Chủ động ứng phó với các hình thái thời tiết cực đoan trên địa bàn tỉnh Sơn La
(sonla.gov.vn) Do ảnh hưởng của mưa diện rộng từ chiều ngày 15/5 đến rạng sáng ngày 19/5, một số địa phương trên địa bàn tỉnh Sơn La xảy ra mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to tiềm ẩn nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.
Bản đồ nguy cơ lũ quét, sạt lở trên các khu vực ở tỉnh Sơn La.
Từ đầu tháng 5 đến nay, mặc dù chưa bước vào giai đoạn cao điểm của mùa mưa lũ ở Bắc Bộ, nhưng đã xuất hiện nhiều hình thái thời tiết nguy hiểm như mưa dông, lốc, sét, mưa đá, trong đó một số nơi đã ghi nhận các đợt mưa dông, mưa lớn cục bộ với lượng mưa phổ biến từ 100-200mm, có nơi trên 300mm. Trong nửa đầu tháng 5/2025, tỉnh Sơn La xảy ra hiện tượng nắng nóng, nhiệt độ cao nhất khoảng 36oC. Từ ngày 09/5, do ảnh hưởng của áp cao lục địa tăng cường trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện mưa rào và dông, cục bộ có mưa to, kèm theo hiện tượng lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh gây thiệt hại đối với hoa màu, cây ăn quả ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của người dân.
Tại Sơn La trong 24 giờ qua (từ 08 giờ ngày 18/5 đến 08 giờ ngày 19/5), địa bàn các huyện: Mai Sơn, Mường La, Phù Yên, Thuận Châu, Bắc Yên, Vân Hồ, đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to như: Chiềng Lương 32,6 mm, Cò Nòi 30,4 mm (Mai Sơn); Hua Trai 50,2 mm, Mường Bú 46,2 mm (Mường La); Huy Tân 70,2 mm, Suối Bau 40 mm (Phù Yên); Mường Khiêng 43,2 mm (Thuận Châu); Tà Xùa 37 mm (Bắc Yên); Vân Hồ 75,8 mm, Km22: 34 mm (Vân Hồ).
Dự báo trong 6 giờ tới khu vực khu vực tỉnh Sơn La tiếp tục có mưa với lượng mưa tích lũy từ 15-25mm, có nơi trên 50mm. Cảnh báo trong 6 giờ tới, nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại các địa phương trên, đặc biệt là các huyện: Bắc Yên, Phù Yên, Mường La, Vân Hồ, Thuận Châu, thành phố Sơn La, Mai Sơn, Yên Châu và thị xã Mộc Châu.
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy: Cấp 1. Cảnh báo tác động của lũ quét, sạt lở đất do mưa lũ hoặc dòng chảy: Lũ quét, sạt lở đất có thể gây tác động xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng của người dân; gây tắc nghẽn giao thông, làm ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện; phá hủy các công trình dân sinh, kinh tế gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất, hoạt động kinh tế - xã hội, ngập úng tại ở vùng trũng và đô thị.
Do đó, các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, chủ động các biện pháp ứng phó với thiên tai. Có phương án sẵn sàng di chuyển Nhân dân trong vùng sạt lở đất; khơi thông các khu vực có nguy cơ ngập úng trong đô thị, đảm bảo giao thông thông suốt. Rà soát các khu vực có nguy cơ ảnh hưởng, sẵn sàng phương án ứng phó. Tuyên truyền, hướng dẫn người dân gia cố nhà cửa. Chủ động phương án "4 tại chỗ", đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa. Khi xảy ra thiên tai, nhanh chóng thống kê thiệt hại, hỗ trợ khắc phục.
Nguyễn Hạnh