Nhà Cách mạng, liệt sĩ Tô Hiệu

Đồng chí Tô Hiệu sinh năm 1912 tại xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc tỉnh Hưng Yên). Là con trai út trong một gia đình nhà nho nghèo có truyền thống yêu nước, ông giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng từ khi còn nhỏ (14 tuổi).

Năm 1927, đồng chí lên Hà Nội ở với người anh cả là Tô Tu. Tại đây, đồng chí vừa đi học, vừa tham gia các hoạt động cách mạng trong các tổ chức yêu nước. Cuối năm 1929, Tô Hiệu vào Sài Gòn hoạt động với anh trai là Tô Chấn. Hai anh em bị bắt trong một cuộc họp và bị đầy ra nhà tù Côn Đảo. Tại nhà tù Côn Đảo, Tô Hiệu bị thực dân Pháp giam cầm và tra tấn rất dã man. Đồng chí tham gia tổ chức vượt ngục nhưng không thành và bị địch phạt giam ở hầm xay lúa cùng với đồng chí Tôn Đức Thắng. Chế độ nhà tù hà khắc đã làm Tô Hiệu bị lao phổi nặng, dù vậy đồng chí vẫn kiên cường tham gia đấu tranh và tiếp tục học tập lý luận cách mạng. Đồng chí được chi bộ Nhà tù Côn Đảo bồi dưỡng trở thành Đảng viên ưu tú, giàu nhiệt huyết, có bản lĩnh chính trị vững vàng.

Nhà Cách mạng, liệt sĩ Tô Hiệu

Năm 1934, đồng chí mãn hạn tù trở về quê hương. Mặc dù bị quản thúc chặt chẽ, nhưng đồng chí vẫn tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng tại Hà Nội, Hưng Yên, Hải Phòng; tham gia lãnh đạo phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương và được bầu vào Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ.

Trong hai năm 1936 - 1937, đồng chí tham gia chỉ đạo phong trào cách mạng tại Hà Nội và một số tỉnh khác.

Tháng 2/1939, được Trung ương phân công về phụ trách Liên khu B (bao gồm các tỉnh miền duyên hải Bắc Bộ và Hải Dương, Hưng Yên), trực tiếp làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng, đồng chí Tô Hiệu đã tích cực chỉ đạo, đưa phong trào cách mạng ở đây lên cao, gây tiếng vang lớn trong nước. 

Ngày 01/12/1939, tại xóm thợ Thượng Lý (Hải Phòng), đồng chí bị địch bắt và bị giam tại nhà tù Hải Phòng, nhà tù Hỏa Lò rồi bị kết án 5 năm khổ sai và bị đày lên nhà tù Sơn La vào cuối năm 1940.

Con người cộng sản của Tô Hiệu càng tôi luyện và thể hiện nổi bật trong 4 năm bị giam cầm ở Nhà tù Sơn La, tên tuổi của đồng chí được gắn liền với chi bộ nhà tù. Tại đây, đồng chí bị thực dân Pháp coi là nhân vật cực kỳ nguy hiểm, lấy cớ đồng chí bị lao phổi nặng nên biệt giam ở xà lim hình tam giác, diện tích chưa đầy 4m2 và cách ly hoàn toàn với các tù nhân khác. Mặc dù trong hoàn cảnh đó, nhưng kinh nghiệm hoạt động cách mạng và từng trải qua các lao tù, đồng chí đã tìm cách liên lạc với các tù nhân chính trị và tham gia lãnh đạo đấu tranh. Đồng chí đã cùng các đồng chí: Nguyễn Lương Bằng, Trần Huy Liệu và một số đồng chí khác thành lập chi bộ nhà tù để đưa ra đường lối và nhiệm vụ cụ thể lãnh đạo hoạt động của tù nhân chống lại chế độ nhà tù hà khắc, bảo toàn lực lượng cách mạng.

Tháng 5/1940, đồng chí được làm Bí thư Chi bộ Nhà tù Sơn La. Nhưng vì sức khỏe yếu, đến tháng 10/1941, đồng chí Trần Huy Liệu thay giữ chức Bí thư Chi bộ nhà tù. Trong cuốn “Tinh thần Tô Hiệu” Đại Tướng Văn Tiến Dũng người bạn tù của Tô Hiệu kể lại: Tuy thể xác bị bệnh lao phổi tàn phá, nhưng đồng chí vẫn vượt lên bệnh tật, tổ chức công tác tuyên truyền cách mạng. Biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng, mở các lớp học văn hóa, chính trị, quân sự, bồi dưỡng giảng viên, hướng dẫn các cuộc đấu tranh. Tinh thần hi sinh tận tụy vì Đảng, vì dân của anh có sức cuốn hút, thuyết phục, cảm hóa rất lớn. Đồng chí là người thầy, người anh được mọi người tin yêu cảm phục.

