(sonla.gov.vn) Ứng dụng mô hình quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) vào sản xuất nông nghiệp tại Sơn La đã và đang mở ra hướng đi hiệu quả, bền vững, giúp nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, đồng thời bảo vệ sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng và môi trường sinh thái.
Năm 2024, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sơn La triển khai thí điểm mô hình ứng dụng IPHM trong canh tác dưa vàng. Sau hơn một năm thực hiện, mô hình đã bước đầu chứng minh hiệu quả thiết thực, được nông dân tích cực đón nhận và mong muốn nhân rộng ra nhiều loại cây trồng khác.
IPHM - Giải pháp nông nghiệp thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu
IPHM (Integrated Plant Health Management) - Hệ thống quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp, được xây dựng trên nền tảng IPM (Quản lý dịch hại tổng hợp), nhưng có cách tiếp cận toàn diện và sâu hơn. Nếu IPM tập trung kiểm soát dịch hại, thì IPHM lại hướng tới nâng cao sức khỏe tổng thể của cây trồng, đặc biệt chú trọng đến cải tạo và bảo vệ đất - yếu tố sống còn trong nông nghiệp bền vững.
Mô hình IPHM không chỉ giúp cây trồng phát triển khỏe mạnh mà còn hạn chế tối đa việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học - những nguyên nhân hàng đầu gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và làm suy thoái đất đai.
Hướng dẫn nông dân chăm sóc cây dưa vàng.
Phát triển IPHM chính là bước đi phù hợp với chiến lược nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm - những yêu cầu cấp thiết trong xu thế hội nhập và phát triển bền vững.
Nâng hiệu quả kinh tế - bảo vệ môi trường
Qua quá trình triển khai mô hình trên cây dưa vàng, kết quả theo dõi cho thấy lượng phân bón hóa học sử dụng giảm từ 15-20%, tỷ lệ sâu bệnh hại giảm 20-30% so với phương pháp canh tác truyền thống. Đặc biệt, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật độc hại được kiểm soát chặt chẽ, từ đó đảm bảo an toàn thực phẩm và sức khỏe cho người sản xuất cũng như người tiêu dùng.
Mô hình IPHM cũng góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất và chất lượng nông sản, giúp người dân nâng cao thu nhập trên cùng đơn vị diện tích. Bên cạnh đó, việc giảm thiểu sử dụng thuốc trừ sâu và phân hóa học còn giúp bảo vệ môi trường, giảm nguy cơ ô nhiễm nguồn nước, đất đai và không khí.
Nông dân chủ động, sản xuất trách nhiệm hơn
Một trong những điểm đáng ghi nhận của mô hình là sự thay đổi rõ nét trong nhận thức và hành động của người nông dân. Họ không còn phụ thuộc hoàn toàn vào các biện pháp hóa học trong canh tác, mà đã biết quan tâm hơn tới sức khỏe đất, lựa chọn giống phù hợp, áp dụng luân canh, xen canh và sử dụng các biện pháp sinh học phòng trừ sâu bệnh.
Nông dân Sơn La bắt đầu xây dựng tư duy canh tác có trách nhiệm, lấy chất lượng và tính bền vững làm tiêu chí hàng đầu, thay vì chỉ chú trọng sản lượng. Đây chính là yếu tố then chốt để hướng tới phát triển nền nông nghiệp sạch, an toàn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và quốc tế.
Hướng tới mở rộng và nhân rộng mô hình
Sau những kết quả tích cực ban đầu, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sơn La đang xây dựng kế hoạch mở rộng mô hình IPHM ra nhiều loại cây trồng khác như rau màu, cây ăn quả, cây công nghiệp… Đồng thời, tăng cường tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho người dân, tạo điều kiện để mô hình đi vào chiều sâu và phát triển bền vững.
Việc nhân rộng IPHM không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho người nông dân mà còn góp phần xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp an toàn, hiệu quả, phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng xanh, nhanh và bền vững của tỉnh Sơn La.
Mô hình IPHM không chỉ là một giải pháp kỹ thuật mà còn là định hướng chiến lược cho nền nông nghiệp Sơn La trong tương lai. Khi người dân, chính quyền và các đơn vị chuyên môn cùng đồng hành, mô hình này sẽ là cú hích quan trọng giúp Sơn La khẳng định vị thế là vùng nông nghiệp trọng điểm phía Bắc, với những sản phẩm chất lượng cao, an toàn và thân thiện với môi trường.
Quốc Tuấn