Sơn La phát triển lâm nghiệp bền vững
Trong thời gian qua, công tác bảo vệ và phát triển rừng đã được cấp ủy, tổ chức đảng các cấp chính quyền quan tâm thực hiện và đạt được những kết quả quan trọng. Diện tích có rừng được bảo vệ và phát triển, độ che phủ rừng tăng ổn định qua các năm, công tác xây dựng và quản lý quy hoạch 3 loại rừng được điều chỉnh kịp thời đồng bộ với yêu cầu tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; công tác phát triển vốn rừng được các cấp chính quyền tập trung chỉ đạo theo định hướng phát triển kinh tế nông lâm nghiệp của tỉnh, bước đầu hình thành một số sản phẩm lâm sản đặc thù.

 

Theo công bố tại Quyết định số 1558/QĐ-BNN-TCLN ngày 13/4/2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng diện tích đất có rừng toàn tỉnh là 647,177 ha, trong đó: Chia theo nguồn gốc hình thành rừng: Rừng tự nhiên 590.836 ha và rừng trồng 56.341 ha.

Biển báo hiệu cấp dự báo cháy rừng

Giai đoạn 2016-2020, cơ chế chính sách trong lĩnh vực lâm nghiệp đã từng bước được hoàn thiện. Việc thực hiện các chính sách đầu tư về bảo vệ và phát triển rừng thời gian qua đã và đang phát huy hiệu quả, đạt được nhiều thành tựu tích cực, góp phần bảo vệ và phát triển bền vững vốn rừng hiện có, cải thiện đời sống những người làm nghề rừng, nhất là đồng bào dân tộc ít người, vùng sâu, vùng xa. Hệ thống tổ chức bộ máy, các quy định của pháp luật và cơ chế chính sách về phát triển lâm nghiệp đang từng bước được hoàn thiện, trong đó đặc biệt là cơ chế, chính sách về bảo vệ và phát triển rừng gắn với giảm nghèo đã góp phần quan trọng vào việc Bảo vệ và phát triển rừng theo hướng bền vững và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Diện tích rừng và độ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh tăng theo các năm: Năm 2016 toàn tỉnh có  598.997,7 ha rừng, đến năm 2020 đã tăng lên 641.143 ha (tăng 42.146 ha), bình quân diện tích rừng 8.429 ha/năm; tương ứng với độ che phủ rừng tăng từ 42,41% năm 2016 lên 45,4% năm 2020. Diện tích trồng rừng tập trung giai đoạn 2016-2020 được 12.638,7 ha, gồm: rừng phòng hộ, đặc dụng 6.317,8 ha và rừng sản xuất 6.320,8 ha, trồng cây phân tán 2.309 nghìn cây các loại. Toàn tỉnh thực hiện hỗ trợ xúc tiến tái sinh tự nhiên với diện tích là 40.305 ha theo quy định của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (nay là Luật Lâm nghiệp). Đây là nguồn tài nguyên quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến công tác phát triển vốn rừng và tỷ lệ che phủ rừng của toàn tỉnh.

Công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng được chú trọng. Các cơ quan chức năng phối hợp với cấp ủy, chính quyền cơ sở thường xuyên kiểm tra, kiểm soát các khu vực trọng điểm có nguy cơ bị lấn chiếm, khai thác lâm sản trái pháp luật; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp. Do đó, đã làm hạn chế đến mức thấp nhất số vụ vi phạm xảy ra. Theo thống kê, giai đoạn năm 2016-2020, trên toàn tỉnh xảy ra 2.721 vụ vi phạm (giảm 1.853 vụ so với giai đoạn 2012-2015).

Hiện nay, tỉnh Sơn La tiếp tục hỗ trợ và khuyến khích các Doanh nghiệp, Hợp tác xã đầu tư phát triển trong lĩnh vực lâm nghiệp như: Nhà máy sản xuất tre công nghiệp tại cụm công nghiệp Mộc Châu; Công ty TNHH Bắc Sơn (chế biến sản phẩm Sơn Tra Bắc Yên); Doanh nghiệp chế biến gỗ tại khu công nghiệp Tà Xa (huyện Mai Sơn), Công ty cổ phần chế biến thực phẩm công nghệ cao (Tập đoàn TH), Công ty cổ phần Liên Việt đầu tư vào phát triển cây Mắc Ca trên địa bàn tỉnh theo hướng phát triển bền vững nguyên liệu gắn với thị trường chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Trong thời gian tới, tỉnh Sơn La sẽ tiếp tục rà soát lại quy mô, cơ cấu quy hoạch 3 loại rừng theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh và quy hoạch lâm nghiệp Quốc gia giai đoạn 2021-2025 theo quy định của Luật Lâm nghiệp năm 2017. Quản lý bảo vệ vốn rừng hiện có với quy mô, đảm bảo năng lực phòng hộ đầu nguồn cho các công trình thủy điện quốc gia trên sông Đà, các công trình thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh, hệ thống các công trình phòng hộ đầu nguồn, biên giới hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ môi trường rừng bền vững giữa bên cung ứng dịch vụ môi trường và bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng nhằm bảo vệ và phát triển rừng theo hướng bền vững, toàn diện cả về kinh tế, xã hội và môi trường; vừa tăng độ che phủ rừng, vừa nâng cao chất lượng, giá trị kinh tế của rừng, tạo sản phẩm hàng hóa và việc làm, tăng thu nhập cho người làm nghề rừng; phát huy và khai thác tiềm năng lợi thế về đất rừng. Sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng để đầu tư trở lại cho công tác phát triển vốn rừng, trồng cây lâm nghiệp đa mục đích, cây ăn quả, cây lâm sản ngoài gỗ, dược liệu,.... để cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng dịch vụ môi trường rừng.

Như Thủy

 

 

Video tuyên truyền nông thôn mới
THÔNG TIN TRA CỨU

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1