Phát huy vai trò người đứng đầu và xử lý nghiêm minh vi phạm tham nhũng, tiêu cực
(sonla.gov.vn) Với mục tiêu đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN, TC), xây dựng chính quyền liêm chính, minh bạch và hiệu quả, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian qua tỉnh Sơn La đã tập trung triển khai nhiều giải pháp trong đó tập trung phát huy vai trò người đứng đầu và xử lý nghiêm minh vi phạm tham nhũng, tiêu cực.
Các đại biểu tỉnh Sơn La tham dự Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng do Thanh tra Chính phủ tổ chức.
Năm 2024, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, Hội đồng nhân dân tỉnh, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh Sơn La tiếp tục có chuyển biến tích cực và đã đạt được những kết quả quan trọng. Đã triển khai kịp thời, đầy đủ các Văn bản chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục thực hiện các biện pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên mọi lĩnh vực; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, hoàn thiện thể chế; chỉ đạo thực hiện chế độ công khai, minh bạch về tài chính, ngân sách trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, tập trung thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực có nhiều dư luận xã hội quan tâm nhằm ngăn chặn và phát hiện kịp thời các vi phạm, sai phạm. Các hành vi tham nhũng đã được phát hiện và xử lý nghiêm minh phục vụ kịp thời sự chỉ đạo của cấp ủy, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tiêu cực tỉnh,... góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn toàn tỉnh.
Bám sát các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác PCTN, như Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 7/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; Luật PCTN năm 2018... Công tác chỉ đạo, triển khai việc thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng và các nhiệm vụ, chương trình công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, TC tiếp tục được của các đơn vị, địa phương duy trì, đẩy mạnh, khẳng định mạnh mẽ quyết tâm chống tham nhũng của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp. Các đơn vị, địa phương đã lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành văn bản triển khai thực hiện các văn bản của cấp trên trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tiếp tục rà soát, cụ thể hóa các văn bản quy phạm pháp luật còn thiếu, chưa chặt chẽ, dễ bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực và đề xuất khắc phục những bất cập trong cơ chế chính sách, pháp luật trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao,…
Trong năm 2024, tỉnh tiếp tục tập trung triển khai thực hiện nghiêm Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, Nghị định số 130/NĐ-CP của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị, các chủ trương của tỉnh về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và PCTN, TC... Đồng thời, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm các giải pháp phòng ngừa TN, TC thông qua hoạt động kiểm tra, thanh tra, giám sát. Thông qua đó góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, tạo chuyển biến trong thái độ, ý thức chấp hành pháp luật về PCTN, TC của cán bộ, đảng viên và Nhân dân.
Thủ trưởng các địa phương, đơn vị thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý thực hiện nghiêm túc quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp. Tiếp tục tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm túc các quy định chế độ, trách nhiệm người đứng đầu theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng và Quyết định 349-QĐ/TU ngày 17/3/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về trách nhiệm và xem xét trách nhiệm đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, tổ chức, đơn vị trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Để đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, năm 2025, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành kế hoạch phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong đó đặt vai trò tiên phong, nêu gương của người đứng đầu. UBND tỉnh yêu cầu các lãnh đạo cơ quan, đơn vị phải gương mẫu, quyết liệt trong công tác quản lý, điều hành, đồng thời, chịu trách nhiệm khi để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong phạm vi quản lý. Song song với đó, công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường trên các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng như quản lý ngân sách, tài sản công, quản lý đất đai, khai thác tài nguyên khoáng sản, đầu tư xây dựng, tuyển dụng, bổ nhiệm, chuyển đổi vị trí công tác. Các hành vi tham nhũng, tiêu cực sẽ bị xử lý nghiêm minh, kịp thời, đúng quy định.
Các đơn vị thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về ngăn chặn, xử lý hiệu quả nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.
Bên cạnh đó, khuyến khích sự tham gia tích cực của người dân, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và doanh nghiệp trong việc giám sát, phát hiện và tố cáo tham nhũng. Ngoài ra, tỉnh chú trọng đến công tác PCTN, TC trong khu vực ngoài nhà nước, yêu cầu các doanh nghiệp xây dựng cơ chế kiểm soát nội bộ, thực hiện các quy tắc đạo đức kinh doanh và chủ động tự kiểm tra, phát hiện các vi phạm.
Lê Hồng