Tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn
(sonla.gov.vn) Trong năm 2023, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều đợt thiên tai gây ảnh hưởng tới đời sống nhân dân và kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh và các ngành, các cấp địa phương đã phát huy năng lực, nâng cao trách nhiệm hoạt động có hiệu quả, triển khai kịp thời những nội dung chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và của tỉnh; nắm bắt tình hình cụ thể diễn biến thiên tai tác động tại địa phương, chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp và kinh nhiệm tổ chức, phối hợp kiểm tra, chỉ đạo kịp thời và hiệu quả trong phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.
anh tin bai

Công tác khắc phục thiên tai luôn được tỉnh kịp thời triển khai.

Năm 2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 16 đợt mưa lớn diện rộng; chịu ảnh hưởng của 21 đợt không khí lạnh trong đó có 15 đợt gió mùa Đông Bắc và 6 đợt không khí lạnh tăng cường; xảy ra 05 đợt nắng nóng và nắng nóng gay gắt trên diện rộng. Các đợt thiên tai đã làm tổng số 07 người chết, 09 người bị thương; 1.638 nhà bị thiệt hại. Tổng diện tích lúa thiệt hại 1.637 ha, diện tích mạ 144,7 ha, diện tích rau màu 3.511 ha, cây trồng hằng năm 2.144,8 ha, cây trông lâu năm 802,7 ha, cây ăn quả 502,0 ha, diện tích rừng 25,5 ha. Gia súc thiệt hại 90 con, gia cầm 2.155 con; 21,9 ha nuôi trồng thủy sản, 9,4 tấn cá. Về giao thông gây sụt taluy dương, sa bồi là 633.728 m3; sạt lở taluy âm là 3.651 m; hư hỏng mặt đường 34.808 m2; hư hỏng rãnh dọc là 16.559 m; hư hỏng cầu, cống là 167 cái; 86 vị trí sạt lở gây ách tắc giao thông. 40 công trình thuỷ lợi bị hư hỏng, 3.632m kênh mương bị sạt, cuốn trôi; công trình cấp nước bị ảnh hưởng 83 công trình; số hộ thiếu nước sạch sử dụng 4.262 hộ. Ảnh hưởng 29 điểm trường; 04 nhà văn hóa, 175 cột điện gẫy đổ, 1.277m dây điện bị đứt… Ước tổng giá trị thiệt hại do thiên tai năm 2023 là trên 367 tỷ đồng.

Trong năm, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp thường xuyên được củng cố kiện toàn với 33 thành viên cấp tỉnh, 330 thành viên cấp huyện và 6.157 thành viên cấp xã, bản; chỉ đạo triển khai thực hiện Quy chế phối hợp; kế hoạch hoạt động công tác PCTT&TKCN được rà soát, bổ sung phù hợp với thực tế yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Trang thiết bị chuyên dùng và công cụ hỗ trợ công tác phòng chống thiên tai luôn được tỉnh quan tâm đầu tư và kêu gọi hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân. Tăng cường hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin làm cơ sở cho việc nâng cao khả năng tiếp nhận đầy đủ thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai và hiểu biết kỹ năng phòng tránh thiên tai.

Toàn tỉnh đã thực hiện hỗ trợ xóa 1.438 nhà ở; triển khai thực hiện 19 dự án bố trí, sắp xếp dân cư vùng thiên tai với 871 hộ; các nhà văn hóa tổ, bản, tiểu khu, trụ sở các cơ sở giáo dục… trên địa bàn, trong Phương án phòng, chống thiên tai được bố trí sắp xếp làm nơi sơ tán dân khi thiên tai xảy ra. Có 204/204 đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã đã được thành lập và rà soát kiện toàn với 14.532 người tham gia. Đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã đã được huy động và chủ động tham gia các hoạt động ứng phó khắc phục hậu quả ngay từ giờ đầu khi có tình huống thiên tai.

Bên cạnh đó, đã yêu cầu các đơn vị thực hiện báo cáo hiện trạng an toàn đập, hồ chứa trước mùa mưa lũ; rà soát lại các phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp; cắm mốc chỉ giới xác định phạm vi bảo vệ công trình; triển khai thực hiện quy trình vận hành hồ chứa. Rà soát những quy trình vận hành hồ chứa không còn phù hợp với thực tế vận hành và các quy định pháp luật để yêu cầu chủ đầu tư lập lại và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để triển khai thực hiện. Qua kết quả kiểm tra hàng năm, các công trình đã chuẩn bị nhân lực, thiết bị, vật tư… sẵn sàng ứng phó cho các tình huống mất an toàn của đập theo phương án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Các đơn vị làm công tác dự báo trên khu vực Tây Bắc đã thực hiện tốt các quy trình, quy định về công tác dự báo khí tượng thuỷ văn. Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết thủy, cảnh báo và dự báo kịp thời các hiện tượng thời tiết thủy văn nguy hiểm, thời gian dự báo, cảnh báo trước từ 24-48 giờ, phục vụ công tác phòng tránh thiên tai đối với các địa phương trên khu vực Tây Bắc.

Khi thiên tai xảy ra, công tác chỉ đạo, chỉ huy triển khai các biện pháp ứng phó thiên tai luôn được thực hiện kịp thời. Đối với những đợt mưa lớn diện rộng, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ, triển khai các biện pháp ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”. Chủ động rà soát phương án, sẵn sàng huy động lực lượng tổ chức sơ tán khẩn cấp các hộ dân tại các khu vực không bảo đảm an toàn, nhất là khu vực có thể xảy ra ngập sâu, chia cắt, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Tổ chức thông tin, hướng dẫn người dân đi lại an toàn khi có mưa lũ; triển khai lực lượng kiểm soát, hướng dẫn, hỗ trợ giao thông an toàn qua các ngầm tràn, tuyến đường bị ngập sâu; hướng dẫn người dân dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu đề phòng mưa lũ gây ngập úng, chia cắt kéo dài.

Để thực hiện tốt công tác phòng, chống thiên tai năm 2024 các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh tập trung lãnh đạo chỉ đạo việc khắc phục hậu quả thiên tai năm 2023 ổn định đời sống sinh hoạt những điểm đã tái định cư và những điểm cần di chuyển dân vùng thiên tai, khắc phục diện tích sản xuất, cơ sở hạ tầng phòng chống thiên tai, giảm thiểu thiệt hại, an toàn mùa mưa lũ năm 2024. Kiện toàn, phân công nhiệm vụ các thành viên Ban Chỉ huy các cấp. Đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, xây dựng cơ sở dữ liệu, công cụ hỗ trợ, nâng cao năng lực Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy cấp tỉnh, huyện, xã; xây dựng hệ thống kết nối trực tuyến giao ban với Ban Chỉ đạo và Ban Chỉ huy các cấp. Tăng cường hoạt động thông tin truyền thông, hướng dẫn kỹ năng phòng ngừa, ứng phó với các loại hình thiên tai phổ biến (nhất là mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất) bằng nhiều hình thức, bảo đảm thông tin về thiên tai đến được người dân tại khu vực chịu ảnh hưởng...

Lê Hồng

 

Video tuyên truyền nông thôn mới
THÔNG TIN TRA CỨU

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1