhiều mô hình đã ứng dụng công nghệ số trong quản lý vùng trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, số hóa quy trình sản xuất và tiêu thụ nông sản, qua đó giúp gia tăng hiệu quả sản xuất, giảm tổn thất sau thu hoạch, mở rộng thị trường tiêu thụ, đặc biệt là thị trường xuất khẩu khó tính như EU, Mỹ, Nhật Bản…
Ngoài ra, các cơ quan chức năng của tỉnh cũng đang từng bước xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp thông minh, kết nối người dân - doanh nghiệp - nhà nước thông qua các nền tảng số, hỗ trợ ra quyết định sản xuất theo tín hiệu thị trường, thời tiết, mùa vụ một cách kịp thời và hiệu quả.
Hướng tới mục tiêu Net-Zero theo tinh thần COP26
Cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 về việc đạt mức phát thải ròng bằng "0" (Net-Zero) vào năm 2050 đã tạo ra một yêu cầu mới và cơ hội lớn cho ngành nông nghiệp Sơn La nói riêng. Với đặc điểm là ngành phát thải lớn nhưng cũng có khả năng hấp thụ carbon (qua rừng, cây trồng), nông nghiệp Sơn La đang đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu Net-Zero.
Thông qua chuyển đổi xanh và chuyển đổi số, Sơn La không chỉ góp phần giảm phát thải khí nhà kính, mà còn tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, duy trì đa dạng sinh học và bảo tồn văn hóa canh tác bản địa - những giá trị cốt lõi của một nền nông nghiệp sinh thái.
Chung tay hành động vì nền nông nghiệp bền vững
Những chia sẻ, sáng kiến và giải pháp thực tiễn đang được triển khai tại Sơn La không chỉ góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sinh thái phát thải thấp, mà còn là bài học kinh nghiệm quý báu cho nhiều địa phương khác.
Để tiến xa hơn, cần sự chung tay của toàn hệ thống chính trị, các cơ quan quản lý, các nhà khoa học, doanh nghiệp, hợp tác xã và đặc biệt là người nông dân - những người trực tiếp làm ra sản phẩm nông nghiệp. Việc xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể, phù hợp với từng địa phương, từng nhóm sản phẩm là điều kiện tiên quyết để đảm bảo hiệu quả và tính bền vững trong thực tiễn triển khai.
Sơn La đang viết tiếp câu chuyện thành công về một nền nông nghiệp xanh, sạch, thông minh, gắn với phát triển kinh tế tuần hoàn và bảo vệ môi trường - một hướng đi không chỉ phù hợp với xu thế thời đại, mà còn là trách nhiệm đối với thế hệ mai sau.
Quốc Tuấn