Phát triển sản phẩm OCOP nâng cao đời sống nông dân vùng cao
(sonla.gov.vn) Với tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng và sự đa dạng sinh học, tỉnh Sơn La đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm phát triển sản phẩm OCOP (Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”), tạo bước chuyển mình trong sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa chất lượng cao, từ đó nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân, đặc biệt là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Khơi dậy tiềm năng từ mỗi vùng quê

Thực hiện Chương trình OCOP, các địa phương trong tỉnh đã chủ động rà soát, đánh giá lợi thế sản phẩm đặc trưng của từng vùng, từ đó xây dựng kế hoạch phát triển phù hợp. Trong đó, huyện Mường La là một trong những điểm sáng, với cách làm bài bản, sát thực tế. Huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với các xã, HTX nông nghiệp tổ chức kiểm tra, đánh giá thực tế, từ đó định hướng cho người dân chủ động đăng ký tham gia chương trình OCOP.

Không chỉ dừng lại ở khâu sản xuất, huyện Mường La còn hỗ trợ các chủ thể xây dựng và hoàn thiện hồ sơ sản phẩm OCOP; đăng ký nhãn hiệu, mã vạch, truy xuất nguồn gốc, xây dựng website giới thiệu sản phẩm; thiết kế bao bì, tem nhãn và đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.

Đến nay, Mường La đã có 14 sản phẩm OCOP, trong đó có 12 sản phẩm đạt 3 sao và 2 sản phẩm đạt 4 sao. Một trong những sản phẩm nổi bật là Táo đại Hưng Thịnh của HTX Hưng Thịnh (xã Mường Bú). Với 50 ha Táo đạt tiêu chuẩn VietGAP, năng suất bình quân 15 tấn/ha, sản phẩm táo của HTX được tiêu thụ mạnh tại các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch trong và ngoài tỉnh, mỗi ngày cung cấp ra thị trường khoảng 1 tấn Táo, giá bán dao động từ 15.000 - 50.000 đồng/kg. Thành công của HTX không chỉ mang lại nguồn thu ổn định cho các thành viên mà còn tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động địa phương.

Từ nông sản truyền thống đến sản phẩm đặc sản OCOP

Không chỉ Mường La, nhiều huyện khác cũng đã phát huy thế mạnh bản địa để tạo ra những sản phẩm OCOP mang đậm dấu ấn vùng miền. Tại huyện Yên Châu, cây tỏi một nhánh - một loại cây trồng truyền thống đã được “nâng tầm” thành sản phẩm tỏi đen với giá trị kinh tế cao. HTX Tây Bắc là đơn vị tiên phong nghiên cứu, chế tạo thành công máy ủ và sấy tỏi đen. Từ sản lượng ban đầu 1 tấn/năm (năm 2018), đến nay HTX đã mở rộng quy mô với 15 lò ủ, công suất 1,5 tấn/lần, sản xuất trung bình 45 tấn/năm, doanh thu đạt trên 10 tỷ đồng. 

anh tin bai
Sản phẩm tôi đen Yên Châu (Sơn La) được công nhận sản phẩm OCOP.

Ngoài tỏi đen, HTX còn phát triển thêm nhiều sản phẩm OCOP mới như tỏi đen ngâm mật ong, rượu tỏi đen, chè shan tuyết cổ thụ, hoa đu đủ đực sấy, chuối sấy khô, mận sấy dẻo… mang thương hiệu “Diệp Bách” từng bước khẳng định vị thế trên thị trường và góp phần làm phong phú thêm các sản phẩm OCOP của tỉnh Sơn La.

Từng bước nâng cao thu nhập và đời sống người dân

Tính đến nay, toàn tỉnh Sơn La có hơn 200 sản phẩm nông nghiệp có tiềm năng phát triển thành sản phẩm OCOP, thuộc 5 nhóm chính: Thực phẩm; đồ uống; thảo dược; lưu niệm; dịch vụ, du lịch nông thôn. Những sản phẩm này không chỉ mang đậm bản sắc văn hóa vùng cao mà còn có giá trị kinh tế và thương mại cao.

Thông qua chương trình OCOP, nhiều HTX, doanh nghiệp nhỏ và hộ sản xuất đã từng bước chuyên nghiệp hóa từ khâu tổ chức sản xuất đến chế biến, đóng gói, xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ. Đây cũng chính là chìa khóa quan trọng giúp người nông dân Sơn La nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế bền vững và góp phần xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại.

Quốc Tuấn

 

Video tuyên truyền
THÔNG TIN TRA CỨU

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1