Phát triển và xây dựng sản phẩm OCOP
07/04/2025
(sonla.gov.vn) Mục tiêu của tỉnh Sơn La phấn đấu có trên 200 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, từng bước xây dựng sản phẩm OCOP Sơn La thành thương hiệu có khả năng cạnh tranh trên thị trường, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng nội tiêu và hướng tới mở rộng xuất khẩu ra thị trường thế giới.
Năm 2025 toàn tỉnh phấn đấu có thêm 30 sản phẩm OCOP.
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đang được tỉnh Sơn La tập trung triển khai thực hiện nhằm thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và tăng giá trị. Năm 2025 toàn tỉnh phấn đấu có thêm 30 sản phẩm OCOP, qua đó góp phần thúc đẩy Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 theo hướng hiệu quả, thiết thực và bền vững.
Tỉnh Sơn La hiện có hơn 200 sản phẩm nông nghiệp lợi thế, có giá trị kinh tế và thương mại cao, có thể phát triển thành các sản phẩm OCOP, bao gồm 5 nhóm chính: thực phẩm, đồ uống, thảo dược, lưu niệm và dịch vụ du lịch nông thôn. Khai thác tiềm năng này, tỉnh đã chú trọng phát triển các sản phẩm trong Chương trình OCOP, hướng tới các mục tiêu như: phát triển hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ có lợi thế tại các xã, phường, thị trấn; thực hiện hiệu quả tiêu chí “Kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới. Các địa phương cũng đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết, thay đổi tư duy sản xuất của người dân từ nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa quy mô lớn, có giá trị kinh tế cao.
Sau hơn 5 năm triển khai, đến nay toàn tỉnh 202 sản phẩm OCOP, trong đó có 1 sản phẩm 5 sao, 62 sản phẩm 4 sao và 139 sản phẩm 3 sao. Các HTX, doanh nghiệp chủ động thay đổi tư duy sản xuất, đổi mới khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm và đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm qua nền tảng số. Nhiều sản phẩm đã có mặt tại các chuỗi siêu thị và đại lý, cửa hàng bán lẻ trong và ngoài tỉnh. Năm 2025, tỉnh phấn đấu có thêm 30 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên.
Chương trình OCOP đã tạo ra phong trào khởi nghiệp mạnh mẽ, hình thành nhiều vùng sản xuất nông sản sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chuỗi liên kết giá trị sản phẩm, góp phần chuyển dịch cơ kinh tế khu vực nông thôn, tạo sản phẩm du lịch, nâng cao thu nhập, đời sống cho Nhân dân, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh. Chương trình đã mang đến “làn gió” mới cho sản xuất nông nghiệp. Các sản phẩm OCOP dần trở thành động lực để người dân thi đua phát triển sản xuất, liên kết tạo ra những sản phẩm theo chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập, phục vụ hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Nguyễn Hạnh