Nâng cao hiệu quả công tác quyết toán dự án hoàn thành tại địa phương
(Sở Tài chính) Quyết toán dự án hoàn thành (QTDAHT) là bước cuối cùng trong quản lý đầu tư công, đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sử dụng vốn nhà nước hiệu quả, minh bạch. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh, công tác này vẫn còn gặp nhiều tồn đọng và khó khăn, đặc biệt có các dự án thuộc thẩm quyền quyết toán của cấp huyện đã hoàn thành từ năm 2019 nhưng đến nay chưa được quyết toán.

Đến ngày 15/11/2024, vẫn còn nhiều dự án đã bàn giao đưa vào sử dụng nhưng chưa lập hồ sơ quyết toán. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ sự thiếu quan tâm chỉ đạo của thủ trưởng các đơn vị, hạn chế trong năng lực quản lý của chủ đầu tư và việc không tuân thủ đầy đủ quy định về thời gian, mẫu biểu và hồ sơ quyết toán.

Nhiều hồ sơ quyết toán còn thiếu các tài liệu theo quy định: như tờ trình phê duyệt quyết toán chưa nêu kết luận thanh tra, kiểm toán, hoặc bị thất lạc hồ sơ pháp lý, gây chậm trễ. Một số dự án có chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) chưa quyết toán tại cấp huyện, kéo dài thời gian tổng hợp và thẩm tra.

Để khắc phục tình trạng này, các cơ quan chức năng đã đề ra các giải pháp cụ thể:

Tăng cường chỉ đạo và xử lý trách nhiệm: Yêu cầu các chủ đầu tư, Ban QLDA chấp hành nghiêm túc quy định về thời gian lập, nộp hồ sơ quyết toán. Các đơn vị vi phạm sẽ bị xử lý về trách nhiệm và hành chính theo quy định tại văn bản pháp lý hiện hành, công khai danh sách vi phạm và đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm.

Đẩy nhanh tiến độ lập và thẩm tra hồ sơ: Các chủ đầu tư cần khẩn trương rà soát, bổ sung và hoàn thiện hồ sơ, đặc biệt với các dự án đã hoàn thành từ năm 2019 nhưng chưa quyết toán xong. Ưu tiên giải quyết dứt điểm các vướng mắc liên quan đến hồ sơ pháp lý và hợp đồng xây dựng.

Nâng cao trách nhiệm các bên liên quan: UBND các huyện, thành phố cần chủ động đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn để xử lý tình trạng tồn đọng. Các chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với cơ quan thẩm tra, cung cấp đầy đủ thông tin và giải trình kịp thời.

Quản lý chặt chẽ nguồn vốn ngoài đầu tư công: Các dự án sử dụng nguồn vốn như chi thường xuyên, tăng thu, tiết kiệm chi cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định tại “Nghị định số 138/2024/NĐ-CP ngày 24/10/2024 về việc lập dự toán, quản lý, sử dụng chi thường xuyên ngân sách nhà nước để mua sắm tài sản, trang thiết bị; cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng”. Thành phần hồ sơ quyết toán được thực hiện theo quy định tại Điều 34, Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11/11/2021 của Chính phủ và Thông tư số 96/2021/TT-BTC ngày 11/11/2021 của Bộ Tài chính.

Trong thời gian tới, để giải quyết triệt để tồn đọng và nâng cao hiệu quả quản lý vốn đầu tư công, các bên liên quan cần tăng cường phối hợp, thực hiện đồng bộ các giải pháp đã đề ra. Kiểm điểm trách nhiệm tập thể và cá nhân vi phạm là cần thiết để đảm bảo công tác quyết toán được thực hiện đúng quy định.

Lê Tuân

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Video tuyên truyền
THÔNG TIN TRA CỨU

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1