Những kết quả bước đầu đạt được trong việc thực hiện chính sách cho đồng bào dân tộc La Ha tại tỉnh Sơn La
Trong bối cảnh kinh tế trong nước chuyển biến tích cực với những kết quả nổi bật về cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, xuất khẩu thu hút khách quốc tế và đầu tư nước ngoài. Sơn La cũng như các địa phương khác trong cả nước, bên cạnh các chương trình, chính sách lớn của Chính phủ về các mặt nông nghiệp, công nghiệp, giao thông, phát triển cơ sở hạ tầng, văn hóa, y tế, giáo dục, đào tạo, thông tin... những thành tựu của chính sách an sinh xã hội đã tác động thúc đẩy rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc. Cụ thể các Chương trình, Dự án cấp quốc gia như: Nghị quyết 30a, Chương trình 135, Quyết định 33/QĐ-TTg, Quyết định 755/QĐ-TTg, Quyết định 102/QĐ-TTg, Quyết định 2085/QĐ-TTg, Quyết định 2086/QĐ -TTg của Thủ tướng Chính phủ ... Ngoài các chương trình, chính sách của trung ương, tỉnh Sơn La đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách riêng, mang tính đột phá như chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn nội bản, tiểu khu, tổ dân phố thuộc các phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh; chính sách hỗ trợ tổ chức nấu ăn tại các trường phổ thông có học sinh bán trú...nhằm lồng ghép với các chương trình, dự án, mục tiêu quốc gia, tập trung đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho các xã đặc biệt khó khăn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Bên cạnh các chính sách chung đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trung ương đã dành một phần kinh phí quan tâm đầu tư một số chính sách đặc thù trong đó có chính sách cho nhóm dân tộc rất ít người, trong đó tỉnh Sơn La có dân tộc La Ha. Dân tộc La Ha là dân tộc thiểu số có số dân dưới 10.000 là một trong nhóm dân tộc đặc biệt khó khăn, chậm phát triển của tỉnh, cư trú ở 4 huyện Mường La, Thuận Châu, Quỳnh Nhai, Mộc Châu; dân số chiếm gần 0,75% tổng dân số toàn tỉnh. Địa bàn cư trú khó khăn, đa số cách xa các khu vực trung tâm huyện, xã và khu vực có điều kiện phát triển. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Chất lượng dân số và chất lượng cuộc sống ở mức thấp. Tập quán sinh hoạt, sản xuất lạc hậu, phụ thuộc vào tự nhiên.
Theo thống kê mới nhất tháng 4 năm 2019, tỉnh Sơn La có: 2.237 hộ; 10.051 khẩu là người dân tộc La Ha. Dân tộc La Ha có mặt ở vùng Tây Bắc cũng như Sơn La từ rất sớm, tuy nhiên có dân số ít, cộng cư lâu đời cùng dân tộc Thái có số lượng dân cư đông nhất ở Sơn La vì vậy dân tộc La Ha có sự giao thoa, tiếp thu văn hóa của dân tộc Thái nhưng họ vẫn bảo tồn và giữ gìn được những nét văn hóa riêng của mình, đó là lễ hội Pang A, (còn có các tên gọi khác là: Đậu Pang ả, Pang a nụn ban, dâng hoa măng). Còn lại là các nghi lễ như: Xên bản, xên hươn, lễ trưởng thành...Hiện nay, ở những bản có thầy cúng thì những nghi lễ, lễ hội này vẫn được bảo tồn rất tốt.
Những yếu tố có tính chất lịch sử, điều kiện cư trú sống đan xen với dân tộc khác, văn hoá dân tộc như tiếng nói, trang phục, lễ hội, tập quán sinh hoạt, sản xuất ... đang đặt ra cho dân tộc này đứng trước nhiều nguy cơ, đặc biệt là nguy cơ về đồng hoá, suy giảm chất lượng dân số do ảnh hưởng của các tệ nạn xã hội và sự tụt hậu, tự ty dân tộc. Những yếu tố này là rào cản cho sự hoà nhập và phát triển của người dân, đồng thời cũng là thách thức trong việc hoạch định những chính sách phát triển cho dân tộc này.
