Hội thảo khoa học “Nghiên cứu ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ xây dựng mô hình thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng, rải vụ thu hoạch trong sản xuất Na tại Sơn La”
Ngày 08/5/2022, tại xã Yên Sơn, huyện Yên Châu, trường Cao đẳng Sơn La tổ chức Hội thảo khoa học “Nghiên cứu ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ xây dựng mô hình thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng, rải vụ thu hoạch trong sản xuất Na tại Sơn La”. Tham dự hội thảo có ông Lưu Bình Khiêm - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ; Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Trồng trọt và BVTV, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Yên Châu và các Hợp tác xã trên địa bàn xã Yên Sơn.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Đề tài Nghiên cứu ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ xây dựng mô hình thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng, rải vụ thu hoạch trong sản xuất Na tại Sơn La do trường Cao đẳng Sơn La chủ trì, thạc sĩ Đỗ Thị Minh Hải làm chủ nhiệm được triển khai từ tháng 6/2019, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng quả Na thông qua việc ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ, đồng thời phát huy tiềm năng thế mạnh của mỗi địa phương hình thành vùng trồng na tập trung chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường, mang lại giá trị kinh tế cho người dân. Sau gần 3 năm thực hiện, đề tài đã xây dựng được 01 mô hình ghép cải tạo vườn na già cỗi năng suất thấp bằng giống na mới (na Hoàng Hậu) với diện tích 01 ha tại huyện Mai Sơn; Xây dựng được mô hình trồng mới giống na dai tại 03 huyện (huyện Mai Sơn, huyện Mộc Châu, huyện Yên Châu) với diện tích 03 ha; Tiến hành nghiên cứu ảnh hưởng của các biện pháp cắt tỉa, cưa đốn, bón phân, thụ phấn đến năng suất, chất lượng, khả năng rải vụ Na; Xây dựng quy trình thâm canh na áp dụng các biện pháp kỹ thuật tổng hợp nâng cao năng suất, chất lượng, rải vụ thu hoạch. Qua theo dõi các mô hình cho thấy: Đối với giống na Hoàng Hậu sau ghép 3 năm, cây có khả năng kháng bệnh tốt, ít bị ảnh hưởng bởi sâu bệnh. Quả to (trung bình 0,6 - 1,2 kg) vị ngọt thanh, ít hạt hoặc không hạt. Thịt quả dai, ít bị nứt vỡ khi chín nên thu hoạch và vận chuyển thuận lợi hơn các giống na truyền thống như na dai, na bở. Cây ghép ổn định. Các mô hình trồng giống na dai tại 3 huyện Mai Sơn, Mộc Châu, Yên Châu đều sinh trưởng, phát triển tốt. Cây trồng được cả trên đất xấu nhưng đất cần thoát nước tốt. Cây chịu được nóng, chịu rét tốt. Ưu điểm của cây na dai ra hoa quả nhanh nhất trong số những cây ăn quả lâu năm trồng bằng hạt, khoảng năm thứ 2 là cho ra hoa và quả.

Tại hội thảo, đại diện xã Yên Sơn và một số hợp tác xã tham luận về tình hình phát triển cây ăn quả trên địa bàn xã, những kinh nghiệm trồng các loại cây ăn quả, đặc biệt là việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng cây Na tại địa phương.

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Lưu Bình Khiêm đánh giá cao những kết quả nghiên cứu của đề tài, đồng chí yêu cầu quá trình triển khai thực hiện trồng các giống na người dân cần quan tâm đến thời vụ, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ sâu bệnh gây hại đảm bảo theo đúng quy định và danh mục cho phép. Trong quá trình chuyển giao, nhóm thực hiện đề tài hướng dẫn cụ thể biện pháp kỹ thuật tổng hợp từ khâu chọn giống đến trồng, chăm sóc, tỉa cành, thụ phấn cho cây. Đối với các xã tiến hành khảo sát điều kiện về đất đai, thổ nhưỡng khí hậu phù hợp với cây na để mở rộng diện tích vùng sản xuất na tập trung, nâng cao năng suất, chất lượng hướng tới xây dựng thành công thương hiệu Na của tỉnh Sơn La trong thời gian tới.

Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu đã đi tham quan một số mô hình trồng na dai, giống na sầu riêng, mô hình ghép Na Hoàng Hậu tại bản Mế Lếch, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn và bản Bó Phương, xã Yên Sơn, huyện Yên Châu. Đồng thời, nhóm nghiên cứu đề tài tổ chức tập huấn hướng dẫn người dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc, bón phân cho cây na, đặc biệt là kỹ thuật thụ phấn và phòng trừ sâu bệnh hại để tăng tỷ lệ đậu quả cũng như năng suất chất lượng, mẫu mã sản phẩm na.

Các đại biểu tham quan mô hình trồng Na tại hợp tác xã Mé Lếch, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn.

Các đại biểu tham quan mô hình trồng mới giống Na tại hộ gia đình ông Nguyễn Văn Sơn, bản Bó Phương, xã Yên Sơn, huyện Yên Châu.

Nhóm nghiên cứu đề tài hướng dẫn kỹ thuật tỉa cành, thụ phấn cho cây na

                                                                           Ánh Nguyệt - Lê Luyến (Sở KH & CN)

Video tuyên truyền nông thôn mới
THÔNG TIN TRA CỨU

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1