Hiệu quả triển khai chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”
(sonla.gov.vn) Sau 5 năm triển khai thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” giai đoạn 2021 - 2025, các trường Mầm non trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực.
Hiệu quả triển khai chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”.
Căn cứ Kế hoạch 626/KH-BGDĐT ngày 30/6/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về triển khai Chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” giai đoạn 2021 - 2025; Sở GD&ĐT đã tham mưu ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện nhằm đảm bảo chất lượng thực hiện Chương trình giáo dục mầm non và Chuyên đề. Các văn bản đã cụ thể hóa nội dung thực hiện, hình thức, thời gian tổ chức và hướng dẫn, định hướng cách thức tổ chức thực hiện đạt mục tiêu chuyên đề trong các cơ sở giáo dục mầm non (GDMN) trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, quá trình thực hiện Chuyên đề, căn cứ văn bản hướng dẫn cấp trên, các đơn vị cấp huyện đã chủ động xây dựng và ban hành kế hoạch phù hợp, chi tiết đồng thời tích cực tổ chức các hoạt động tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ quản lý, giáo viên nhằm nâng cao nhận thức và năng lực thực hiện chuyên đề. Các hoạt động này đã góp phần tạo nền tảng vững chắc cho việc triển khai các nội dung trọng tâm của Chuyên đề.
Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các cơ sở giáo dục mầm non (GDMN) nhận thức đúng đắn về vai trò, vị trí của giáo dục lấy trẻ làm trung tâm (LTLTT), thể hiện trong việc lập kế hoạch các mục tiêu cụ thể phản ánh được kết quả mong đợi đáp ứng với sự phát triển của trẻ theo từng giai đoạn và theo Chương trình GDMN; thể hiện trong việc chú trọng các hoạt động chủ đạo của từng lứa tuổi, tạo các cơ hội cho trẻ hoạt động tích cực phù hợp với nhu cầu, hứng thú của trẻ và sự phát triển của từng cá nhân trẻ khi tham gia các hoạt động giáo dục. Nhiều giáo viên tích cực đổi mới hoạt động chăm sóc giáo dục và đánh giá sự phát triển của trẻ theo quan điểm giáo dục LTLTT; đánh giá sự tiến bộ của từng trẻ dựa trên mức độ đạt được so với mục tiêu, trên cơ sở đó sử dụng kết quả đánh giá để xây dựng kế hoạch giáo dục, điều chỉnh kế hoạch giáo dục và tổ chức các hoạt động giáo dục tiếp theo cho phù hợp với khả năng, nhu cầu, sở thích, kinh nghiệm sống của trẻ và điều kiện thực tế của trường, lớp, địa phương.
Trong 4 năm học (năm học 2021 - 2022 đến 2024 - 2025), 100% cán bộ quản lý, giáo viên được bồi dưỡng, hỗ trợ và nâng cao thực hiện Chuyên đề ở các cấp (cấp trường, cấp phòng, cấp sở). Sở GD&ĐT đã tổ chức 04 lớp tập huấn trực tiếp và trực tuyến cho gần 315 cán bộ quản lý và 2.436 giáo viên cốt cán các huyện, thành phố; toàn tỉnh có 237 lớp tập huấn cấp huyện và 1.903 lớp tập huấn cấp trường. Qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng, cán bộ quản lý và giáo viên mầm non được trang bị kiến thức cơ bản về quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm và những tiêu chí xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm làm cơ sở lý luận cho việc tổ chức thực hiện Chuyên đề. Kết quả: 581 lần hội thảo, tập huấn các cấp; 407 lớp cho 1.816 lượt cán bộ quản lý và gần 12.360 lượt giáo viên. Cùng với việc tổ chức các lớp tập huấn, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố tổ chức sinh hoạt cụm chuyên môn cấp tỉnh, từ 2 đến 3 lần/ năm, các cụm huyện tổ chức sinh hoạt cụm chuyên môn từ 3 đến 4 lần/năm và sinh hoạt chuyên môn cấp trường (322 buổi).
