Hướng dẫn thực hiện hạch toán trích khấu hao tài sản cố định và trích quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp đối với đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước đảm bảo chi thường xuyên (đơn vị nhóm 4)
(Sở Tài chính) Đây là nội dung quan trọng trong việc thực hiện cải cách tài chính công; là cơ sở thực hiện xét duyệt, thẩm định quyết toán NSNN hàng năm và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt tổng quyết toán ngân sách địa phương.

Thực hiện Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; Thông tư số 107/2017/TT-BTC ngày 10/10/2017 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn Chế độ kế toán hành chính sự nghiệp; Thông tư số 56/2022/TT-BTC ngày 16/9/2022 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; xử lý tài sản, tài chính khi tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập; ngày 25/10/2022, Sở Tài chính đã ban hành Công văn số 3988/STC-TCHCSN về thực hiện Nghị định số 60/NĐ-CP và rà soát số liệu dự toán năm 2022, trong đó đề nghị các Sở, Ngành; các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện tuyên truyền, phổ biến nội dung Nghị định số 60/NĐ-CP, Thông tư số 56/TT-BTC. Tuy nhiên, qua công tác xét duyệt, thẩm định quyết toán NSNN năm 2022, một số đơn vị sự nghiệp công lập có hoạt động cung cấp dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách nhà nước chưa thực hiện hạch toán trích khấu hao tài sản cố định (TSCĐ) đối với TSCĐ dùng vào hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ, tương ứng bổ sung quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp theo số khấu hao TSCĐ đã trích.

Để chấn chỉnh, rút kinh nghiệm trong công tác hạch toán kế toán, tính hao mòn và trích khấu hao TSCĐ trong năm 2023 và các năm tiếp theo, các đơn vị sự nghiệp công lập có hoạt động cung cấp dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách nhà nước cần lưu ý khi thực hiện tính hao mòn và trích khấu hao TSCĐ đối với TSCĐ được cấp từ NSNN nhưng dùng vào hoạt động sự nghiệp và hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ như sau:

(1) Nợ TK 611 - Hao mòn TSCĐ nếu dùng cho hoạt động sự nghiệp

Nợ TK 154, 6423 - Khấu hao TSCĐ nếu dùng cho hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ

Có TK 214 - Khấu hao và hao mòn lũy kế TSCĐ

Đối với các đơn vị nhóm 4, nếu có hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ thì phải trích khấu hao TSCĐ đối với những TSCĐ dùng vào hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ, để xác định được giá trị khấu hao và hao mòn lũy kế TSCĐ thì đơn vị phải xác định được TSCĐ dùng vào hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ bao nhiêu ngày/năm, mức khấu hao (Nợ TK 154, 6423) chiếm tỷ lệ bao nhiêu % trong tổng số khấu hao và hao mòn lũy kế TSCĐ của đơn vị (tổng số phát sinh bên Có TK 214) để thực hiện phân bổ giá trị khấu hao cho TSCĐ dùng vào hoạt động SXKD DV. Sau khi trích khấu hao tài sản cố định đối với các tài sản tham gia hoạt động dịch vụ, cuối năm đơn vị bổ sung vào Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp như sau:

Nợ TK 421 – Thặng dư (thâm hụt) lũy kế

Có TK 4314 – Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp

Riêng năm 2023, các đơn vị sự nghiệp công lập cần lưu ý thêm 1 số quy định mới tại Thông tư số 23/2023/TT-BTC ngày 25/4/2023 của Bộ Tài chính (Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/6/2023, được áp dụng từ năm tài chính 2023, thay thế Thông tư số 45/2018/TT-BTC ngày 07/05/2018 của Bộ Tài chính):

(1) Về khung thời gian tính hao mòn tài sản cố định; bổ sung tài sản cố định đặc thù; bổ sung tài sản cố định phân loại theo nguồn gốc tài sản;… là những điểm mới nổi bật tại Thông tư số 23/2023/TT-BTC về tính hao mòn, khấu hao tài sản cố định. Tại khoản 3 Điều 11 Thông tư số 23/2023/TT-BTC quy định về phạm vi tài sản cố định tính hao mòn, khấu hao, trong đó 04 loại tài sản cố định không tính hao mòn, khấu hao gồm:

- Tài sản cố định là quyền sử dụng đất đối với các trường hợp phải xác định giá trị quyền sử dụng đất để tính giá trị tài sản quy định tại Điều 100, Nghị định số 151/2017/NĐ-CP;

- Tài sản cố định đặc thù theo quy định;

- Tài sản cố định đã tính đủ hao mòn hoặc đã khấu hao hết giá trị nhưng vẫn còn sử dụng được;

- Tài sản cố định chưa tính hết hao mòn hoặc chưa khấu hao hết giá trị nhưng đã hư hỏng không tiếp tục sử dụng được.

(So với quy định tại Thông tư số 45/2018/TT-BTC thì Thông tư số 23/2023/TT-BTC đã bỏ 02 loại tài sản cố định không tính hao mòn, khấu hao: Tài sản cố định đang thuê sử dụng và Tài sản cố định bảo quản hộ, giữ hộ, cất giữ hộ Nhà nước)

(2) Quy định về trích khấu hao tài sản cố định tại đơn vị sự nghiệp công lập tại Điều 15 Thông tư số 23/2023/TT-BTC, đặc biệt tại Khoản 2: "Đối với tài sản cố định quy định tại điểm c Khoản 2 Điều 11 Thông tư này vừa sử dụng vào hoạt động kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết vừa sử dụng vào hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị sự nghiệp công lập thì thực hiện như sau:

a) Đơn vị thực hiện tính toán, xác định tổng giá trị hao mòn và khấu hao trong năm của tài sản cố định theo mức hao mòn hàng năm quy định tại Điều 14 Thông tư này.

b) Căn cứ thời gian sử dụng, tần suất sử dụng hoặc khối lượng công việc hoàn thành, đơn vị tính toán phân bổ số khấu hao và số hao mòn trong tổng giá trị hao mòn và khấu hao trong năm đã xác định tại điểm a khoản này để hạch toán vào chi phí cung ứng dịch vụ sự nghiệp công, chi phí kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết đối với số khấu hao; thực hiện hạch toán kế toán hao mòn tài sản cố định đối với số hao mòn”.

Lê Tuân



Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
1 2 3 4 5  ... 
Video tuyên truyền nông thôn mới
THÔNG TIN TRA CỨU

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1