"Hạn Khuống" là một lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Thái ở Yên Châu đã có từ rất lâu đời, là nét văn hóa độc đáo riêng của người dân tộc Thái.
Lễ "Hạn Khuống" của đồng bào dân tộc Thái ở Yên Châu.
Theo tiếng Thái, “Hạn” có nghĩa là tre, nứa, “Khuống” là sân, đất trong bản. Hạn Khuống có nghĩa là một cái sàn bằng tre, nứa dựng lên ở sân đất ngoài trời. “Hạn Khuống” còn gọi là Sàn hoa Hạn Khuống - sân chơi dành riêng cho nam thanh, nữ tú chưa lập gia đình. Đây là một loại hình sinh hoạt văn hóa nghệ thuật dân gian. Là nơi vui chơi giải trí, giao lưu văn hóa, nghệ thuật để mọi người cống hiến sức sáng tạo, tài năng của mình, đồng thời là nơi trai gái trao nhau tâm tình, giao duyên xây dựng gia đình hạnh phúc. Lễ "Hạn Khuống" được tổ chức trên khoảng đất rộng ở bản, thanh niên nam nữ dựng sàn, có hàng rào bao quanh bằng phên mắt cáo, cửa ra vào, lên xuống bằng cầu thang. Ở giữa sàn có một bếp lửa, cạnh bếp lửa người ta dựng cây vũ trụ, tiếng Thái gọi là cây “Lắc xay”. Sàn phải được làm thật chắc bởi trên sàn sẽ bày đồ dùng cho trai làng, gái bản trổ tài khéo tay như: Vòng quay, kéo sợi, đan lát, thêu thùa… Tham gia lễ "Hạn Khuống" là các chàng trai, cô gái chưa lập gia đình. Trang phục của các cô gái là váy áo cỏm, váy thái truyền thống, đội khăn piêu. Còn các chàng trai tay cầm khèn, Pí để đệm cho những câu khắp tình tứ, giao duyên. Thường lễ "Hạn Khuống" được tổ chức vào mùa xuân, đặc biệt là ngày lễ tết, các cô gái, chàng trai Thái tham gia hội Hạn Khuống với mong muốn tìm được một người để xây dựng gia đình.

Nhân dân hăng hái tham gia dựng sàn "Hạn Khuống" để chuẩn bị cho buổi lễ.
Trong văn hóa người dân tộc Thái trước đây trai gái giao lưu, tìm hiểu nhau bằng câu hát, câu đối. Trong lễ Hạn Khuống người dân có cả sân chơi tó má lẹ, cà kheo, các trò chơi dân gian của người Thái nên nhiều lứa tuổi cũng cùng đến tham gia vui chơi.
Ở Hạn Khuống, lối hát giao duyên là lối hát chủ đạo. Để tham gia các chàng trai phải khắp (hát) đối đáp với các cô gái cho đến khi được các cô gái đồng ý cho lên sàn Hạn Khuống. Các cô gái đáp lại với những câu khắp từ chối chưa dám hẹn hò, sợ chàng trai đã có vợ, đã có người yêu. Họ cứ hát như vậy cho đến khi người con trai khẳng định rằng mình chưa có vợ và chiếm được lòng tin cho người con gái thì người con gái mới thả thang cho người con trai lên sàn Hạn Khuống. Khi được lên sàn, các chàng trai bắt đầu tìm đến cô gái mình thích và mong muốn để tìm hiểu lẫn nhau. Họ hát đối đáp với nhau bày tỏ tình cảm. Sau những ngày làm việc mệt nhọc, vất vả tham gia lễ Hạn Khuống là cơ hội cho bà con, nhân dân tham gia vui chơi trên sàn chung Hạn Khuống để gặp gỡ, trao đổi về kinh nghiệm trong cuộc sống, trong sản xuất, rồi có thể hát giao duyên.
Vừa qua huyện Yên Châu đã phục dựng lại lễ Hạn Khuống của ngươi Thái tại xã Chiềng Khoi, huyện Yên Châu. Lễ hội được phục dựng thu hút đông đảo người dân tham gia, hưởng ứng. Đây là cách làm hay góp phần phát triển du lịch văn hóa, giữ gìn, phát huy và bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc. Việc phục dựng lễ hội Hạn Khuống không chỉ tạo sân chơi bổ ích cho nhân dân được vui chơi, được giao lưu sau những ngày làm việc mệt mỏi. Tại lễ hội còn giới thiệu tới du khách những trò chơi dân gian đặc sắc, đặc trưng của người Thái như: múa xòe, ném còn, đánh quay, tó mắc lẹ... Qua đó giúp liên kết, gắn bó tất cả cộng đồng cùng tham gia, cùng chung sống bền vững và bảo tồn nét văn hóa truyền thống của dân tộc Thái cho thế hệ mai sau.
Diệp Hương