Tỉnh Sơn La Chuyển đổi số thực chất, hiệu quả phù hợp với điều kiện của tỉnh
(sonla.gov.vn) Thời gian qua, tỉnh Sơn La rất quan tâm đến công tác Chuyển đổi số, tỉnh đang quyết tâm đến năm 2025, xây dựng chính quyền điện tử thuộc nhóm khá, trong các tỉnh miền núi phía Bắc. Qua đó, đưa Sơn La trở thành tỉnh có kinh tế - xã hội phát triển khá trong khu vực trung du miền núi phía Bắc, theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XV.

Để hiểu rõ hơn về chương trình Chuyển đổi số của tỉnh, đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số đã dành thời gian trả lời phỏng vấn Cổng Thông tin điện tử tỉnhmột số nội dung về công tác Chuyển đổi số của tỉnh Sơn La thời gian qua và định hướng, mục tiêu của tỉnh trong thời gian tới.

anh tin bai

Đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số 
trả lời phỏng vấn Cổng Thông tin điện tử tỉnh.

PV: Sau gần 2 năm thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU về Chuyển đổi số, cho đến thời điểm này tỉnh ta đã đạt được những kết quả gì thưa đồng chí?

Đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Tỉnh ủy Sơn La đã ban hành Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 31/8/2021 về Chuyển đổi số tỉnh Sơn La giai đoạn 2021 - 2025 định hướng đến năm 2030, lấy ngày 10/10 hằng năm tổ chức các hoạt động, sự kiện chuyển đổi số. Kiện toàn Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số cấp tỉnh, thành lập 6 tổ công tác về các lĩnh vực chuyển đổi số để trực tiếp tham mưu, giúp việc cho Ban Chỉ đạo. Trong năm nay, tỉnh đã cho ra mắt Chuyên trang Chuyển đổi số của tỉnh để cung cấp thông tin đến tất cả nhân dân về công tác này. Hiện nay, 100% các TTHC từ cấp tỉnh, cấp xã được kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an quản lý theo đúng quy định của Đề án 06. Cổng dịch vụ công tỉnh Sơn La đã kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng dịch vụ công quốc gia; liên thông, đồng bộ cả 3 cấp từ tỉnh đến huyện, xã. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 69.46%, vượt 464% so với cùng kỳ năm 2022; đã tích hợp được 538 dịch vụ công trực tuyến của tỉnh trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Đã có 38 Sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể của tỉnh và 03 cơ quan ngành dọc (Cục Thuế tỉnh, Cục Thống kê tỉnh, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Sơn La) tham gia xây dựng chỉ tiêu báo cáo và cung cấp dữ liệu phục vụ cho công tác quản lý điều hành của ngành và công tác tổng hợp báo cáo tình hình, công tác giám sát, điều hành kinh tế - xã hội của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh trên Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh Sơn La (IOC). Tỉnh đã tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành; các huyện, thành phố đẩy nhanh tiến độ xây dựng và triển khai các Đề án thí điểm về chuyển đổi số như: Đô thị thông minh (tại Thành phố và huyện Mộc Châu); giáo dục và y tế thông minh.

Kinh tế số bước đầu hình thành trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, nông nghiệp, y tế và dịch vụ, du lịch với nhiều hình thức kinh doanh mới, dựa trên thương mại điện tử và logistics, góp phần nâng cao tính minh bạch, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của người dân.Triển khai hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử. Hiện nay, hơn 2.440  sản phẩm của Sơn La đưa lên sàn thương mại điện tử, có gần 50.000 sản phẩm đã được giao dịch trên sàn. Đã cập nhật thông tin 112 sản phẩm của 65 đơn vị sản xuất, kinh doanh lên sàn thương mại điện tử.

Hạ tầng xã hội số có bước phát triển, 100% các xã đã có cáp quang đến trung tâm, phổ cập mạng thông tin di động 4G đến 100% xã. 100% cán bộ, công chức từ cấp tỉnh đến xã có máy tính kết nối internet. Các xã, phường, thị trấn đã được kết nối mạng internet phục vụ hệ thống hội nghị trực tuyến 3 cấp, góp phần giải quyết công việc nhanh, tiện lợi và hiệu quả. Người dân đã chủ động tham gia vào các loại hình dịch vụ của xã hội số, hình thành văn hóa trên môi trường số.

Có thể nói cả hệ thống chính trị tỉnh Sơn La vào cuộc trong công tác Chuyển đổi số, đây là thuận lợi vô cùng lớn của tỉnh.

PV: Trong quá trình thực hiện Chuyển đổi số, tỉnh gặp những khó khăn, thách thức gì?

Đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh:  Quá trình Chuyển đổi số của tỉnh còn bộc lộ một số hạn chế, như: Việc xây dựng nền tảng chính quyền điện tử còn chậm hoàn thiện; một số ngành, lĩnh vực chưa chủ động tham gia chuyển đổi số; việc kết nối, chia sẻ tích hợp dữ liệu giữa các cơ quan còn hạn chế; số lượng hồ sơ trực tuyến còn thấp; quản lý thông tin trên không gian mạng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh.

