(sonla.gov.vn) Tiếp tục các hoạt động ngày thứ 02 tại Ngày hội hoa Sơn tra huyện Mường La năm 2025, sáng ngày 16/3/2025, tại bản Nậm Nghẹp đã diễn ra phần thi giã và làm bánh giày.
Sôi nổi thi giã bánh giày tại Ngày hội hoa sơn tra năm 2025.
Tham gia thi giã bánh giày có 05 đội thi đến từ các bản của xã Ngọc Chiến, gồm: Nậm Nghẹp, Lọng Cang, Chăm Pộng; Huổi Ngùa, Chom Khau, Giặng Phỏng . Mỗi đội thi gồm 04 người, 02 nam, 02 nữ; mặc trang phục truyền thống dân tộc Mông.
Mỗi đội thi gồm 04 người.
Các đội thi sôi nổi thực hiện phần thi.
Phần thi được bắt đầu sau khi các đội chuẩn bị dụng cụ cũng như nguyên vật liệu đầy đủ, Ban tổ chức phát hiệu lệnh tính thời gian thi giã bánh giày trong 45 phút. Theo tiếng Mông, bánh giày được gọi là “Dúa”. Để có món bánh giày ngon như ý, cần chuẩn bị sẵn cối giã bánh, cối giã bánh giày của người Mông được làm bằng thân cây gỗ chắc, thớ mịn, có mùi thơm và khoét rỗng ruột; chày giã bánh cũng được làm bằng các loại gỗ cứng và nặng; vừng rang sẵn và lòng đỏ trứng gà đã được luộc chín để xoa tay và xoa các dụng cụ nặn bánh không bị dính. Một yếu tố không thể thiếu là phải chọn được gạo nếp thơm và dẻo, tiếp đó ngâm gạo trong vòng một ngày. Trong khi đồ gạo, cần đun nhỏ và đều lửa, thời gian đồ khoảng một tiếng, để xôi được chín kỹ cho thật mềm và dẻo. Tiếp đó cho xôi ra cối để giã, cần giã bánh ngay khi xôi còn đang nóng. Giã càng kỹ thì bánh càng dẻo, ngon và để được lâu. Khi giã xong rồi cần bàn tay khéo léo của người phụ nữ nặn bánh ngay, nếu để nguội thì không nặn được. Lá gói bánh là lá chuối đã hơ qua lửa và lau sạch.
.jpg)
Người phụ nữ dân tộc mông tham gia giã bánh.
Nhân dân và du khách rất háo hức theo dõi các đội thi giã bánh.
Sau khi những chiếc bánh giày được các đội thi hoàn thành, Ban giám khảo tiến hành chấm điểm cho các đội thi với các tiêu chí: Bánh mềm dẻo, tròn đều, số lượng bánh nhiều và được trang trí đẹp mắt.
Các đội thi thực hiện nặn bánh.
Những chiếc bánh giày trắng tròn được hoàn thành.
Với người Mông, bánh giày không chỉ là một món ăn quen thuộc trong cuộc sống thường ngày mà nó giữ vị trí đặc biệt trong đời sống tâm linh. Người Mông quan niệm: hai cái bánh giày tròn tượng trưng cho mặt trăng, mặt trời, là nguồn gốc sinh ra con người và muôn loài trên Trái đất. Vì thế, trong những ngày Tết hay những ngày Lễ hội của dân tộc Mông không thể thiếu món bánh giày.
Những chiếc bánh giày đẹp mắt như bông hoa sơn tra trắng tinh khôi.
Ban giám khảo chấm điểm cho các đội thi.
Khép lại hội thi là những chiếc bánh giày thơm ngon, mịn, dẻo, tròn trịa, bày biện đẹp mắt - thành quả của các đội thi. Hội thi đã góp phần quảng bá văn hóa ẩm thực cùng những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Mông. Đồng thời là dịp để Nhân dân các dân tộc trong vùng được giao lưu, giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc, lan tỏa tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc, góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
Du khách chụp ảnh cùng các đội thi và sản phẩm bánh giày vừa được hoàn thành.
Du khách cùng nhau chiêm ngưỡng và thưởng thức sản phẩm bánh giày.
Lê Hồng