Xuất phát từ thực trạng trên, để đưa dân tộc La Ha vươn lên thoát khỏi đói nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hoá truyền thống tiếp tục củng cố sự bình đẳng đoàn kết giữa các dân tộc, từng bước hoà nhập vào sự phát triển chung của huyện, tỉnh và khu vực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường; giữ vững an ninh chính trị. Do đó năm 2010, Ban Dân tộc tỉnh đã nghiên cứu tham mưu xây dựng Đề án Hỗ trợ và phát triển kinh tế - xã hội dân tộc La Ha trên địa bàn tỉnh Sơn La trình Ủy Ban Dân tộc nhất trí phê duyệt tại Quyết định số 2086/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016-2025. Tỉnh Sơn La ban hành Quyết định số 2477/QĐ-TTg ngày 20/9/2017, về phê duyệt Đề án Hỗ trợ và phát triển kinh tế - xã hội dân tộc La Ha giai đoạn 2017-2025 trên địa bàn tỉnh Sơn La. Trong đó mục tiêu là duy trì, phát triển và nâng cao vị thế của dân tộc la Ha; xóa đói giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào một cách bền vững, nhằm giảm dần sự chênh lệch về khoảng cách phát triển với các dân tộc khác trong vùng; xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các thôn bản nơi sinh sống tập trung của đồng bào dân tộc La Ha; góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Cụ thể là đầu tư hỗ trợ cho 4 nội dung chính đó là: (1) Xây dựng, sửa chữa, nâng cấp hoàn thiện kết cấu cơ sở hạ tầng (như nhà lớp học đường giao thông, thủy lợi, điện sinh hoạt, nhà văn hóa; nhà ở giáo viên); (2) Hỗ trợ phát triển sản xuất (như giống, vật tư, phục vụ đầu vào chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; Hỗ trợ làm chuồng trại chăn nuôi; Hỗ trợ vắc xin tiêm phòng các dịch bệnh nguy hiểm cho gia súc, gia cầm; Hỗ trợ khai hoang tạo đất sản xuất; hỗ trợ giao khoán bảo vệ rừng; hỗ trợ nâng cao kiến thức, trình độ năng lực sản xuất cho đồng bào; (3) Hỗ trợ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, nâng cao đời sống tinh thần như khôi phục nghề truyền thống; phục dựng bảo tồn các lễ hội; thành lập và duy trì đội văn nghệ thôn, bản; (4) Đào tạo sử dụng cán bộ dân tộc, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở. Từ năm 2019 đến nay, tỉnh Sơn La đã triển khai chính sách đối với nhóm dân tộc La Ha. Đây là chính sách đặc thù, sáng tạo của địa phương, nhằm nâng cao đời sống phát triển tiến kịp cùng với các dân tộc khác trong đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh như phát triển kinh tế, bảo tồn tiếng nói, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc. Qua gần 2 năm thực hiện đã đạt được một số kết quả quan trọng: Đối với vốn sự nghiệp đã hỗ trợ giống bò, dê và máy móc nông cụ cho trên 1.000 hộ; làm chuồng trại chăn nuôi hoặc di chuyển chuồng trại chăn nuôi ra xa nơi ở cho gần 2.000 hộ; tiêm vắc xin tiêm phòng cho gia súc, gia cầm cho 326 hộ; hỗ trợ cải tạo ao hoặc hỗ trợ bè lồng cá trên mặt hồ cho 347 hộ; tập huấn nâng cao kiến thức, trình độ năng lực sản xuất cho gần 2.000 người đại diện cho các hộ gia đình; tổ chức cho 875 người tham quan học tập kinh nghiệm trong sản xuất, kinh nghiệm thực hiện việc bảo tồn nét văn hóa ngôn ngữ, lễ hội truyền thống giữa các địa phương trong tỉnh; hỗ trợ duy trì cho đội văn nghệ thôn bản; phục dựng lễ hội nhằm bảo tồn giữ gìn phát triển lễ hội truyền thống; đã tổ chức 4 lớp truyền khẩu dạy tiếng dân tộc La Ha cho hơn 200 người là dân tộc La Ha theo hình thức truyền khẩu. Tổng kinh phí đã thực hiện được 29.914/48.781 triệu đồng đạt 61,3% tổng vốn giao. Năm 2020, tỉnh Sơn La được phân bổ vốn là 33.312 triệu đồng, tỉnh đã phê duyệt quyết định phân bổ vốn đầu tư cơ sở hạ tầng như công trình giao thông, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng cho các bản có dân tộc La Ha theo đề án đã được phê duyệt. Hiện các huyện đang tiến hành chuẩn bị các bước đầu tư theo quy định.
Trong chuyến công tác vào tháng 8 năm 2020 của Đoàn công tác Ban Dân tộc do đồng chí Trưởng Ban Dân tộc làm trưởng đoàn, tại bản Nón, xã Nong Lay, huyện Thuận Châu, chúng tôi đến thăm 01 lớp học tiếng dân tộc La Ha theo hình thức truyền khẩu thuộc chính sách hỗ trợ theo Quyết định 2086/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Chúng tôi gặp ông Lò Văn Hặc là người dân tộc La Ha ở bản Tát Ướt, xã Liệp Tè, huyện Thuận Châu là người được mời tham gia dạy tiếng La Ha được biết ông dạy lớp này là lớp thứ 5, trong đó đã hoàn thành 03 lớp ở bản Huổi Nọng, 01 lớp ở bản Song xã Chiềng La, ông cho biết trong quá trình truyền dạy tiếng các học viên rất nghiêm túc hăng hái nghe giảng và cùng nhau thảo luận trao đổi, tài liệu học là những chủ đề có trong giao tiếp sinh hoạt hàng ngày, mang tính chất đơn giản phù hợp với bà con dễ nắm, dễ hiểu, dễ nhớ, mỗi khóa học không quá 30 ngày. Qua trao đổi với các học viên của lớp các học viên rất phấn khởi và tự hào được tham gia học tiếng và mong muốn sau khi biết thạo tiếng sẽ đi truyền dạy cho những người trong bản làm sao ai cũng nghe và nói thành thạo tiếng dân tộc của mình để giữ gìn bảo tồn tiếng nói sau này mà không chỉ các cụ cao tuổi mới biết mà các cháu nhỏ cũng phải biết truyền dạy cho nhau.