Kết quả trên địa bàn tỉnh có 100% số cơ sở GDMN thực hiện Chuyên đề, với 268 trường mầm non và cơ sở GDMN; có 26 cơ sở GDMN thực hiện điểm Chuyên đề; việc thực hiện Chuyên đề đã giúp cho cơ sở GDMN tiếp tục được cải thiện chất lượng giáo dục, mô hình điểm đã đóng góp lớn việc nâng cao chất lượng giáo dục và chăm sóc trẻ; việc áp dụng các tiêu chí đã thay đổi đáng kể công tác chăm sóc, giáo dục trẻ; Chuyên đề tạo sự thu hút, quan tâm và tham gia của cha mẹ học sinh đối với quá trình giáo dục và chăm sóc trẻ tại trường cũng như tại gia đình. Cha mẹ học sinh hiểu rõ hơn về tiến trình phát triển của trẻ, đánh giá được chất lượng giáo dục mà trẻ đang thụ hưởng; mô hình điểm thực hiện Chuyên đề còn là nơi tổ chức hội thảo, tập huấn chia sẻ kinh nghiệm hay, ý tưởng sáng tạo và rút kinh nghiệm trong chỉ đạo thực hiện trước khi nhân rộng, giáo viên có nhiều cơ hội trao đổi, giao lưu, học tập về tổ chức thực hiện Chuyên đề hiệu quả; vận động tuyên truyền, xã hội hóa giáo dục để huy động nguồn lực cơ sở vật chất cho quá trình thực hiện Chuyên đề được thường xuyên, liên tục và phát triển.
Các trường mầm non luôn quan tâm chăm sóc trẻ về mọi mặt.
Các trường mầm non thực hiện việc xây dựng môi trường nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ mầm non theo hướng thân thiện và an toàn; trẻ em được đảm bảo phát triển. Trong đó, môi trường tinh thần được quan tâm thông qua các hoạt động giao tiếp giữa trẻ với nhau và với giáo viên; hành vi của mỗi giáo viên được chú trọng để tạo ra mối quan hệ tích cực giữa cô và trẻ. Bên cạnh đó, môi trường vật chất được đánh giá cụ thể qua từng năm học, đảm bảo cho trẻ có không gian học tập tốt, linh hoạt và đa dạng, các khu vực hoạt động được quy hoạch tạo điều kiện trẻ được tham gia vào nhiều hoạt động khác nhau (khám phá và trải nghiệm; chất lượng bữa ăn và an toàn thực phẩm; các điều kiện về nước sạch, vệ sinh và chăm sóc sức khỏe). Các trường mầm non đã được nâng cấp và xây dựng mới với phòng học hiện đại, sân chơi an toàn và các phòng chức năng đa dạng. Môi trường học tập được thiết kế thân thiện, sáng tạo, đảm bảo an toàn và vệ sinh, được trang bị đầy đủ đồ dùng, thiết bị giáo dục hiện đại và phù hợp với lứa tuổi mầm non, bao gồm bàn ghế, đồ chơi, thiết bị hỗ trợ giảng dạy và học tập. Nhiều trường đã chú trọng tạo ra không gian xanh, có vườn cây, khu vực cát chơi để trẻ có cơ hội tiếp xúc với thiên nhiên, phát triển thể chất và tinh thần. Trên cơ sở thực hiện đồng bộ các nội dung và yêu cầu của mô hình "Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm"; cơ sở GDMN đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mầm non tại địa phương
Việc cho trẻ làm quen với tiếng Anh trong trường mầm non được thực hiện có hiệu quả tại các cơ sở GDMN có điều kiện, toàn tỉnh có 75 trường mầm non đạt 32,6% (tăng 5,62% so với năm học trước); có 9.704 (đạt 15,8%) trẻ em mẫu giáo trong độ tuổi được làm quen với tiếng Anh (tăng 3,46% so với năm học trước). Tính đến tháng 5/2025, có 84.610 trẻ được thụ hưởng các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục; 84.100 trẻ thường xuyên tham gia các hoạt động trải nghiệm; 2.340 lớp thường xuyên tổ chức các hoạt động gắn với bản sắc văn hóa vùng miền; 1.384 lớp thực hiện lồng ghép giáo dục STEAM (tăng 23,3%).
Như Thủy