Phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững
Trong thời gian qua, tỉnh Sơn La xác định, phát triển chăn nuôi đóng vai trò chủ lực trong phát triển nông nghiệp. Đồng thời, phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững phải sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên đất đai, khí hậu, nước, bảo vệ môi trường sinh thái và phù hợp với quy hoạch tỉnh, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, cơ cấu lại ngành nông nghiệp.

 

Thực hiện Quyết định số 1520/QĐ-TTg ngày 06/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1335/QĐ-UBND ngày 18/06/2021 của UBND tỉnh Sơn La về việc ban hành Đề án phát triển chăn nuôi bền vững trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Hiện, tổng đàn gia súc, gia cầm và sản phẩm chăn nuôi chủ yếu của tỉnh như sau: Đàn trâu 123.462 con; đàn bò thịt 338.260 con; đàn bò sữa 29.150 con; đàn lợn 640.896 con; đàn ngựa 6.422 con; đàn dê 168.675 con; đàn gia cầm các loại 7.301 nghìn con; sản lượng thịt hơi xuất chuồng 75.423 tấn; sản lượng sữa tươi 96.100 tấn. So với năm 2020 đàn trâu giảm 0,7%; đàn bò thịt tăng 1,9%; đàn bò sữa tăng 11,4%; đàn lợn tăng 3,5%; đàn ngựa giảm 1,6%; Đàn dê tăng 3,6%; đàn gia cầm các loại tăng 2,5%; sản lượng thịt hơi xuất chuồng tăng 0,8%; sản lượng sữa tươi tăng 12,6%.

Trên địa bàn tỉnh Sơn La diện tích cỏ chăn nuôi năm 2021 đạt 10.242 ha, sản lượng 337.270 tấn; so với năm 2020 diện tích cỏ trồng tăng 15,74% (1.393 ha), sản lượng tăng 14,7% so với năm 2020 (43 tấn), giống cỏ trồng cỏ voi. Ngô sinh khối 3.321 ha, sản lượng 119.160 tấn, so với năm 2020 diện tích gieo trồng ngô sinh khối tăng 7,93% (244 ha) sản lượng tăng 6,22% (6.970 tấn). Mỳ mạch làm thức ăn chăn nuôi diện tích 16ha, sản lượng 400 tấn; So với năm 2020, diện tích trồng Mỳ mạch tăng 9ha, sản lượng tăng 225 tấn. Ngoài ra còn sử dụng nguồn thức ăn từ trồng trọt như: Củ quả (sắn, bí và rau xanh các loại...); các phụ phẩm ngọn cây mía, cây ngô...

Toàn tỉnh có 569 trang trại chăn nuôi (13 trang trại quy mô lớn, 304 trang trại quy mô vừa, 252 trang trại quy mô nhỏ). Tuy nhiên, tỷ lệ chăn nuôi trang trại, chăn nuôi tập trung trên địa bàn còn thấp, chủ yếu là chăn nuôi nông hộ, quy mô nhỏ lẻ, phân tán, nằm xen kẽ trong khu dân cư

Trong những năm gần đây tỉnh đã tích cực triển khai ứng dụng khoa học và công nghệ vào lĩnh vực chăn nuôi. Tiêu biểu như Đề tài: “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ vi sinh xử lý chất thải chăn nuôi bò, lợn thành phân hữu cơ trên địa bàn tỉnh Sơn La” được triển khai từ năm 2019 góp phần xử lý ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi đặc biệt khu vực phát triển du lịch như Mộc Châu. Đã tiến hành phân tích, đánh giá thành phần chất thải rắn, lỏng chăn nuôi bò, lợn tại địa phương và lựa chọn địa điểm, các hộ nuôi bò, lợn để triển khai xây dựng mô hình thử nghiệm; Tiến hành các thí nghiệm sử dụng chế phẩm vi sinh vật xử lý chất thải rắn chăn nuôi lợn, bò thành phân hữu. Bố trí các thí nghiệm và xây dựng mô hình sử dụng chế phẩm vi sinh vật kết hợp với bãi lọc thực vật để xử lý nước thải chăn nuôi lợn tại huyện Mai Sơn (quy mô 3-5m3 nước thải/ngày đêm) và xử lý nước thải chăn nuôi bò tại huyện Mộc Châu (quy mô 3-5m3 nước thải/ngày đêm). Kết quả bước đầu cho thấy việc xử lý chất thải rắn bằng chế phẩm vi sinh Sagi Bio tạo ra được phân hữu cơ đạt yêu cầu, việc xử lý nước thải chăn nuôi sau Bioga bằng chế phẩm vi sinh Sagi Bio kết hợp với bãi lọc thực vật chất lỏng sau xử lý đạt yêu cầu về quy định đối với nước thải chăn nuôi. Hay Đề tài: “Nghiên cứu đánh giá khả năng sinh trưởng phát triển của con lai F1 giữa bò BBB và bò Lai Sind trên địa bàn tỉnh Sơn La”. Đề tài đã thực hiện các nội dung hỗ trợ kỹ thuật, vật tư, thức ăn để chăm sóc đàn bò cái nền lai Sind được lựa chọn để phối giống, hỗ trợ tinh bò BBB thực hiện các thí nghiệm phối giống. Đã thực hiện phối tinh cho 43 con bò, hiện tại đã đẻ được 08 bê con.

Bên cạnh đó,  đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá, chú trọng cải tạo giống và chuyển giao kỹ thuật, mở rộng mô hình doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với các hộ gia đình để phát triển chăn nuôi, gắn với mở chợ buôn bán trao đổi đại gia súc, gồm: Ứng dụng công nghệ cấy chuyển phôi giống bò sữa thuần chủng tại Mộc Châu, phối giống nhân tạo cho bò cái có kết quả bằng tinh của giống bò chất lượng cao (Brahman).... Ứng dụng phát triển công nghệ chuồng kín, công nghệ tự động hóa toàn bộ hoặc một số khâu trong chăn nuôi trang trại tập trung, công nghiệp như chăn nuôi lợn giống, lợn siêu nạc ứng dụng công nghệ cao tại Công ty cổ phần Chăn nuôi Lộc Phát; Công ty cổ phần Chăn nuôi Minh Thúy Chiềng Chung; ứng dụng công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi (công nghệ khỉ sinh học, chế phẩm sinh học...) nhằm giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Sử dụng men vi sinh hoạt tính trong ủ, chế biến thức ăn chăn nuôi quy mô hộ gia đình.

Chăn nuôi theo chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã với hộ dân đạt hiệu quả kinh tế cao tiếp tục được nhân rộng và phát triển: Duy trì và phát triển 37 chuỗi cung ứng thịt, thủy sản mật ong an toàn: 04 chuỗi thịt lợn an toàn 8.400 con, sản lượng 4.663 tấn/năm; 01 chuỗi thịt gà an toàn, số lượng 6.000 con, sản lượng 9 tấn/năm; 05 chuỗi mật ong an toàn, số lượng 3.295 đàn ong, sản lượng 150 tấn/năm; 27 chuỗi thủy sản nuôi, số lượng 3.426 lồng bè trên lòng hồ thủy điện Sơn La, sản lượng 2.898 tấn/năm. Đến nay các mô hình sản xuất thịt an toàn đã được nhân rộng trên địa bàn các huyện, thành phố, bước đầu hình thành các vùng sản xuất chuyên canh nông sản thực phẩm an toàn cung cấp cho người tiêu dùng trong tỉnh, các tỉnh lân cận và thị trường Hà Nội.

Như Thủy

Video tuyên truyền nông thôn mới
THÔNG TIN TRA CỨU

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1