Xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên nằm trên độ cao 1.600m so với mặt nước biển, thổ nhưỡng và khí hậu nơi đây đã góp phần làm nên một sản phẩm chè Tà Xùa nổi tiếng và được người tiêu dụng ưa chuộng.
Trên địa bàn xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên hiện có gần 300 ha cây chè Shan Tuyết đã cho thu hoạch, trong đó có khoảng 40 ha cây chè Shan Tuyết cổ thụ, với 2.500 - 3.000 cây có từ 100 năm tuổi đến 300 năm tuổi tập trung ở bản Bẹ, Chung Chinh... Do quanh năm mây phủ, độ ẩm cao và khí hậu trong lành mát mẻ nên cây chè Shan Tuyết nơi đây có búp to, dưới lá chè có phủ một lớp lông tơ mịn, màu trắng như tuyết, người dân nơi đây thường gọi là chè tuyết. Cuối năm 2019, Hiệp hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam đã trao Bằng công nhận quần thể cây di sản đối với 200 cây chè cổ thụ Tà Xùa tại bản Bẹ. Đây là tiềm năng, lợi thế để xã phát triển thương hiệu chè cổ thụ Tà Xùa gắn với du lịch “Thiên đường mây Tà Xùa”.
Người dân xã Tà Xùa thu hái búp chè tươi.
Theo những người cao tuổi ở Tà Xùa kể lại, không ai biết rõ cây chè có từ bao giờ, chỉ biết cây chè ở đây có hương vị đặc trưng và tốt cho sức khỏe, nên người dân đã mang hạt giống của cây chè từ rừng về trồng. Cây chè gắn bó với đời sống sinh hoạt, văn hóa của đồng bào dân tộc Mông vùng cao Tà Xùa hàng trăm năm nay, nghề sao chè cũng ra đời từ đó. Du khách đến Tà Xùa không chỉ “săn mây” mà còn tham quan những cây chè cổ thụ, trải nghiệm hái và tự sao chè theo phương pháp thủ công, thưởng thức hương vị chè ngon nức tiếng trong không khí trong lành của vùng cao.
Được biết, thời điểm hái chè tốt nhất để có chè ngon là lúc sáng sớm, khi trời còn mát và có nhiều sương, lúc này búp chè ngậm sương, có hương vị tốt nhất. Vị đặc biệt của chè nằm tại búp chè bởi ở đó có lớp lông thường gọi là tuyết dày, vì thế, khi hái phải hết sức cẩn thận, không được đụng đến. Chè hái về phải tiến hành sao càng sớm càng tốt, mới giữ được hương vị. Không dùng lồng quay, bà con dân tộc Mông ở xã Tà Xùa sử dụng chính đôi bàn tay trần của mình để sao chè, trên chảo gang trên bếp củi trong thời gian từ 3-4 giờ đồng hồ. Sau khi lá chè được làm héo sẽ cho ra vò bằng tay để kiểm tra độ ẩm và lại cho vào chảo tiếp tục đảo đều tay cho đến khi độ ẩm của chè đạt yêu cầu. Trong phương pháp làm chè của người Mông, nếu quá trình chăm sóc, thu hái là yếu tố cần thì công đoạn sao chè đóng vai trò quyết định chất lượng và hình thức của chè thành phẩm. Mỗi năm chè Tà Xùa thường có từ 3 đến 4 đợt búp, thu hái vào các tháng 2, 4 hoặc tháng 8, 10.
Sản phẩm chè Tà Xùa sau khi chế biến.
Để bảo vệ và phát triển sản phẩm chè Tà Xùa, trong những năm gần đây, xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân bảo vệ, chăm sóc cây chè cổ thụ, chăm sóc hoàn toàn tự nhiên, không phun thuốc hay dùng phân hóa học để bón cho cây, mà chỉ phát dọn thực bì quanh gốc tạo sự thông thoáng cho cây quang hợp và thu hái đúng kỹ thuật. Nhờ đó, cây chè được phục hồi, xanh tốt, cho năng suất và chất lượng cao. Bình quân, sản phẩm chè búp khô với giá bán từ 500.000 - 800.000 đồng/kg. Ngoài ra, loại chè cổ thụ búp to, giá bán trung bình từ 1,2 - 1,5 triệu đồng/kg, riêng loại chè thượng hạng giá bán lên đến 2,5 triệu đồng/kg. Hàng năm, người dân xã Tà Xùa thu hái được trên 300 tấn chè búp tươi, chế biến được hơn 60 tấn chè khô. Thương hiệu chè Shan Tuyết Tà Xùa ngày càng được nhiều người biết đến, giá bán được nâng lên, tạo nguồn thu nhập ổn định cho người trồng chè. Thấy được giá trị cây chè mang lại, người dân đã thay đổi nhận thức từ chăm sóc, bảo vệ, thu hái, chế biến đúng kỹ thuật. Nhờ đó, chất lượng sản phẩm được nâng lên, nhiều diện tích chè được áp dụng công nghệ VietGAP và hướng tới sản xuất chè sạch theo hướng hữu cơ.
Hiện nay, phần lớn sản phẩm chè búp tươi của xã Tà Xùa được Công ty TNHH trà và đặc sản Tây Bắc thu mua để sản xuất thành sản phẩm trà viên, trà trúc, trà mây và bộ sản phẩm trà túi lọc Shanam ướp nhài và ướp hồng trà... đáp ứng nhu cầu, sở thích của nhiều đối tượng khách hàng khác nhau. Hiện, xã Tà Xùa đang vận động người dân tiếp tục mở rộng diện tích vùng trồng chè, phấn đấu đến năm 2025, toàn xã có 500 ha chè. Đồng thời, giữ gìn và bảo tồn diện tích chè cổ thụ, nhằm nâng cao thương hiệu trà Tà Xùa và thu hút khách du lịch, góp phần cải thiện đời sống cho người dân địa phương.
Lê Hồng