Xây dựng phương án, nhiệm vụ kế hoạch tài chính - ngân sách 5 năm giai đoạn 2025 - 2030
(Sở Tài chính) Phương án, nhiệm vụ kế hoạch tài chính - ngân sách 5 năm giai đoạn 2025 - 2030 phải đảm bảo mục tiêu tổng quát: Huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính của Nhà nước và xã hội phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, Đại hội Đảng bộ bộ tỉnh Sơn La lần thứ XVI; tiếp tục cơ cấu lại NSNN, nợ công đảm bảo an toàn, bền vững góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh đổi mới khu vực doanh nghiệp nhà nước, khu vực sự nghiệp công; siết chặt kỷ luật, kỷ cương; tăng cường cải cách hành chính, hiện đại hóa gắn liền với việc sắp xếp lại bộ máy tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Mục tiêu cụ thể
Phấn đấu tổng thu ngân sách nhà nước cả giai đoạn 2025-2030 dự báo khoảng 111.275 tỷ đồng; Trong đó, thu nội địa phấn đấu đạt 27.450 tỷ đồng, tăng khoảng 1,08 lần so với giai đoạn 2020-2025, tỷ trọng thu nội địa bình quân khoảng 25% tổng thu ngân sách nhà nước.
Đẩy mạnh cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước theo hướng tích cực; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, tăng nguồn vốn chi đầu tư phát triển. Tổng chi ngân sách nhà nước cả giai đoạn 2025-2030 khoảng 109.661 tỷ đồng đảm bảo cân đối ngân sách nhà nước tích cực, an toàn, bền vững.
Định hướng kế hoạch
Về thu ngân sách nhà nước: Tăng cường công tác quản lý thu ngân sách, nhất là thu nội địa theo hướng tích cực, thực hiện chính sách bồi dưỡng nguồn thu ổn định, bền vững; tăng cường khai thác nguồn thu mới, để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, trong đó ưu tiên tăng đầu tư xã hội và tạo đà cho bước phát triển các năm tiếp theo; phấn đấu tăng thu ngân sách hàng năm 5% (không bao gồm các khoản thu ổn định) so với ước thực hiện năm trước,
Về chi ngân sách: Giữ cơ cấu hợp lý giữa tích lũy và tiêu dùng, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển, giảm tỷ trọng chi thường xuyên, bảo đảm chi cho con người, an sinh xã hội và chi cho quốc phòng, an ninh. Phấn đấu tăng tối thiểu 1%/năm so với dự toán Bộ Tài chính giao cho giáo dục, đào tạo. Thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng. Bố trí đủ kinh phí thực hiện chính sách cải cách tiền lương, lương hưu và trợ cấp ưu đãi đối với người có công theo nghị quyết của Quốc hội. Từng bước cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước theo hướng tích cực; thúc đẩy thực hành tiết kiệm chống lãng phí, cải cách hành chính nâng cao chất lượng dịch vụ công.
Nhiệm vụ và giải pháp thực hiện
Huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường hiệu lực, hiệu quả thể chế tài chính. Khuyến khích sự tham gia của các thành phần kinh tế trong thực hiện các dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế kỹ thuật; tập trung nguồn vốn đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhất là các dự án áp dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh học và dự án đầu tư vào các vùng đặc biệt khó khăn. Đẩy mạnh việc thực hiện “xã hội hóa” đầu tư một số lĩnh vực như y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao... chuyển dịch từ nhà nước trực tiếp đầu tư sang các doanh nghiệp đầu tư theo quy hoạch.
Thực hiện chính sách thu hút đầu tư trong nước và vốn đầu tư nước ngoài, ưu tiên các dự án tạo giá trị gia tăng cao, có mô hình quản trị tốt, kết nối chuỗi cung ứng, có tác động lan tỏa, kết nối chặt chẽ hữu cơ với khu vực kinh tế trong khu vực và trong nước, đi đôi với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Tiếp tục đổi mới chính sách động viên nguồn lực công, đảm bảo nguồn thu ngân sách thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống thu, cơ cấu lại thu ngân sách, đảm bảo nguồn thu ngân sách bền vững, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội, an ninh, quốc phòng, tiến bộ công bằng xã hội. Mở rộng cơ sở áp thuế, áp dụng mức thuế suất hợp lý đảm bảo công bằng, bình đẳng về thuế giữa các đối tượng nộp thuế; tạo môi trường sản xuất kinh doanh cạnh tranh và thúc đẩy đầu tư, đảm bảo lợi ích của tỉnh, tạo điều kiện cho người nộp thuế tích tụ, khuyến khích sản xuất kinh doanh phát triển. Cân đối hợp lý nguồn thu từ thuế, phí cho chi thường xuyên, góp phần tích lũy nguồn lực cho chi đầu tư phát triển, đảm bảo nhu cầu chi tiêu cần thiết và hợp lý theo chức năng, nhiệm vụ của nhà nước.
Tăng cường hiệu quả phân bổ, quản lý, sử dụng nguồn lực tài chính - NSNN đối với quá trình phát triển, tái cơ cấu nền kinh tế. Đẩy mạnh việc quản lý tài chính - NSNN trung hạn, quán triệt nguyên tắc chi trong phạm vi nguồn lực, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất giữa kế hoạch đầu tư công trung hạn với kế hoạch tài chính trung hạn, thực hiện thống nhất kế hoạch tài chính trung hạn 03 năm (cuốn chiếu) theo quy định của Luật NSNN. Từng bước cơ cấu lại chi ngân sách, tập trung các nhiệm vụ của nhà nước, các cấp, các ngành, hỗ trợ tích cực cho mục tiêu phục hồi tăng trưởng, đảm bảo nguồn lực đầu tư cho con người, quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội trong tình hình mới, đảm bảo tỷ lệ hợp lý giữa chi đầu tư, chi thường xuyên.
Quản lý chặt chẽ, hiệu quả bội chi, nợ chính quyền địa phương, phù hợp với các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, khả năng vay và trả nợ của địa phương. Đảm bảo an toàn và bền vững nền kinh tế, gắn chặt quản lý NSNN và nợ chính quyền địa phương với quản lý ngân quỹ nhà nước, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý các nguồn lực tài chính Nhà nước, thực hiện quản lý ngân quỹ nhà nước an toàn, hiệu quả, chủ động.
Thực hiện cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tăng cường thanh tra, kiểm tra phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực Tài chính. Tăng cường đầu tư hiện đại hóa công tác quản lý tài chính thông qua đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tài chính. Thúc đẩy và tăng cường tính minh bạch các thông tin tài chính ngân sách theo quy định. Giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính về thuế, đảm bảo công khai, minh bạch, thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; đề cao trách nhiệm giải trình của các cơ quan, cán bộ nhà nước. Kiểm soát nghiêm ngặt việc ban hành mới các thủ tục hành chính, thực hiện đầy đủ các quy định về công bố, công khai, minh bạch thủ tục hành chính và giải quyết phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức. Tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện kiểm soát thủ tục hành chính tại các cơ quan, đơn vị trực thuộc theo quy định của pháp luật.
Lê Tuân