Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp
(sonla.gov.vn) Trong thời gian qua, công tác quản lý giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Sơn La luôn nhận được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh; chất lượng đào tạo đảm bảo, công tác tư vấn giới thiệu việc làm được quan tâm thực hiện; lao động sau khi được đào tạo nghề đã tự tin hơn trong việc tự tạo việc làm tại gia đình, phát triển kinh tế hộ gia đình, góp phần cùng địa phương từng bước thực hiện chính sách giảm hộ nghèo bền vững.
anh tin bai
Công tác tuyên truyền được chú trọng.

Nhằm khuyến khích nâng cao chất lượng dạy và học trong hoạt động giáo dục tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Sơn La nói chung, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nói riêng, UBND tỉnh Sơn La đã trình HĐND tỉnh Sơn La ban hành Nghị quyết số 124/2019/NQ-HĐND ngày 06/12/2019 về Chính sách khuyến khích nâng cao chất lượng dạy và học trong hoạt động giáo dục và đào tạo tỉnh Sơn La. Chỉ đạo các sở, ban ngành của tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã xây dựng các chương trình truyền thanh, truyền hình, chuyên mục tin, bài tuyên truyền, băng rôn, khẩu hiệu về việc tư vấn, giới thiệu học nghề và việc làm. Tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách mới hướng dẫn thực hiện về công tác đào tạo nghề theo Luật Giáo dục nghề nghiệp. Tổ chức hội nghị về công tác đào tạo nghề gắn với nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, gắn kết đào tạo với sử dụng lao động nhằm tạo cho người lao động sau khi học nghề có được việc làm đúng với ngành đã học, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người lao động về vị trí, vai trò của công tác đào tạo nghề đối với quá trình giải quyết việc làm được nhận thức đúng, từng bước làm thay đổi được nhận thức của người lao động về công tác đào tạo nghề, làm cho người lao động xác định được đào tạo nghề vừa là nghĩa vụ vừa là quyền lợi của mình từ đó chủ động và tích cực tham gia học nghề để giải quyết việc làm. Huy động được sự tham gia, sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành và các đoàn thể từ tỉnh tới cơ sở, đặc biệt là sự tham gia của các đoàn thể quần chúng như: Đoàn thanh niên, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ...  Các hoạt động tuyên truyền và tư vấn nghề nghiệp, việc làm được triển khai tới học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông, học viên, sinh viên các trường Trung cấp, Cao đẳng, Đại học trên địa bàn tỉnh và người lao động nhằm thực hiện tốt công tác phân luồng, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên, học viên có đủ kiến thức lựa chọn hình thức học phù hợp với khả năng, phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động.

Hàng năm, căn cứ vào cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên của các Trung tâm Giáo dục thường xuyên, UBND tỉnh giao chỉ tiêu tuyển sinh vào học lớp 10 các Trung tâm Giáo dục thường xuyên (GDTX) đạt tối đa từ 12 đến 15% học sinh tốt nghiệp THCS. Giao Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các Trung tâm Giáo dục thường xuyên tăng cường liên kết các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong và ngoài tỉnh có uy tín, mối quan hệ với các doanh nghiệp để học viên vừa học Chương trình GDTX cấp THPT, vừa được đào tạo nghề trình độ Trung cấp để sau khi tốt nghiệp học viên được tham gia vào thị trường lao động ngay; chỉ đạo Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh phối hợp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố để dạy văn hóa Chương trình GDTX cấp THPT cho học sinh đang học nghề tại các trường này.

Nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo, giảm đầu mối, khắc phục tình trạng manh mún, dàn trải và trùng lặp về ngành, nghề đào tạo, tinh giản biên chế, cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức, giáo viên, tạo điều kiện phục vụ người học được tốt hơn. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025; để góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng tỉnh Sơn La phát triển nhanh và bền vững; trở thành trung tâm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của vùng Tây Bắc. Đồng thời, một trong 03 khâu đột phá trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 được xác định tại Nghị quyết là: “Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo các cấp, nhất là bậc trung học phổ thông và giáo dục nghề nghiệp”, trong đó phấn đấu đến năm 2025 đạt chỉ tiêu: “Tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội đến năm 2025 giảm xuống còn 58,9%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65%, trong đó, tỷ lệ lao động được cấp bằng, chứng chỉ đạt 30%”. Sau khi kiện toàn sắp xếp, các hoạt động của các trường Cao đẳng, Trung cấp trên địa bàn đã phát huy hiệu quả, không còn sự trùng lặp các mã nghề đào tạo giữa các trường, tập trung nguồn lực để nâng cao chất lượng đào tạo, gắn kết với doanh nghiệp để tìm kiếm và giới thiệu việc làm một cách hợp lý cho người học và bố trí việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp. Công tác giáo dục nghề nghiệp tiếp tục được đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các nhà trường.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Sơn La có 12 Trung tâm Giáo dục thường xuyên đặt tại 12 huyện, thị xã, thành phố; có 204 trung tâm học tập cộng đồng; có 01 Trung tâm tin học công lập trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ; 01 trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập công lập trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo, 01 trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập ngoài công lập và 29 trung tâm ngoại ngữ/giáo dục kỹ năng sống.

Ngành nghề đào tạo ngày càng đa dạng và phong phú đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh. Loại hình đào tạo, gắn đào tạo nghề với sử dụng và giải quyết việc làm, đáp ứng một phần yêu cầu về nguồn lao động cho các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tạo sự gắn kết giữa chương trình giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, xuất khẩu lao động và các mục tiêu xã hội khác. Nhận thức của người dân nói chung và người lao động nói riêng từng bước có chuyển biến tích cực, người lao động nông thôn đã có nhận thức đúng đắn về sự cần thiết của việc học nghề, từ chỗ học theo phong trào, học để được hỗ trợ tiền ăn, học cho biết chuyển sang học nghề để mưu sinh, phát triển sản xuất, để tạo việc làm.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học của các cơ sở dạy nghề ngày càng được quan tâm, đầu tư; chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề được nâng lên, đa số các học viên sau khi đào tạo biết áp dụng kiến thức, kỹ năng áp dụng vào thực tiễn, góp phần tăng năng suất lao động, tăng thu nhập, nâng cao đời sống. Việc triển khai thực hiện đào tạo nghề trọng điểm đã đạt được những kết quả tích cực, cơ bản bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra gắn với chương trình phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Qua đó, nắm bắt được nhu cầu làm cơ sở xây dựng các hình thức đào tạo phù hợp với từng đối tượng lao động.

Như Thủy

 

Video tuyên truyền
THÔNG TIN TRA CỨU

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1