Mộc Châu phát triển Nông nghiệp toàn diện
Năm 2022 ngành nông nghiệp huyện Mộc Châu đã đẩy mạnh phục hồi sau dịch bệnh Covid 19 và tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực; tái cơ cấu được đẩy mạnh theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững, khai thác, phát huy tiềm năng lợi thế để phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế hàng hóa cao, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân.

Giá trị sản xuất 1 ha đất nông nghiệp ước đạt 76,25 triệu đồng/ha/năm, tăng 7,88 triệu đồng so với năm 2021. Các chỉ tiêu sản xuất nông nghiệp, tiêu thụ nông sản, thủy sản hầu hết đều đạt và vượt kế hoạch giao. Các cây trồng, con nuôi chủ lực trên địa bàn huyện đã phát triển tăng cả về số lượng và chất lượng.

Phát triển sản xuất nông nghiệp ngày càng được nâng cao về chất lượng và chiều sâu. Ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, phát triển nông nghiệp hữu cơ đạt hiệu quả, hiện nay toàn huyện huyện đã có 481,5 ha diện tích được lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm; 45,95 ha nhà kính, nhà lưới; diện tích được cấp chứng nhận VietGAP đạt 382,9 ha. Nhiều sản phẩm nông sản của huyện tiếp tục phát triển mở rộng, thương hiệu các sản phẩm nông sản được đẩy mạnh phát triển, công tác tìm kiếm thị trường tiêu thụ được triển khai đồng bộ, quyết liệt, các chuỗi cung ứng nông sản an toàn ngày càng gia tăng về số lượng và chất lượng.

Huyện còn chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền người dân ứng dụng mạnh mẽ công nghệ sinh học, vi sinh trong nông nghiệp, từ công tác cải tạo đất, vệ sinh môi trường đến thức ăn chăn nuôi; ứng dụng tiến bộ công nghệ sinh học. Toàn huyện có 1.673 tổ chức, cá nhân sản xuất theo hướng hữu cơ với tổng diện tích sản xuất là 2.301,7 ha 1.059,3 ha (tăng 1.424,4 ha so với năm 2021), trong đó: cây rau 120,7 ha, cây ăn quả 1.255 ha, cây chè 926 ha. Huyện có 03 mô hình chăn nuôi theo hướng hữu cơ, trong đó có 02 mô hình nuôi gà trên địa bàn xã Lóng Sập với quy mô 2.450 con; 01 mô hình chăn nuôi bò sữa theo hướng hữu cơ tại xã Tân Lập với quy mô 32 con bò sữa.

Đề án phát triển trồng trọt theo hướng an toàn và bền vững đã tập trung chỉ đạo trọng tâm thúc đẩy ứng dụng khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học vào sản xuất; thu hút các nguồn lực thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp gắn với sản xuất hữu cơ, sản xuất hàng hóa, xây dựng thương hiệu sản phẩm và sức cạnh trạnh của hàng hóa trên địa bàn huyện. Trong năm 2022 tổng diện tích gieo trồng đạt 10.232 ha, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 46.850 tấn; diện tích chè hiện có đạt 2.124 ha, sản lượng chè búp tươi ước đạt 26.886 tấn; diện tích dâu tằm đạt 110 ha, sản lượng đạt 913 tấn; diện tích gieo trồng rau, đậu các loại đạt 3.001 ha, sản lượng 48.198 tấn; diện tích gieo trồng hoa các loại đạt 51 ha; diện tích cây ăn quả toàn huyện đạt 10.401 ha. Trong đó chủ yếu là: Cây Mận 3.596 ha, Nhãn 1.748 ha, Xoài 1.541 ha, Mơ 517 ha, Chuối 764 ha, Bơ 544 ha. Sản lượng quả các loại đạt khoảng 56.935 tấn. Diện tích trồng mới năm 2022 đạt 872 ha.

Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh thực hiện Đề án phát triển chăn nuôi bền vững tập trung chỉ đạo phát triển chăn nuôi với quy mô, cơ cấu đàn hợp lý, tạo sự dịch chuyển mang tính bền vững từ phương thức chăn nuôi phân tán, quy mô nhỏ sang phương thức chăn nuôi tập trung với quy mô gia trại, trang trại, công nghiệp; đảm bảo an toàn dịch bệnh và vệ sinh an toàn thực phẩm, khống chế có hiệu quả các bệnh nguy hiểm trong chăn nuôi. Ước đến hết năm 2022, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện đạt 714.077 con, tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 6.859 tấn. Trong đó: Tổng đàn gia súc đạt 103.381 con; tổng đàn gia cầm đạt khoảng 610.696 con.

Trong năm 2022, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan và UBND các xã, thị trấn tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ tiêu thụ các loại quả tươi cho nông dân như: Tìm kiếm thị trường; hỗ trợ liên kết tiêu thụ; làm việc hỗ trợ các doanh nghiệp thu mua; hỗ trợ nông dân trong việc thu hoạch; bảo quản, tiêu thụ. Trong năm sản phẩm quả tươi các loại tiêu thụ đến các thị trường trong nước thông qua các thương lái ở huyện Mộc Châu đạt trên 52.465 tấn. Quả tươi các loại tiêu thụ cho các Nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh Sơn La được 1.743,564 tấn.

Công tác khuyến nông, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật được chú trọng: Trong năm 2022, toàn huyện đã tổ chức được 46 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trên địa bàn 15 xã, thị trấn cho 1.881 lượt người tham gia. Các nội dung tập huấn, chuyển giao cho người dân chủ yếu như: Kỹ thuật chăm sóc, cải tạo cây ăn quả; hướng dẫn quy trình sản xuất hữu cơ, kỹ thuật chăn nuôi, các biện pháp phòng chống dịch bệnh, tập huấn cho cán bộ thú y xã, thị trấn về kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm soát giết mổ.

Công tác quản lý chất lượng bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất nông, lâm, thủy sản tiếp tục có sự chuyển biến trong nhận thức của người sản xuất, kinh doanh về trách nhiệm và quyền lợi khi tuân thủ các điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm. Tổ chức ký cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn với 46 cơ sở trong các hoạt động sơ chế, giết mổ và bán lẻ thịt gia súc, gia cầm, thủy sản, lương thực, rau củ quả. nâng tổng số toàn huyện lên 80 cơ sở ký cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn. Cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho 09 cơ sở trong các hoạt động; sản xuất, sơ chế rau quả, chế biến giò lụa, nâng tổng số cơ sở được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm trên địa bàn huyện lên 26 cơ sở.

Về phát triển sản xuất an toàn và quản lý mã số vùng trồng. Trong năm 2022, cấp mới giấy chứng nhận thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) cho 04 cơ sở với tổng diện tích là 71 ha. Toàn huyện có 24 cơ sở áp dụng việc thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP trong lĩnh vực trồng trọt với tổng diện tích là 382,9 ha, tập chung chủ yếu trên đối tượng các loại sản phẩm rau, chè và cây ăn quả để kiểm soát, truy suất được nguồn gốc sản phẩm, tạo ra sản phẩm nông sản đảm bảo an toàn, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng và tạo được ưu thế trong cạnh tranh thị trường, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất. Trong năm cấp mới được 02 mã số vùng trồng cho cây mận với diện tích 25 ha, nâng tổng số vùng trồng trên địa bàn huyện đạt 29 mã số của 21 cơ sở. Trong đó, 10 mã số vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Úc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc (của 46 hộ thuộc 7 hợp tác xã, tổ hợp tác với tổng diện tích là 92,5 ha); 17 mã số vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc (của 17 tổ chức, cá nhân với tổng diện tích là 637 ha) và 02 mã số vùng trồng xuất khẩu đang chờ thị trường nhập khẩu (của 30 hộ, với tổng diện tích là 25 ha). Các loại cây trồng được cấp là Nhãn, Xoài, Chuối, Mận hậu và Bơ.

Như Thuỷ

Video tuyên truyền nông thôn mới
THÔNG TIN TRA CỨU

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1