Các cấp Hội Phụ nữ tổ chức đa dạng việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật
(sonla.gov.vn) Trong những năm qua, Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh chủ động chỉ đạo Hội LHPN các huyện, thành phố đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Tăng cường thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm gắn với triển khai thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc; phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, tăng cường đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật.
Song hành với các kế hoạch của tỉnh, Hội LHPN tỉnh cũng ban hành các kế hoạch triển khai công tác phòng, chống tội phạm; chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự, an toàn xã hội và phòng, chống tội phạm; triển khai thực hiện công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy; phòng, chống tội phạm; phòng, chống mua bán người; phòng, chống mại dâm; phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và phòng, chống tội phạm vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi. Chỉ đạo các cấp Hội phối hợp hướng dẫn cán bộ, hội viên phụ nữ vay vốn tại các ngân hàng và tổ chức tài chính tín dụng hợp pháp.
Các cấp Hội Phụ nữ tổ chức đa dạng việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật
Các cấp Hội Phụ nữ tích cực phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về công tác xóa đói giảm nghèo, các chính sách của Nhà nước về tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác; Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội và Kết luận 06-KL/TW ngày 10/6/2021. Triển khai các Chỉ thị, Nghị quyết về chính sách vay ưu đãi qua các chương trình cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác ... qua đó hội viên, phụ nữ và nhân dân trên địa bàn tỉnh hiểu đúng về mục đích, vai trò, ý nghĩa các chính sách ưu việt của chương trình tín dụng ưu đãi, từ đó sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình, tăng thu nhập, nâng cao mức sống và giảm nghèo bền vững. Đẩy mạnh các hoạt động giáo dục nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân; nâng cao cảnh giác về phương thức, thủ đoạn và hậu quả do “tín dụng đen”. Chỉ đạo các cấp Hội phối hợp hướng dẫn cán bộ, hội viên phụ nữ vay vốn tại các ngân hàng và tổ chức tài chính tín dụng hợp pháp. Tăng cường phối hợp giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật về hoạt động tín dụng nhằm đảm bảo cho hội viên, phụ nữ và người dân, đặc biệt là những đối tượng khó khăn được tiếp cận dịch vụ tài chính toàn diện.
Triển khai thực hiện Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025 định hướng đến năm 2030, các cấp Hội phụ nữ luôn chủ động phối hợp tổ chức tuyên truyền, đào tạo, hướng dẫn trực tiếp, online về giáo dục tài chính nhằm nâng cao hiểu biết, năng lực tài chính, khả năng tiếp cận giúp Phụ nữ có kiến thức, kỹ năng thái độ, hành vi trong việc lựa chọn, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính; quản lý tài chính cá nhân, hộ gia đình, một cách hiệu quả, hợp lý, an toàn. Nâng cao chất lượng tham gia đề xuất, giám sát việc thực hiện luật pháp chính sách về tài chính toàn diện có tác động đến Phụ nữ, các hộ nghèo, cận nghèo. Vận động tầm ảnh hưởng quan trọng của giáo dục tài chính trong nền kinh tế và chính sách an sinh xã hội của quốc gia.
Với mục đích nâng cao nhận thức, từng bước giúp hội viên phụ nữ hình thành thói quen tiết kiệm và phát huy tinh thần thương thân, tương ái trong cộng đồng dân cư. Phát huy nội lực, tạo lập nguồn vốn chủ động của Hội viên, phụ nữ trong phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, góp phần thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Từ năm 2012, Hội LHPN tỉnh Sơn La trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Trung ương Hội LHPN Việt Nam và tình tình thực tế tại địa phương đã triển khai các hoạt động vận động tiết kiệm tại chi, tổ hội trên cơ sở nâng cao chất lượng các loại hình tiết kiệm hiện có của Hội và xây dựng loại hình tiết kiệm mới phù hợp tại các cơ sở Hội, đến năm 2021 Chương trình tiếp tục triển khai gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với cách thức: Mỗi cán bộ Hội chuyên trách tiết kiệm ít nhất 1 ngày lương/tháng; mỗi hội viên, phụ nữ tối thiểu 5.000/hội viên/tháng. Việc vận động, sử dụng và quản lý nguồn tiết kiệm được thực hiện tại chi, tổ, đơn vị phụ nữ các cấp theo phương thức “Tự quản”; lãi suất vận động tiết kiệm, lãi suất cho vay đều do chi hội, tổ, nhóm, đơn vị thống nhất quy định nhưng không cao hơn lãi suất cho vay hộ nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội tại cùng thời điểm. Toàn tỉnh có trên 2.000 tổ tiết kiệm và vay vốn tại 12 huyện, thành phố với hơn 78.000 lượt thành viên tham gia. Đây là mô hình phát sinh từ chính nhu cầu thực tiễn và rất phù hợp với những địa bàn dân cư có điều kiện kinh tế khó khăn, đặc biệt vùng sâu vùng xa, dân tộc thiểu số với cách thức tổ chức quản lý đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện
Từ việc tham gia các mô hình, các chị em tăng cường sự gắn kết, được tập huấn, trao đổi kinh nghiệm, hợp tác, hỗ trợ nhau để phát huy nội lực, mạnh dạn, tự tin làm kinh tế, tích cực hơn khi tham gia các hoạt động xã hội. Chị em được tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật, kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt, tạo việc làm ổn định, từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong sản xuất, tổ chức cuộc sống gia đình theo hướng tích cực hơn, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức Hội Phụ nữ cơ sở. Trong đó, cần đa dạng hóa cách thức hỗ trợ mô hình sinh kế theo các hướng "phù hợp và có điều kiện"; đẩy nhanh tiến độ và triển khai hiệu quả các mô hình hỗ trợ sinh kế gắn với thay đổi "nếp nghĩ, cách làm", ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất và kết nối thị trường, xây dựng thương hiệu; nhân rộng các mô hình hiệu quả, phù hợp: nghiên cứu, đầu tư, hướng dẫn triển khai, nhận rộng các mô hình theo hướng cụ thể, phù hợp với đặc điểm đối tượng, vùng miền, tập quán sản xuất (ưu tiên các nhóm hỗ trợ mang tính phổ biến, đã có hiệu quả cao, dễ ứng dụng)... Qua đó, giúp Phụ nữ, đặc biệt là Phụ nữ dân tộc thiểu số, có thêm cơ hội việc làm, tăng thu nhập, từng bước cải thiện đời sống, góp phần nâng cao vị thế của phụ nữ, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, kinh tế, xã hội của địa phương.
Như Thuỷ