Có thể nói, Tô Hiệu chính là linh hồn của Chi bộ Nhà tù Sơn La. Từ khi chi bộ ra đời, các hoạt dộng cách mạng trong nhà tù đã có sự lãnh đạo tập trung, thống nhất, có phương hướng rõ ràng, có tổ chức và phương pháp lãnh đạo đúng đắn. Vì thế, đời sống của tù nhân được cải thiện rõ rệt, tổ chức được nhiều cuộc đấu tranh thắng lợi. Tuyên truyền cho binh lính và đồng bào địa phương hiểu về người cộng sản, từ đó yêu quý và bảo vệ những người cộng sản, bồi dưỡng nhiều cán bộ cho Đảng, đóng góp gieo mầm phong trào cách mạng cho tỉnh Sơn La. Đồng chí Nguyễn Văn Trân cựu tù chính trị tại Nhà tù Sơn La kể lại: Những thành công to lớn của Chi bộ Nhà tù Sơn La có sự đóng góp công đầu của đồng chí Tô Hiệu. Với bản lĩnh chính trị kiên cường, tinh thần trách nhiệm cao, rất nhạy cảm với cái đúng, cái sai, giải quyết công việc thận trong, chính xác, phẩm chất trong sáng, chí công vô tư, tận tụy hy sinh vì cách mạng. Đồng chí Tô Hiệu đúng là người con cộng sản mẫu mực, người lãnh đạo xuất sắc hiếm có.

Biết không thể qua khỏi vì lâm trọng bệnh, nhưng ông vẫn cố gắng, một tay ôm ngực một tay viết tài liệu huấn luyện cho Chi bộ Nhà tù, đồng chí nói với anh em: Mình biết chắc sẽ chết sớm hơn mọi người. Vì vậy, mình phải tranh thủ thời gian để chiến đấu, phục vụ cho Đảng, cho cách mạng.

Chế độ lao tù hà khắc của thực dân Pháp và bệnh tật hiểm nghèo đã cướp đi sinh mạng đồng chí Tô Hiệu. Ngày 07/3/1944, đồng chí đã trút hơi thở cuối cùng tại Nhà tù Sơn La khi mới 32 tuổi. Sự ra đi của đồng chí là mất mát lớn, tổn thất nặng nề cho Chi bộ Nhà tù Sơn La và phong trào cách mạng Việt Nam. Đồng chí mất đi để lại niềm tiếc thương vô hạn, sự khâm phục kính trọng của những đồng chí, bạn tù và đồng bào các dân tộc Sơn La. Cuộc đời tuy ngắn ngủi với 18 năm hoạt động cách mạng, nhưng những cống hiến của ông cho phong trào cách mạng Việt Nam nói chung và phong trào cách mạng tại Sơn La nói riêng thì thật là to lớn.

Đại tướng Nguyễn Văn Dũng đã nói: Trong số trăm ngàn liệt sĩ đã hi sinh vì nước, vì dân, đồng chí Tô Hiệu nổi lên như một người mà chính sách khủng bố cực kỳ dã man của kẻ thù thực dân, đế quốc chẳng những không đè bẹp được ý chí cách mạng mà trái lại, nó trở lên như một thứ lửa vàng, hun đúc để trở thành gang thép.

Đồng chí Tô Hiệu mất đi, nhưng tấm gương về tinh thần và ý chí cách mạng vẫn chói sáng. Trong vách tường đá của nhà tù, cây đào mang tên Tô Hiệu vẫn mãi xanh tươi, đó là biểu tượng cho tinh thần bất khuất của những người tù cộng sản, cho sức sống mãnh liệt của cách mạng Việt Nam. Đó cũng là lời nhắc nhở hậu thế rằng: mùa xuân nhân loại, chủ nghĩa cộng sản nhất định sẽ ra hoa kết trái trên đất nước Việt Nam thân yêu. Để ghi nhớ công lao to lớn của đồng chí, sau khi cách mạng thành công, nhiều địa danh tại Sơn La cũng như trong nước được mang tên người anh hùng liệt sĩ Tô Hiệu./.

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Video tuyên truyền
THÔNG TIN TRA CỨU

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1