Diễn đàn “Kết nối sản xuất và thương mại nông lâm sản các tỉnh Tây Bắc”
(sonla.gov.vn) Ngày 01/7/2025, tại tỉnh Sơn La, Báo Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Hội Làm vườn Việt Nam và UBND tỉnh Sơn La tổ chức Diễn đàn “Kết nối sản xuất và thương mại nông lâm sản các tỉnh Tây Bắc”.

anh tin bai
Diễn đàn “Kết nối sản xuất và thương mại nông lâm sản các tỉnh Tây Bắc”.

Dự và chỉ đạo diễn đàn có đồng chí Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường; lãnh đạo một số cục, vụ của Bộ; lãnh đạo UBND các tỉnh Điện Biên, Lai Châu. Về phía tỉnh Sơn La có đồng chí Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành liên quan cùng đông đảo chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, hợp tác xã, hiệp hội ngành hàng và người sản xuất đến từ nhiều tỉnh trong khu vực.

Diễn đàn được tổ chức nhằm tăng cường liên kết vùng trong sản xuất và tiêu thụ nông lâm sản, định hướng sản xuất theo chuỗi giá trị từ trồng trọt, sơ chế, chế biến đến tiêu thụ, xuất khẩu. Đồng thời, đây cũng là hoạt động thiết thực hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động.

anh tin bai
Các đại biểu dự diễn đàn.

Tây Bắc - Vùng đất nhiều tiềm năng

Vùng Tây Bắc được đánh giá có nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển nông lâm sản hàng hóa, với tổng sản lượng các loại nông sản chủ lực năm 2024 đạt mức cao: lúa 773,5 nghìn tấn, ngô 638,4 nghìn tấn, sắn 899 nghìn tấn, mía 1,15 triệu tấn. Bên cạnh đó, khí hậu và thổ nhưỡng đặc thù giúp khu vực sản xuất hiệu quả các loại cây ăn quả ôn đới và á nhiệt đới như: xoài (79,8 nghìn tấn), nhãn (81,3 nghìn tấn), mận (94,5 nghìn tấn), cam (108,1 nghìn tấn), chuối (116,6 nghìn tấn), bưởi (125,9 nghìn tấn)... Các loại cây công nghiệp lâu năm như cà phê, cao su cũng đang ngày càng được chú trọng phát triển.

Nhờ sự quan tâm đầu tư của Trung ương và nỗ lực của các địa phương, nông nghiệp vùng Tây Bắc đã có những bước phát triển toàn diện, hình thành nhiều vùng chuyên canh quy mô lớn, góp phần tăng giá trị xuất khẩu. Năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản toàn vùng đạt khoảng 245 triệu USD, trong đó Sơn La dẫn đầu với 190 triệu USD.

Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực gồm: cà phê (hơn 90 triệu USD), chè (22 triệu USD), tinh bột sắn (36 triệu USD), nhãn và xoài (30 triệu USD), tinh dầu quế (22 triệu USD).. Tuy nhiên, sản xuất vẫn còn nhiều hạn chế như quy mô nhỏ lẻ, liên kết chuỗi chưa bền vững, công nghệ chế biến và bảo quản còn hạn chế, nhiều sản phẩm chưa xây dựng được thương hiệu mạnh, chủ yếu tiêu thụ nội địa hoặc xuất khẩu thô.

Sơn La - Điểm sáng trong kết nối sản xuất và tiêu thụ

Là địa phương chủ nhà của Diễn đàn, Sơn La hiện có tổng diện tích cây ăn quả và cây công nghiệp lâu năm gần 119.900 ha, sản lượng hàng năm đạt trên 612.000 tấn. Các loại quả tươi như xoài, nhãn, chuối, chanh leo, mận… được tiêu thụ thông qua ba kênh chính: tại địa phương, thị trường trong nước và xuất khẩu. Hiện nhiều sản phẩm đã có mặt tại các hệ thống phân phối lớn như: Vinmart, Big C, Lotte, Hapro và các thị trường trọng điểm như: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa...

anh tin bai
Đồng chí Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La phát biểu.

Năm 2024, Sơn La xuất khẩu khoảng 8.900 tấn chè (21,9 triệu USD), 31.700 tấn cà phê (88,77 triệu USD), 7.600 tấn xoài (1,876 triệu USD) và 7.200 tấn chuối (2,1 triệu USD). Tỉnh đang tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã nâng cao năng lực sản xuất, chế biến và xúc tiến thương mại.

Đề xuất chính sách, thúc đẩy liên kết vùng

Tại Diễn đàn, nhiều ý kiến tâm huyết từ lãnh đạo Bộ, các địa phương, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp đã được trình bày. Các nội dung trọng tâm xoay quanh giải pháp xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, đẩy mạnh chế biến sâu, ứng dụng công nghệ số, hoàn thiện hệ thống logistics, nâng cao năng lực xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh: “Muốn phát triển nông nghiệp Tây Bắc bền vững, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các tỉnh trong vùng, các doanh nghiệp, HTX và người nông dân. Đồng thời, phải đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất - tiêu thụ, liên kết chuỗi giá trị và xây dựng thương hiệu đặc sản vùng miền”.

Những kiến nghị, đề xuất tại Diễn đàn là cơ sở quan trọng để các cơ quan quản lý tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chính sách phù hợp. Qua đó, thúc đẩy sự liên kết hiệu quả giữa các địa phương, doanh nghiệp và người dân, góp phần khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của khu vực Tây Bắc. Đồng thời, nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm nông lâm sản, hướng tới một nền nông nghiệp xanh, hiện đại và phát triển bền vững.

Quốc Tuấn

 

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Video tuyên truyền
THÔNG TIN TRA CỨU

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1