Công tác phòng chống tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh Sơn La
Trong những năm gần đây, tình hình mua bán người, mua bán trẻ em trên địa bàn tỉnh Sơn La xảy ra ngày càng nhiều. Tính chất, mức độ của tội phạm ngày càng phức tạp, nghiêm trọng, thủ đoạn phạm tội tinh vi. Đây là loại tội phạm nguy hiểm; xâm hại nghiêm trọng đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người; gây mất trật tự xã hội tại địa phương.

Năm 2014, trên địa bàn tỉnh Sơn La tình hình tội phạm mua bán người còn diễn biến phức tạp. Các lực lượng chức năng phát hiện 15 vụ, đã điều tra làm rõ 09 vụ, số nạn nhân bị mua bán là 12 trường hợp. Hiện đang tiến hành điều tra, xác minh 06 vụ việc có liên quan.

Phương thức, thủ đoạn của đối tượng phạm tội: liên lạc bằng điện thoại, hoặc tìm gặp trực tiếp những nạn nhân là phụ nữ, trẻ em là nguời dân tộc ít người, trình độ dân trí thấp, kém hiểu biết về xã hội để rủ rê, dụ dỗ, lừa gạt giả vờ yêu đương hứa hẹn sẽ lấy làm vợ, có việc làm, kiếm được nhiều tiền, sẽ có cuộc sống sung túc giàu có, làm cho nhiều phụ nữ, trẻ em nhẹ dạ, cả tin đi theo rồi đưa đến các tỉnh giáp biên giới Việt Nam – Trung Quốc (Lào Cai, Lạng Sơn) sau đó đưa sang Trung Quốc bán như một thứ hàng hóa; bị ép làm gái bán dâm, làm vợ, hoặc bóc lột sức lao động.

Trong thời gian qua một số nạn nhân bị buôn bán còn là nhưng người có học thức, có trình độ hiểu biết: như học sinh, sinh viên do ham chơi đua đòi đã bị các đối tượng dùng thủ đoạn kết bạn qua mạng Internet và các trang mạng xã hội như facebook, zalo…để làm quen, xin số điện thoại liên lạc với nhau. Các đối tượng dùng tên và địa chỉ giả vờ kết bạn, làm quen. Khi tạo được lòng tin, chúng rủ nạn nhân đi du lịch, đi tham quan mua sắm tại các tỉnh, thành phố có cửa khẩu, có đường biên giới với Trung Quốc sau đó thực hiện hành vi mua bán người.

Nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội Mua bán người, mua bán trẻ em xảy ra tại địa bàn tỉnh Sơn La chủ yếu là do lợi nhuận đem lại từ việc mua bán người, mua bán trẻ em. Đối tượng gây án chủ yếu là người ở nơi khác đến địa bàn tỉnh Sơn La câu kết với người địa phương thực hiện tội phạm; một số đối tượng trước đây là nạn nhân mua bán người sau khi quay trở về địa phương lợi dụng tìm người quen, anh em họ hàng để dụ dỗ lừa gạt; địa bàn gây án chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, những vùng mà cuộc sống của người dân rất khó khăn về kinh tế, văn hóa, xã hội…

Năm 2014, công tác phòng, chống tội phạm mua bán người đã được các Sở, ban ngành, UBND các cấp quan tâm chỉ đạo thực hiện, đã ban hành các văn bản chỉ đạo hướng dẫn triển khai thực hiện có hiệu quả. Tình hình tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh có chiều hướng giảm, nhưng hoạt động của bọn mua bán người còn nhiều diễn biến phức tạp, đối tượng hoạt động với những thủ đoạn hết sức tinh vi, xảo quyệt, có sự câu kết chặt chẽ giữa các đối tượng ở trong nước với các đối tượng ở Trung Quốc. Lực lượng Công an đã phối hợp với các Sở, ban ngành thành viên tăng cường công tác tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng mua bán người nhằm nâng cao nhận thức, tinh thần cảnh giác cho phụ nữ, trẻ em, nhất là phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa, vùng đông bào dân tộc thiểu số, giúp phụ nữ, trẻ em có kiến thức để tự bảo vệ mình và gia đình, kịp thời tố giác những hành vi vi phạm pháp luật của đối tượng mua bán người. Công an các huyện có đường biên giới với nước bạn Lào đã phối hợp với các đồn Biên phòng quảng lý chặt chẽ các cửa khẩu, các trạm kiểm soát các đường tiểu ngạch đi sang Lào. Khảo sát thống kê số phụ nữ, trẻ em vắng mặt lâu ngày ở địa phương không rõ lý do để tiến hành xác minh làm rõ.

Để thực hiện tốt công tác phòng chống tội phạm nói chung, cũng như phòng chống tội phạm mua bán người, mua bán trẻ em nói riêng, góp phần giữ vững trật tự trị an xã hội tại địa phương, thời gian tới, tỉnh Sơn La tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chính sách pháp luật của Nhà nước, quy định của Bộ luật hình sự; Hiệp định hợp tác phòng chống mua bán nguời và bảo vệ nạn nhân bị mua bán giữa Việt Nam-Lào, Việt Nam-Trung Quốc, Việt Nam-Campuchia; những phương thức, thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm mua bán người, mua bán trẻ em đến các khu dân cư, thôn bản nhất là những đối tượng phụ nữ, trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng giáp biên để nhân dân nhận biết, đề cao cảnh giác, tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm. Chính quyền địa phương cấp cơ sở nhất là cấp xã, tổ bản cần tăng cường công tác kiểm tra, quản lý chặt chẽ hộ tịch, hộ khẩu trên địa bàn…Phát động phong trào toàn dân tham gia phòng chống tội phạm, trong đó có tội phạm mua bán người, mua bán trẻ em. Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ, tạo việc làm cho những phụ nữ mà đời sống còn nhiều khó khăn ở các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.

Thanh Huyền

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Video tuyên truyền
THÔNG TIN TRA CỨU

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1