Ngày 02/12/2003 Chính phủ ban hành Nghị định số 148/2003/NĐ-CP tách 146.84 ha diện tích tự nhiên và 31.467 nhân khẩu của huyện Sông Mã thành lập huyện Sốp Cộp.
Tháp Mường Và di tích tại huyện Sốp Cộp.
Sốp Cộp là huyện vùng cao, biên giới, nằm về phía tây nam của tỉnh Sơn La. Tọa độ địa lý điểm trung tâm từ 20°52’46” độ vĩ bắc đến 103°30’38” độ kinh đông. Phía bắc giáp huyện Sông Mã, phía nam và phía đông giáp tỉnh Hủa Phăn và tỉnh Luông Pha Băng của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, phía tây giáp huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên.
Huyện Sốp Cộp có 4 xã biên giới: Mường Lèo, Nậm Lạnh, Mường Và, Mường Lạn; có đường biên giới tiếp giáp với 3 huyện: Mường Ét, Mường Son (tỉnh Hủa Phăn), Phôn Thoong (tỉnh Luông Pha Băng) của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, với chiều dài 124.895km, do vậy Sốp Cộp có vị trí đặc biệt về an ninh, quốc phòng và đối ngoại. Trên địa bàn huyện có 50 mốc quốc giới, trong đó có 11 mốc trung và 39 mốc tiểu.
Từ trung tâm huyện Sốp Cộp (xã Sốp Cộp) đi theo tỉnh lộ 105 đến thị trấn Sông Mã 30 km; từ thị trấn Sông Mã đi theo quốc lộ 4G đến thành phố Sơn La 100 km. Từ Sốp Cộp đến trung tâm thành phố Hà Nội 455 km.
Năm 2014, dân số của huyện là 44.548 người. Thành phần dân tộc chủ yếu gồm: dân tộc Thái chiếm 62,2%; dân tộc Mông chiếm 17,8%; dân tộc Lào chiếm 11,3%; dân tộc Khơ Mú chiếm 6,1%; dân tộc Kinh và các dân tộc khác chiếm 2,6%.
Huyện Sốp Cộp từ khi thành lập đến nay có 8 xã với 128 bản. Trung tâm hành chính của huyện đóng tại xã Sốp Cộp. Các xã gồm: Dồm Cang, Mường Lạn, Mường Lèo, Mường Và, Nậm Lạnh, Púng Bánh, Sam Kha và Sốp Cộp (huyện lỵ).
Đất đai Sốp Cộp tương đối màu mỡ, phù hợp với nhiều loại cây trồng khác nhau, thuận lợi cho phát triển chăn nuôi đại gia súc, tuy vậy phần lớn là có độ dốc lớn, dễ bị xói mòn, nguy cơ thoái hóa cao. Về mùa khô, nguồn nước cạn kiệt nhiều nơi, gây khó khăn cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Độ che phủ rừng năm 2014 đạt 50,2.
Huyện Sốp Cộp có địa hình chia cắt mạnh, khá phức tạp. Các dãy núi cao nằm ở các xã: Sam Kha, Mường Lèo, Nậm Lạnh. Vùng núi thấp ở các xã: Sốp Cộp, Dồm Cang, Púng Bánh, Mường Và, Mường Lạn. Các dãy núi dài và đứt gãy chạy theo hướng tây bắc - đông nam tạo ra các tiểu vùng có đặc điểm địa hình, khí hậu, đất đai, nguồn nước tương đối đa dạng phù hợp để phát triển kinh tế hàng hóa đáp ứng yêu cầu của thị trường, đặc biệt là phát triển rừng và chăn nuôi đại gia súc.
Chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới gió mùa. Mùa hè nóng trùng với mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 10, lượng mua các tháng này chiếm 85 - 90% lượng mưa cả năm, tập trung nhiều nhất vào tháng 6, 7, 8, cường độ lớn thường gây ra lũ quét xói mòn, rửa trôi đất. Mùa đông lạnh và khô từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau, thường ít mưa, lượng bốc hơi nước lớn gây khô hạn, thiếu nước cho sản xuất và sinh hoạt. Nhiệt độ trung bình trong năm 22,7°C; độ ẩm trung bình 81%/năm; số giờ nắng trung bình 1.954 giờ/năm; lượng bốc hơi bình quân 880 mm/năm; lượng mưa trung bình 1.251,1 mm/năm và số ngày mưa trung bình 168 ngày/năm. Gió theo 2 hướng gió chính: gió mùa đông nam, tây nam kéo dài từ tháng 4 đến tháng 10; gió mùa đông bắc kéo dài từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau.
Do địa hình dốc, các suối trên địa bàn có nhiều tiềm năng thủy điện, nhất là thủy điện nhỏ phục vụ sinh hoạt đời sống. Việc khai thác nguồn suối phục vụ sản xuất có nhiều hạn chế vì mực nước suối có độ chênh tương đối lớn so với vùng sản xuất.
Diện tích đất lâm nghiệp của huyện 74.339,60 ha, chiếm 50,45% tổng diện tích tự nhiên, có tiềm năng phát triển lâm nghiệp với hệ thống rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng kinh tế. Tài nguyên rừng khá phong phú, có nhiều nguồn gen động, thực vật quý hiếm.
Độ che phủ của rừng chiếm 50,2% tổng diện tích tự nhiên. Thực vật rất phong phú, có nhiều loài cây quý hiếm như: Cà ổi Sapa, cà ổi gai chông, các loài dẻ gai, dẻ phảng, hà nu, vạng trứng, si, lòng mang, ngát, nhọc trái khớp thuôn, sao mặt quỷ, gáo, bồ an, hột, chay lá to, hồng rừng, thàn mát quả thắt, mỡ…
Theo Địa Chí Sơn La xuất bản năm 2020