Trong quá trình triển khai thực hiện Chuyển đổi số tỉnh nhận thấy thách thức lớn nhất đó là làm sao để toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp, người dân có nhận thức đúng về chuyển đổi số. Đối với các cơ quan Nhà nước, là sự thay đổi nhận thức và sự vào cuộc thực sự của người đứng đầu. Đối với mỗi người dân, đòi hỏi thay đổi kỹ năng và thói quen. Đối với mỗi doanh nghiệp, sự thay đổi đòi hỏi phải triển khai các giải pháp công nghệ số, có những việc hoàn toàn mới, chưa có tiền lệ. Thực tế cho thấy, điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh ta còn nhiều khó khăn, dân cư sinh sống phân tán nên việc cung cấp các dịch vụ cho người dân gặp nhiều bất cập. Mặt khác, trình độ văn hóa không đồng đều, thu nhập trung bình của người dân thấp. Nguồn thu của tỉnh chủ yếu từ sự hỗ trợ của Trung ương nên việc cân đối nguồn lực dành cho Chuyển đổi số gặp nhiều khó khăn do phải đảm bảo các lĩnh vực khác.      

Những khó khăn đó đặt ra thách thức lớn cho tỉnh cần phải thay đổi về tư duy, nhận thức của mọi tầng lớp xã hội, phải thu hút được nguồn lực, đào tạo nhân lực, xây dựng thể chế, hoàn thiện khung pháp lý, hành lang chính sách về công nghệ thông tin, đảm bảo an toàn và an ninh thông tin và huy động sức mạnh của toàn dân trong việc thực hiện Chuyển đổi số.

PV: Tỉnh Sơn La xác định năm 2023 là Năm Chuyển đổi số, vậy điểm nhấn trong Năm Chuyển đổi là gì thưa đồng chí? 

Đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Tỉnh Sơn La xác định năm 2023 là "Năm Chuyển đổi số", năm trọng tâm trong việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phát triển Chính quyền số để thúc đẩy chuyển đổi kinh tế số, xã hội số; phát huy hiệu quả Chuyển đổi số để nâng cao năng lực, hiệu lực trong hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước, chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp góp phần nâng cao các chỉ số cạnh tranh, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh.

Việc tỉnh khai trương Chuyên trang Chuyển đổi số là một trong những hoạt động cụ thể hóa Nghị quyết số 17-NQ/TU của Tỉnh ủy về Chuyển đổi số của tỉnh Sơn La giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, đây là quyết tâm mạnh mẽ của tỉnh trong thực hiện cải cách hành chính và Chuyển đổi số.

Trên Chuyên trang này sẽ tích hợp các công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các lĩnh vực của quản lý nhà nước, tận dụng các công nghệ để thay đổi căn bản cách thức vận hành, mô hình quản lý và cung cấp các dịch vụ tốt nhất phục vụ người dân và doanh nghiệp. Cả hệ thống chính trị tỉnh Sơn La quyết tâm thực hiện tốt nhất chuyển đổi số trên địa bàn. Bởi vậy, khi bước vào thực hiện Chuyển đổi số những người làm trong chính quyền phải thay đổi văn hóa làm việc, đòi hỏi các công chức, viên chức phải liên tục thay đổi, cập nhật để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao của công việc

PV: Với địa bàn còn nhiều khó khăn, để thực hiện hiệu quả công tác Chuyển đổi số quan điểm chỉ đạo của tỉnh trong thời gian tới như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Trong xu thế Chuyển đổi số hiện nay, tỉnh Sơn La xác định đây là bước đi quan trọng, cấp thiết và tất yếu, cần nắm bắt, tiếp cận và vào cuộc một cách mạnh mẽ, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân.

Thời gian tới, tỉnh Sơn La sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện xây dựng chính quyền số. Tập trung quá trình chuyển đổi số trên các lĩnh vực như  giáo dục, y tế, du lịch, nông nghiệp, giao thông một số dịch vụ phục vụ việc xây dựng đô thị thông minh. Trong đó, Chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục và y tế  là hai lĩnh vực tỉnh đang chú trọng; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người dân và doanh nghiệp cần cảm nhận, thấy rõ, nhận thức rõ về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của chuyển đổi số trước khi có hành động cụ thể để thực hiện. Và đề cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, luôn đồng hành trên hành trình Chuyển đổi số; tập trung phát triển hạ tầng số, nền tảng số, xác định đây là giải pháp đột phá thúc đẩy sự phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số đẩy nhanh tiến trình Chuyển đổi số. Ưu tiên bố trí nguồn lực để tập trung thực hiện đồng bộ nền tảng hạ tầng công nghệ thông tin trọng yếu. Phát triển các ứng dụng số hóa trong hoạt động của chính quyền để đẩy nhanh tiến trình xây dựng Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số ở địa phương. Những giải pháp của tỉnh sẽ đúng với chiến lược chuyển đổi số quốc gia và phù hợp với điều kiện thực tế ở Sơn La.

Chuyển đổi số tạo ra sự thay đổi mang tính tổng thể và toàn diện từ chính quyền, đến từng doanh nghiệp, từng tổ chức, người dân và trong mọi lĩnh vực. Chúng tôi thiết nghĩ rằng kết quả và sự nỗ lực của tỉnh phải cần có sự đồng bộ và quyết tâm của các cấp, các ngành, cấp ủy chính quyền địa phương, doanh nghiệp và chúng ta phải vận động tuyên truyền để người dân ủng hộ thực hiện được mục tiêu phát triển đưa tỉnh Sơn La phát triển xanh - nhanh và bền vững trong thời gian tới. Xin trân trọng cảm ơn!

PV: Một lần nữa xin trân trọng cảm ơn đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số đã nhận lời trả lời phỏng vấn của Cổng Thông tin điện tử tỉnh!

Diệp Hương

 

Video tuyên truyền nông thôn mới
THÔNG TIN TRA CỨU

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1