(sonla.gov.vn) Trong thời gian qua, Tổ Chuyển đổi số cộng đồng (CĐSCĐ) trên địa bàn huyện Thuận Châu đã và đang phát huy tốt vai trò trong công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cho người dân nắm kỹ năng sử dụng các nền tảng số, ứng dụng số cơ bản và giúp người dân tương tác với chính quyền, góp phần quan trọng thúc đẩy chuyển đổi số từ cấp cơ sở.
Toàn huyện Thuận Châu hiện có 265 Tổ công nghệ số cộng đồng.
Hiện nay, trên địa bàn huyện đã thành lập 265 Tổ công nghệ số cộng đồng, với 2.228 thành viên, trong đó 29/29 xã, thị trấn đã thành lập Tổ CĐSCĐ, với 230 thành viên. 336/336 thôn, bản, tiểu khu thành lập Tổ CĐSCĐ cấp tổ với tổng số 1.998 thành viên.
Tổ CĐSCĐ là cầu nối của chính quyền địa phương để thông tin, tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chuyển đổi số đến các hộ gia đình, người dân trong thôn, bản, tiểu khu. Trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng các ứng dụng công nghệ thông minh, thương mại điện tử, dịch vụ hành chính công; tham gia thực hiện chuyển đổi số trong từng lĩnh vực của đời sống xã hội, từ đó cùng chính quyền xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số tại các thôn, bản, tiểu khu. Tham gia triển khai thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số của UBND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Kịp thời đề xuất khen thưởng, động viên đối với người dân, doanh nghiệp, thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng có thành tích, kết quả nổi bật tham gia chuyển đổi số.
Tổ CĐSCĐ đã triển khai, đẩy mạnh các hoạt động với tinh thần “đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người” để thực hiện nội dung cơ bản, thiết thực với người dân như: Thiết lập mỗi người dân một tài khoản dịch vụ công trực tuyến và một kho dữ liệu cá nhân trực tuyến để sử dụng dịch vụ công, với mục đích là chỉ phải cung cấp thông tin một lần cho cơ quan nhà nước trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính và để tự tra cứu hồ sơ của cá nhân khi cần thiết. Tự bảo vệ mình trên không gian mạng, tránh trường hợp bị lừa đảo trực tuyến, bị đánh cắp dữ liệu cá nhân. Nhận diện các trang mua sắm trực tuyến tin cậy khi tiến hành mua hàng hóa trên internet và mạng xã hội. Phương pháp, quy trình thực hiện thanh toán trực tuyến an toàn, tiện lợi, tránh bị lừa đảo mất tiền, gắn với việc bảo vệ dữ liệu cá nhân. Sử dụng nền tảng số của địa phương (phản ánh, kiến nghị…).
Sau khi các Tổ CĐSCĐ được thành lập đã phối hợp cùng với các tổ triển khai thực hiện Đề án 06/CP xuống cơ sở hướng dẫn và tuyên truyền cài đặt, sử dụng các dịch vụ số phục vụ cho nhu cầu thiết yếu như: Sử dụng dịch vụ công trực tuyến; thanh toán không dùng tiền mặt; mua bán trên sàn thương mại điện tử Voso, Postmart; sử dụng các nền tảng số Việt Nam; kỹ năng sử dụng phần mềm đảm bảo an toàn thông tin mạng cơ bản. Nhằm thuận tiện trong việc trao đổi, thông tin, tuyên truyền nhiều nhóm Zalo đã được thành lập, thống nhất xuyên suốt từ xã đến thôn, bản, tiểu khu. Toàn huyện hiện đã thành lập 29 nhóm Zalo của Tổ CĐSCĐ cấp xã, 336 nhóm Zalo của Tổ CĐSCĐ cấp tổ để trao đổi, tuyên truyền, hướng dẫn người dân tại địa phương. Công tác tuyên truyền, hướng dẫn được thực hiện linh hoạt thông qua các nhóm Zalo hoặc thông qua các buổi họp của Nhân dân tại khu dân cư. Qua công tác tuyên truyền, phổ biến về chuyển đổi số, người dân bước đầu đã làm quen với khái niệm chuyển đổi số, từng bước cài đặt và sử dụng các ứng dụng thông minh phục vụ công việc và cuộc sống.
Trong thời gian tới, huyện Thuận Châu tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chuyển đổi số. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ CĐSCĐ. Hướng dẫn người dân sử dụng các dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử; sử dụng các dịch vụ số và tương tác với chính quyền qua các nền tảng số được đánh giá và lựa chọn. Hướng dẫn hộ kinh doanh, người dân trên địa bàn đăng ký tham gia các sàn thương mại điện tử như: “voso.vn”, “postmart.vn”; mở tài khoản thanh toán điện tử; hướng dẫn người dân sử dụng nền tảng số, công nghệ số để đăng ảnh, quảng bá sản phẩm, tạo gian hàng, nhận đơn, đóng gói sản phẩm, cam kết cung cấp sản phẩm đúng chất lượng; hướng dẫn ứng dụng công nghệ số trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương. Hướng dẫn người dân tiếp cận, cài đặt, sử dụng các dịch vụ số phục vụ cho các nhu cầu thiết yếu như: Y tế, giáo dục, chính sách xã hội, phòng chống dịch, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt… thông qua các nền tảng số.
Lê Hồng