Hướng dẫn nghiệp vụ công tác tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021
Ngày 01 tháng 2 năm 2016, Bộ Nội vụ ban hành Thông tư 02/2016/TT-BNV về Hướng dẫn nghiệp vụ công tác tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.

Thông tư 02/2016/TT-BNV hướng dẫn nghiệp vụ công tác tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 ở địa phương, gồm: Tổ chức, hoạt động của các tổ chức phụ trách bầu cử và nghiệp vụ công tác tổ chức bầu cử của các tổ chức phụ trách bầu cử thực hiện trước ngày bầu cử, trong ngày bầu cử và sau ngày bầu cử. Thông tư áp dụng cho các tổ chức phụ trách bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 được thành lập ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương; xã, phường, thị trấn và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

Việc thành lập, cơ cấu, thành phần và nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức phụ trách bầu cử thực hiện theo quy định tại các điều 21, 22, 23, 24, 25, 26, 27 và Điều 28 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Đối với các địa phương đang thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường thì việc thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương do Ủy ban nhân dân huyện, quận, phường sau khi thống nhất với Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp quyết định. Đối với đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã chỉ có một khu vực bỏ phiếu thì vẫn thành lập Ban bầu cử và Tổ bầu cử riêng; thành viên Ban bầu cử có thể tham gia làm thành viên Tổ bầu cử.

Về hoạt động của các tổ chức phụ trách bầu cử: Căn cứ điều kiện cụ thể, các tổ chức phụ trách bầu cử có thể trưng tập cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội giúp việc cho tổ chức phụ trách bầu cử theo quyết định của người đứng đầu tổ chức phụ trách bầu cử; Các tổ chức phụ trách bầu cử tổ chức quán triệt những nhiệm vụ, quyền hạn của từng tổ chức phụ trách bầu cử đã được Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân quy định; các thành viên của các tổ chức phụ trách bầu cử phải được tập huấn đầy đủ các kỹ năng, nghiệp vụ thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, trong đó đặc biệt chú trọng công tác tập huấn đối với thành viên Tổ bầu cử; Các tổ chức phụ trách bầu cử thực hiện các công việc theo quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân và thực hiện chế độ báo cáo định kỳ theo tiến độ về tình hình chuẩn bị, triển khai, thực hiện công tác bầu cử với tổ chức phụ trách bầu cử cấp trên trực tiếp và cơ quan có thẩm quyền.

Về địa điểm bỏ phiếu: Tùy theo điều kiện cơ sở vật chất ở địa phương như nhà văn hóa, hội trường, trường học,... và căn cứ mật độ phân bố dân cư ở khu vực bỏ phiếu, Tổ bầu cử lựa chọn địa điểm bỏ phiếu (phòng bỏ phiếu) cho phù hợp, bảo đảm thuận tiện để cử tri đến bầu cử. Địa điểm bỏ phiếu phải được trang trí trang nghiêm, tiết kiệm; bố trí lối vào cho cử tri bỏ phiếu và lối ra cho cử tri sau khi đã bỏ phiếu xong. Địa điểm bỏ phiếu gồm: Cổng ra vào, khu vực bên ngoài phòng bỏ phiếu và khu vực bên trong phòng bỏ phiếu phải được trang trí theo mẫu hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.Cổng ra vào và khu vực bên ngoài phòng bỏ phiếu được trang trí theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này và Khu vực bên trong phòng bỏ phiếu được trang trí theo Mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư này.

Về hòm phiếu: Việc chuẩn bị hòm phiếu, số lượng, kích cỡ hòm phiếu tùy theo đặc điểm, điều kiện của từng địa phương theo hướng dẫn cụ thể của Ủy ban bầu cử cấp tỉnh. Hòm phiếu được đóng mới hoặc sử dụng hòm phiếu bầu cử hiện có. Hòm phiếu phải bảo đảm chắc chắn, trang trí sạch đẹp, phía mặt trước của hòm phiếu có dán hình Quốc huy, phía dưới có dòng chữ "HÒM PHIẾU". Ngoài hòm phiếu chính, Tổ bầu cử phải chuẩn bị hòm phiếu phụ (hòm phiếu lưu động) và băng niêm phong hòm phiếu.

Về việc nhận tài liệu liên quan đến công tác bầu cử của Tổ bầu cử: Tổ bầu cử phân công thành viên nhận các loại tài liệu sau đây từ Ủy ban nhân dân cấp xã và Ban bầu cử cùng cấp: Thẻ cử tri theo danh sách cử tri ở khu vực bỏ phiếu và phát cho cử tri trước ngày bầu cử theo quy định của pháp luật về bầu cử; Nhận đủ số lượng phiếu bầu theo danh sách cử tri và số lượng phiếu bầu dự phòng. Khi nhận phiếu bầu phải có biên bản bàn giao giữa người giao và người nhận về số lượng cụ thể của từng loại phiếu bầu. Tổ bầu cử kiểm tra kỹ phiếu bầu ghi tên những người ứng cử đúng với khu vực bỏ phiếu của Tổ mình và phải quản lý chặt chẽ số lượng các loại phiếu bầu; Con dấu của Tổ bầu cử và con dấu "Đã bỏ phiếu"; Các loại biên bản, biểu mẫu của Tổ bầu cử; Danh sách cử tri của khu vực bỏ phiếu; Danh sách và tiểu sử tóm tắt của những người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp tại khu vực bỏ phiếu; Nội quy phòng bỏ phiếu, thể lệ bầu cử, mẫu diễn văn khai mạc; Phù hiệu của các thành viên Tổ bầu cử; Văn phòng phẩm;Các tài liệu khác liên quan đến bầu cử theo hướng dẫn của địa phương.

Các công việc thực hiện trước và trong ngày bầu cử của Tổ bầu cử được thực hiện theo quy định tại Điều 9 và 10 của Thông tư này. Kiểm kê, kiểm tra và phân loại phiếu bầu và kiểm đếm số phiếu bầu cho từng người ứng cử được thực hiện theo quy định tại Điều 11 và 12 của Thông tư này.

Về niêm phong và quản lý phiếu bầu sau khi kiểm phiếu: Sau khi kiểm phiếu và lập biên bản kết quả kiểm phiếu, Tổ bầu cử tiến hành niêm phong phiếu bầu theo từng loại phiếu bầu đại biểu Quốc hội, phiếu bầu đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp như sau: số phiếu bầu hợp lệ; số phiếu bầu không hợp lệ. Toàn bộ số phiếu đã được niêm phong quy định tại Khoản 1 Điều 13 Thông tư này phải được Tổ bầu cử cho vào hòm phiếu và làm thủ tục niêm phong hòm phiếu có chữ ký của Tổ trưởng, Thư ký Tổ bầu cử gửi Ủy ban nhân dân cấp xã. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm quản lý các loại phiếu bầu của các Tổ bầu cử ở địa phương mình. Trong thời gian quản lý phiếu bầu, nếu không có ý kiến bằng văn bản của cấp có thẩm quyền thì tuyệt đối không được mở và kiểm tra phiếu bầu đã được niêm phong.

Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Phương Thanh

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
1 2 3 4 5  ... 
Video tuyên truyền nông thôn mới
THÔNG TIN TRA CỨU

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1