Hội thảo khoa học góp ý sửa đổi, bổ sung Đề án “Xác định chỉ số cải cách hành chính của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” giai đoạn 2022-2030
(Sở Nội vụ) Ngày 08/11/2024, tại tỉnh Hà Nam, Bộ Nội vụ tổ chức Hội thảo khoa học góp ý sửa đổi, bổ sung Đề án “Xác định chỉ số cải cách hành chính của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” giai đoạn 2022-2030.
Tham dự Hội thảo có đồng chí Trương Hải Long, Thứ trưởng Bộ Nội vụ; đồng chí Nguyễn Đức Vượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam; đồng chí Phạm Minh Hùng, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ; đại diện một số bộ, ngành Trung ương; đại diện các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Nội vụ; đại diện lãnh đạo Sở, công chức làm công tác cải cách hành chính của 63 Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Đồng chí Trương Hải Long, Thứ trưởng Bộ Nội vụ phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Trương Hải Long, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, ngày 10/11/2022, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ký ban hành Quyết định số 876/QĐ-BNV phê duyệt Đề án “Xác định Chỉ số cải cách hành chính của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” giai đoạn 2022 - 2030. Đây là công cụ quan trọng giúp Chính phủ theo dõi, đánh giá một cách định lượng, chính xác, khách quan tình hình triển khai các nhiệm vụ cải cách hành chính; đối với địa phương, thông qua kết quả chỉ số cải cách hành chính, lãnh đạo các địa phương có cơ sở để tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai các nhiệm vụ liên quan đến cải cách hành chính một cách thực chất, góp phần hoàn thành tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cần phải rà soát lại để loại bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung cả nội dung, thang điểm đánh giá của một số tiêu chí, tiêu chí thành phần cho phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu cải cách.
Đồng chí Phùng Doãn Hưng, Chuyên viên chính Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ trình bày dự thảo Đề án
Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe đồng chí Phùng Doãn Hưng, Chuyên viên chính Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ trình bày dự thảo “Đề án xác định chỉ số cải cách hành chính của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” giai đoạn 2024-2030. Mục tiêu cụ thể của Đề án nhằm đánh giá khách quan, toàn diện, công bằng kết quả cải cách hành chính hàng năm của các bộ, các tỉnh. Đánh giá định lượng, kết hợp với định tính; đánh giá kết quả cải cách hành chính với tác động của cải cách hành chính; kết hợp đánh giá bên trong của các cơ quan hành chính nhà nước và đánh giá bên ngoài của người dân, tổ chức đối với kết quả cải cách hành chính hàng năm của các bộ, các tỉnh. Đồng thời, so sánh, xếp hạng kết quả cải cách hành chính hàng năm của các bộ, các tỉnh. Thông qua đó, các cơ quan hành chính nhận rõ những kết quả được, những tồn tại hạn chế để có giải pháp cải thiện, nâng chất lượng, hiệu quả cải cách hành chính hàng năm.
Theo đó, đối tượng áp dụng là 19 Bộ, cơ quan ngang Bộ (trừ Bộ Công an, Bộ Quốc phòng,Văn phòng Chính phủ). Trong đó, 02 cơ quan đặc thù là Ủy ban Dân tộc và Thanh tra Chính phủ có thực hiện đánh giá nhưng không xếp hạng chung với 17 bộ, cơ quan ngang bộ còn lại. 63 Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Về Bộ tiêu chí xác định Chỉ số cải cách hành chính cấp bộ được cấu trúc thành 7 lĩnh vực đánh giá, 38 tiêu chí và 97 tiêu chí thành phần. Thang điểm đánh giá của Chỉ số cải cách hành chính là 100. Điểm đánh giá qua điều tra xã hội học là 30,5/100. Phương pháp đánh giá: Tự đánh giá của các bộ và Đánh giá thông qua điều tra xã hội học.
Về Bộ tiêu chí xác định Chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh được cấu trúc thành 8 lĩnh vực đánh giá, 38 tiêu chí, 88 tiêu chí thành phần. Thang điểm đánh giá là 100. Điểm đánh giá qua điều tra xã hội học là 32/100. Phương pháp đánh giá: Tự đánh giá của các tỉnh và Đánh giá thông qua điều tra xã hội học.
Quang cảnh Hội thảo
Bên cạnh đó, dự thảo Đề án cũng đưa ra các giải pháp cụ thể như: Nâng cao trách nhiệm và hiệu quả chỉ đạo điều hành của các ngành, các cấp đối với việc xác định Chỉ số cải cách hành chính; Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về Chỉ số cải cách hành chính; Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác theo dõi, đánh giá cải cách hành chính tại các cơ quan, đơn vị hành chính; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm kinh phí cho công tác xác định Chỉ số cải cách hành chính…
Trong phần thảo luận, Ban Tổ chức Hội thảo chia thành 8 Nhóm thảo luận các tiêu chí theo 8 lĩnh vực đánh giá trong Bộ tiêu chí xác định Chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh. Đại diện tỉnh Sơn La có đồng chí Nguyễn Thanh Tịnh, Phó Giám đốc Sở Nội vụ; các đồng chí là lãnh đạo và chuyên viên phòng Cải cách hành chính, Sở Nội vụ tham gia Nhóm 6 thảo luận các tiêu chí về cải cách tài chính công; thu hút đầu tư; phát triển doanh nghiệp; thu ngân sách nhà nước; thực hiện chỉ tiêu kinh tế - xã hội do HĐND giao. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng trao đổi, thảo luận, phản biện các góp ý của các Nhóm giúp Bộ Nội vụ nghiên cứu, tiếp thu để hoàn thiện dự thảo Đề án.
Đồng chí Phạm Minh Hùng, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ phát biểu kết luận
Phát biểu kết luận tại Hội thảo, đồng chí Phạm Minh Hùng, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ ghi nhận và đánh giá cao các đại biểu rất trách nhiệm tham gia đóng góp ý kiến. Để có thêm thông tin hoàn thiện Đề án, đồng chí Phạm Minh Hùng đề nghị 05 bộ có liên quan: Tài chính, Nội vụ, Tư pháp, Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Chính phủ cùng với Bộ Nội vụ nghiên cứu các ý kiến để tiếp thu, sửa đổi; tiếp tục có ý kiến đối với các nhóm tiêu chí thuộc Bộ mình và gửi đến Bộ Nội vụ chậm nhất đến ngày 14/11/2024. Đối với các địa phương, đồng Phạm Minh Hùng đề nghị nếu có thêm ý kiến bổ sung cần gửi Bộ Nội vụ chậm nhất đến ngày 14/11/2024.
Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục rà soát, tổng hợp các ý kiến một cách tổng thể để chỉnh sửa tối đa những nội dung bất cập trên tinh thần sửa đổi phù hợp và tốt hơn Bộ tiêu chí đã được quy định tại Quyết định số 876/QĐ-BNV. Bộ Nội vụ sẽ nghiêm túc tiếp thu để hoàn thiện Đề án, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Sau khi Đề án được ban hành, Bộ Nội vụ sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể để các bộ, ngành, địa phương nắm vững và thống nhất triển khai.
Phan Thanh Thủy