(sonla.gov.vn) Tỉnh Sơn La có nhiều tiềm năng, lợi thế cả về tự nhiên và văn hóa để phát triển du lịch. Tỉnh xác định phát triển du lịch theo hướng bền vững, đa dạng hóa sản phẩm, phấn đấu đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với đóng góp 10% - 13% GRDP.
Khu du lịch Phađin Top - huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La.
Tỉnh Sơn La có nhiều tiềm năng, lợi thế cả về tự nhiên và văn hóa để phát triển du lịch. Với vị trí quan trọng, nằm ở trung tâm của tuyến du lịch quốc gia từ Hà Nội đến các tỉnh Tây Bắc; có nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn đã được khẳng định thương hiệu và hình ảnh trên bản đồ du lịch Việt Nam, nhiều điểm đến tiêu biểu đã và đang thu hút khách du lịch như: Cầu kính Bạch long, Khu du lịch Hồ rừng thông, Thác Dải Yếm, Làng Chè, du lịch nông nghiệp thung lũng mận Nà Ka, bản du lịch cộng đồng Tà Số - Mộc Châu; Đền thờ Hang Miếng, thác Nàng Tiên - Vân Hồ, khu du lịch Tà Xùa - Bắc Yên, du lịch vùng lòng hồ thủy điện Sơn La - Quỳnh Nhai, du lịch cộng đồng Ngọc Chiến - Mường La, di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La - TP Sơn La; du lịch Phađin Top - Thuận Châu... đặc biệt Khu du lịch quốc gia Mộc Châu được Tổ chức giải thưởng du lịch thế giới World Traval Awards bình chọn là “Điểm đến du lịch thiên nhiên khu vực hàng đầu Thế giới”. Du lịch Sơn La được đánh giá là trung tâm du lịch quan trọng trên hành lang du lịch “Qua miền Tây Bắc” theo quốc lộ 6. Ngành du lịch Sơn La ở giai đoạn này đã đóng góp khoảng 6% GRDP với số lượng khách đến với Sơn La đạt khoảng 3,3 triệu lượt người năm 2022; tăng trưởng nhanh, ổn định ở mức khoảng 13%/năm (tỷ lệ khách du lịch quốc tế là 4,4%; khách du lịch nội địa là 95,6%).
Nhận định phát triển du lịch với vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác, góp phần quan trọng hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại, bền vững, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Kết luận số 94-KL/TU ngày 23/01/2021 về phát triển du lịch tỉnh Sơn La đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với những quan điểm, mục tiêu, định hướng trọng tâm: Phát triển du lịch với vai trò là nhiệm vụ trọng tâm trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị; Phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh; Phát triển du lịch Sơn La phải phù hợp với chiến lược, quy hoạch và có trọng tâm, trọng điểm…tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác, góp phần quan trọng hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại; Phát triển du lịch bền vững và bao trùm trên nền tảng tăng trưởng xanh, tối đa hóa sự đóng góp của du lịch cho các mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh gắn với việc quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh; Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, di sản văn hóa, sản vật địa phương; Phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, trong đó lấy Khu du lịch Mộc Châu, lòng hồ thủy điện Sơn La, thành phố Sơn La làm động lực cho phát triển các khu, điểm du lịch khác; Đẩy mạnh phát triển sản phẩm khu, điểm, bản du lịch cộng đồng, sinh thái nông nghiệp nông thôn, du lịch thể thao khám phá để phát huy thế mạnh các giá trị tài nguyên du lịch của tỉnh và tạo sản phẩm du lịch khác biệt; Phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, du lịch thông minh gắn với sản phẩm du lịch và lực lượng lao động chất lượng cao; Phát triển đồng thời du lịch quốc tế và du lịch nội địa trong đó lấy du lịch nội địa làm nền tảng, mở rộng thị trường quốc tế.
Phát triển du lịch theo hướng bền vững, đa dạng hóa sản phẩm, phấn đấu đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với đóng góp 10% - 13% GRDP. Đến năm 2050, du lịch Sơn La trở thành ngành kinh tế trụ cột của tỉnh với đóng góp 15% - 18% GRDP; Giai đoạn 2021 - 2030: Phấn đấu đưa du lịch Sơn La trở thành điểm đến an toàn hấp dẫn vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo, chuyên nghiệp bền vững và hội nhập quốc tế. Phát triển du lịch tỉnh Sơn La trở thành trung tâm du lịch của vùng Tây Bắc; Đến năm 2025 Mộc Châu được công nhận là Khu du lịch Quốc gia đồng thời xây dựng khu du lịch quốc gia Mộc Châu trở thành một trong những khu du lịch hàng đầu của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ; Xây dựng vùng lòng hồ thủy điện Sơn La định hướng trở thành khu du lịch quốc gia. Đưa Sơn La trở thành một điểm đến trong chiến lược “Điểm đến hấp dẫn” của du lịch Việt Nam. Trong thời gian tới với việc triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, tỉnh Sơn La phấn đấu đạt được mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Diệp Hương