Những mô hình thắm tình quân dân
Đóng chân trên địa bàn huyện Sốp Cộp, 20 năm qua, cán bộ, nhân viên, trí thức trẻ tình nguyện Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 326 Quân khu 2 luôn chung sức, đồng lòng cùng cấp ủy, chính quyền địa phương giúp đồng bào các dân tộc từng bước xóa đói, giảm nghèo, làm thay đổi rõ rệt một vùng biên cương.

Sốp Cộp là một trong những huyện biên giới nghèo của tỉnh Sơn La, những năm trước đây kinh tế của người dân quanh năm chỉ phụ thuộc vào nông nghiệp tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa diễn ra thường xuyên. Cái đói, cái nghèo cứ bám theo những người nông dân ấy, cái khó ló cái khôn các cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế Quốc phòng 326 đã mạnh dạn đầu tư, hướng dẫn, hỗ trợ nhân dân xây dựng hàng trăm mô hình phát triển kinh tế như mô hình: Nuôi trâu bò nhốt chuồng, thả cá, trồng cam, phát triển cây dược liệu… hỗ trợ vật tư, cây, con giống chuyển dịch cơ cấu cây trồng cho năng suất, chất lượng cao. Cùng với đó Đoàn cũng đã tích cực kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào các chương trình sản xuất và tiến hành bao tiêu sản phẩm giúp người dân từng bước ổn định, vươn lên thoát nghèo.

Cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế Quốc phòng 326 hướng dẫn nhân dân chăm sóc cây trồng.

Không có nhiều đất, anh Khoa từng có thời gian phải đi làm công nhân dưới xuôi, nhưng do dịch bệnh lại cộng thêm không có tay nghề khiến anh cũng chẳng bám trụ được lâu.  Năm 2021 sau anh Khoa trở về địa phương được các chiến sĩ Đoàn Kinh tế Quốc phòng 326 tuyên truyền định hướng cho gia đình anh sử dụng diện tích đất ít ỏi của mình tiến hành đào ao, thả cá giống, bước đầu đã cho hiệu quả kinh tế, tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.

Anh Mòng Văn Khoa, bản Bánh Han xã Nậm Lạnh, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La cho biết: “Sau khi trở về địa phương được sự quan tâm tư vấn của các anh trên Đội, em về đào ao thả cá cũng được bên Đoàn hỗ trợ cá giống. Em vừa thu 2 cái áo thu nhập được 17 – 18 triệu, cuộc sống cũng đã ổn định. Cảm ơn các anh bên đội bên Đoàn hỗ trợ”.

Ngay đầu bản Phổng Mới là mô hình của gia ông Đoàn là hộ nghèo được đầu tư xây dựng từ 2 năm nay. Từ một quả đồi lâu nay vốn chỉ bỏ hoang, năm 2019, Đoàn Kinh tế Quốc phòng 326 đã hỗ trợ gia đình ông Đoàn hơn 2.000 giống cây Xoan đào cùng với đó là tiến hành đào hố trồng cây, tập huấn kỹ thuật chăm sóc đến nay cây Xoan đào sinh trưởng và phát triển tốt hứa hẹn sẽ đem lại nguồn thu nhập cho gia đình.

Ông Quàng Văn Đoàn, bản Phổng Mới xã Nậm Lạnh, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La phấn khởi nói: “Tôi thấy trước đây nhiều gia đình ở xã Nậm Lạnh trồng xoan đào thì cứ tính thương lái đến mua khoảng 7 – 8 năm thu hoạch, tính trung bình mỗi cây 1 triệu. Gia đình trồng được 2.500 cây. Mỗi cây 1 triệu tôi thấy thu hoạch cũng được nhiều tiền tôi mới quyết định trồng xoan đào này kết hợp với Đoàn Kinh tế Quốc phòng 326”.

Máy bơm nước giúp đảm bảo nguồn nước tưới cho cây trồng.

Khó khăn lớn nhất của nhân dân vùng biên là nguồn nước tưới, do địa hình dốc khan hiếm nguồn nước nên nhiều diện tích đất chỉ canh tác được 1 vụ rồi lại bỏ không. Thấu hiểu nỗi khó khăn ấy Đoàn Kinh tế Quốc phòng 326 đã hỗ trợ lắp đặt cho một số hộ dân máy bơm nước tự động, hỗ trợ nhân dân chuyển đổi mô hình kinh tế, đầu tư trồng các loại cây ăn quả có giá trị cao. Nhờ có nguồn nước quanh năm mà nhiều hộ dân đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Ông Lò Văn Chiến, Bản Hin Cáp, xã Mường Và, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La chia sẻ: “Trước đây nguồn nước khan hiếm, bây giờ nước nôi thoải mái, trồng cây được. Gia đình rất vui vẻ và cảm ơn Đoàn 326 đến giúp cái máy bơm này cách đây hơn 3 năm rồi thì mới trồng cây được”.

Đại tá Vũ Hồng Mạnh, Đoàn trưởng, Đoàn Kinh tế Quốc phòng 326 Quân khu 2 nói: “Trong thời gian vừa qua Đoàn đã tổ chức cho Đội sản xuất xuống thực hiện các mô hình, đồng thời liên kết với các hộ dân khi mà các mô hình phát triển tốt và có lãi thì tiếp tục nhân rộng ra các gia đình khác. Trong thời gian qua Đoàn đã triển khai đồng bộ bằng các nội lực của cán bộ chiến sĩ của Đoàn. Các mô hình được nhân dân rất ủng hộ được địa phương cử các đơn vị đến tham quan, bà con cũng đến tham quan học hỏi từ đó về áp dụng vào địa phương, các hộ gia đình áp dụng với gia đình đem lại hiệu quả kinh tế cao”.

Với phương châm “3 bám, 4 cùng” hình ảnh những người lính luôn sát dân, sát cơ sở tích cực chăm lo đời sống  xã hội cho nhân dân đã đi sâu vào quần chúng tạo tiền đề để người dân vùng biên yên tâm bám trụ nơi biên giới, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn trong vùng dự án.

Lê Hồng

Video tuyên truyền nông thôn mới
THÔNG TIN TRA CỨU

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1