Kết quả từ chủ trương phát triển cây ăn quả trên đất dốc tại huyện Mường La
(sonla.gov.vn) Thực hiện chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc, 10 năm qua nông nghiệp của huyện Mường La đã có những bước phát triển rõ rệt, người nông dân đã chuyển đổi từ canh tác truyền thống sang ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.
Nhân dân xã Mường Bú chăm bao trái xoài.
Trước năm 2016, nông nghiệp huyện Mường La gặp nhiều khó khăn, do canh tác cây trồng ngắn ngày trên đất dốc, đất dễ bị xói mòn, bạc màu; cùng với tập quán canh tác phụ thuộc vào thiên nhiên, dẫn đến năng suất, chất lượng sản phẩm nông sản thấp. Thực hiện Chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc, huyện Mường La đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của Nhân dân và cụ thể hóa bằng các kế hoạch phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng từng vùng, như: phát triển trồng cây xoài, nhãn, chuối tại các xã Mường Bú, Tạ Bú, Pi Toong, Mường Chùm; cây sơn tra tại các xã vùng cao Ngọc Chiến, Chiềng Ân, Chiềng Công... Nhờ đó, chủ trương được Nhân dân hưởng ứng mạnh mẽ, mở ra một cuộc “cách mạng xanh” tại địa phương.
Từ năm 2016 đến nay, huyện đầu tư hơn 28,8 tỷ đồng trồng mới trên 700 ha cây ăn quả; hỗ trợ 7,2 tỷ đồng để cải tạo vườn, mua bao bì, tem truy xuất nguồn gốc và phát triển sản phẩm OCOP. Toàn huyện hiện có 7.200 ha cây ăn quả các loại, tăng 4.850 ha so với năm 2015. Sản lượng đạt khoảng 33.000 tấn, tăng hơn 24.400 tấn so với năm 2015. Bên cạnh đó, nông dân đã chủ động ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Toàn huyện có 3 ha nhà lưới, nhà kính; 25 ha cây trồng áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, tiết kiệm nước, thích ứng biến đổi khí hậu. Hình thành 12 chuỗi sản xuất, chế biến quả an toàn; 327 ha cây ăn quả đạt tiêu chuẩn VietGAP; 25 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu và 5 sản phẩm OCOP từ cây ăn quả.
Các sản phẩm nông sản của huyện Mường La được trưng bày giới thiệu, quảng bá.
Giai đoạn 2021-2025, giá trị xuất khẩu nông sản của huyện đạt trên 130 tỷ đồng. Hiện có 14 hợp tác xã, doanh nghiệp liên kết sản xuất - chế biến nông sản, tạo việc làm ổn định cho gần 200 lao động địa phương. Nhiều mô hình trồng cây ăn quả đã giúp người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững. Một số hộ đạt doanh thu từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Việc phủ xanh đất dốc còn mang lại hiệu quả rõ rệt về môi trường, chống xói mòn, bảo vệ đất và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Xã Mường Bú nổi tiếng là vùng cây ăn quả lớn nhất của huyện, với trên 1.600 các loại cây trồng như: Xoài, nhãn, mít, táo, bưởi, mận, cam, vải thiều, chuối… mỗi năm sản lượng thu hoạch trên 11.500 tấn quả. Nông dân Mường Bú đã chủ động liên kết sản xuất, thành lập 9 hợp tác xã trồng cây ăn quả. Sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, trên địa bàn xã có gần 300 ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, trên 100 ha xoài, nhãn được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu. Các hợp tác xã này đóng vai trò quan trọng trong việc tạo việc làm ổn định cho hơn 100 lao động địa phương và đảm bảo thu mua sản phẩm tươi cho các hộ nông dân trên địa bàn.
Đến xã Pi Toong, có thể thấy rõ sự đổi thay trên khắp các sườn đồi. Từ năm 2021 đến nay, nhân dân trong xã đã cải tạo 350 ha những vườn nhãn, xoài, vải năng suất thấp sang các giống cây trồng mới, như xoài GL4, vải thiều, nhãn, táo... chủ động liên kết với các hợp tác xã xây dựng kênh tiêu thụ sản phẩm quả tươi.
Chủ trương về phát triển cây ăn quả trên đất dốc, đã biến thách thức, khó khăn về điều kiện canh tác thành lợi thế, tạo đột phá sản xuất nông nghiệp. Đưa nông nghiệp của huyện Mường La chuyển mình mạnh mẽ, góp phần nâng cao đời sống cho bà con vùng cao, vùng sâu, vùng xa, xóa đói, giảm nghèo và thúc đẩy phát triển nông nghiệp xanh, bền vững.
Lê Hồng