Đồng chí Đinh Trung Dũng, Trưởng Ban Dân tộc phát biểu tại lớp học truyền dạy tiếng dân tộc tại bản Nón, xã Nong Lay, huyện Thuận Châu.
Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, sự giao thoa về văn hoá giữa các dân tộc, bản sắc và các giá trị truyền thống của các dân tộc Sơn La đang có những biến đổi rất quan trọng. Số người nói được các ngôn ngữ DTTS thường thuộc lứa tuổi già và trung niên, còn lứa tuổi thanh niên biết tiếng "mẹ đẻ" ít hơn, thậm chí nhiều trẻ em không biết tiếng mẹ đẻ của mình... Theo lẽ tự nhiên, các ngôn ngữ có số lượng người nói ít, lại phân tán, không có nhiều độ tuổi sử dụng thì nguy cơ mai một càng nhanh. Mặt khác, phần lớn ngôn ngữ các DTTS lâu nay không được truyền dạy có tổ chức mà chỉ được truyền dạy tự phát, hay dùng dưới dạng khẩu ngữ trong phạm vi gia đình, làng bản...
Đồng bào các DTTS rất trân trọng những nét bản sắc văn hóa do cha ông truyền lại, trong đó có tiếng mẹ đẻ. Tuy nhiên, trong thời đại phát triển hiện nay vì nhiều nguyên nhân khác nhau, chủ yếu vì lý do kinh tế, các bậc cha mẹ phải hướng con cái tới việc nắm vững tiếng Việt và các ngoại ngữ (Anh, Pháp, Trung, Nhật Bản...) để tìm kiếm việc làm, bảo đảm đời sống. Tuy nhiên, nhờ có chính sách của Đảng, nhà nước ta, những năm gần đây, Ở Sơn La đã có một số ngôn ngữ DTTS như dạy tiếng dân tộc Thái, dân tộc Mông được sử dụng như đối tượng hoặc phương tiện dạy - học trong một số trường phổ thông và các trung tâm giáo dục của tỉnh. Đồng thời, một số ngôn ngữ đang được sử dụng trên Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, đài phát thanh và truyền hình Sơn La .. Một số ngôn ngữ DTTS đã được sử dụng để in các tác phẩm văn nghệ truyền thống, các sáng tác mới; để biên soạn các từ điển đối chiếu song ngữ, các sách miêu tả ngữ pháp, các sách giáo khoa, các báo, tạp chí...Tại Sơn La, hiện nay, ngôn ngữ của đồng bào các dân tộc Kháng, La Ha, Xinh Mun đang có nguy cơ bị mai một khá cao, nhất là trong giới trẻ hiện nay, gần như không nói tiếng của dân tộc mình. Những giải pháp đề cập nhiều nhất đó là: cần tạo được không gian cộng đồng để mọi người cùng sử dụng ngôn ngữ dân tộc, khuyến khích tạo điều kiện để các nghệ nhân, người cao tuổi truyền dạy lại ngôn ngữ dân tộc, khuyến khích các văn nghệ sĩ người dân tộc viết, sáng tác bằng tiếng dân tộc, tăng cường quảng bá ngôn ngữ dân tộc trên các phương tiện thông tin đại chúng... Đồng thời các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân tộc thiểu số hiểu rõ được vai trò, ý nghĩa của việc bảo tồn giữ gìn tiếng nói riêng của dân tộc mình.
Có thể nói Đảng và Nhà nước quan tâm hỗ trợ đầu tư chính sách đặc thù trong đó chính sách dành cho nhóm dân tộc ít người là một chủ trương đúng đắn mang tính nhân văn, bước đầu đã mang lại một số kết quả. Chính sách này phù hợp với điều kiện thực tiễn chăm lo giải quyết những khó khăn, bức xúc trong đời sống, sản xuất của đồng bào các dân tộc thiểu số, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, ổn định dân cư, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào, bảo tồn giá trị văn hóa do cha ông truyền lại, trong đó có tiếng mẹ đẻ. Các công trình cơ sở hạ tầng và hỗ trợ sản xuất được hỗ trợ, đầu tư thêm, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế và giao lưu hàng hoá làm tăng thêm các điều kiện sinh hoạt và sản xuất, góp phần giảm dần khoảng cách phát triển giữa các dân tộc trong tỉnh, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, tạo khí thế phấn khởi tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước./.
Nguyễn Hường (CTV)