Vai trò của đội ngũ trí thức trong phát triển khoa học công nghệ của tỉnh
Nhằm phát huy vai trò của đội ngũ nữ trí thức, các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Sơn La đã có nhiều chủ trương, chính sách để hỗ trợ, động viên và khuyến khích đội ngũ này không ngừng vươn lên đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời kỳ cách mạng khoa học công nghệ (KH&CN) hiện đại. Cùng với sự phát triển của tỉnh, đội ngũ nữ trí thức đã tăng cả về số lượng và chất lượng, đóng góp tích cực vào việc xây dựng những công trình nghiên cứu khoa học và từng bước nâng cao trình độ KH&CN của tỉnh.

Tỉnh Sơn La luôn quan tâm động viên, khuyến khích đội ngũ trí thức phát triển NCKH.

Trí thức, với tư cách là một tầng lớp xã hội đặc biệt, có một vị trí và vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại. Khi khoa học và công nghệ ngày càng trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp thì vai trò của đội ngũ trí thức trong sự phát triển của toàn xã hội ngày càng trở nên quan trọng. Đội ngũ trí thức Sơn La hoạt động trong tất cả các lĩnh vực: giữ các cương vị lãnh đạo, quản lý chủ chốt; nghiên cứu tham mưu; hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ… trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, quân đội, công an, đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng, đơn vị sự nghiệp ở cấp tỉnh, cấp huyện, trong các doanh nghiệp, một bộ phận ở cấp xã và đội ngũ trí thức hoạt động ngoài công lập.

Hiện nay, đội ngũ trí thức toàn tỉnh có khoảng 57.680 người; trong đó: Trí thức là cán bộ, công chức và viên chức 34.708 (Chiếm 60,1%), Trí thức làm việc trong các doanh nghiệp, các tổ chức ngoài Nhà nước khoảng 22.972 người (Chiếm 39,9%). Toàn tỉnh có khoảng 34.630 trí thức có trình độ đại học và trên đại học; trong đó: Phó Giáo sư 05 người (tăng 01 so với năm 2020), tiến sỹ 129 người (tăng 17 người so với năm 2020); Bác sỹ chuyên khoa II là 46 người (tăng 01 so với năm 2020); thạc sỹ khoảng 1.330 người; chuyên khoa I khoảng 270 người. Đội ngũ trí thức giữ các cương vị lãnh đạo đã phát huy tốt vai trò nòng cốt trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tạo các bước đột phá về nhiều mặt trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đội ngũ trí thức là cán bộ, công chức, viên chức về cơ bản đáp ứng được các yêu cầu nhiệm vụ, tích cực tham mưu và thực hiện các chủ trương, cơ chế, chính sách phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của địa phương. Nhiều trí thức trẻ thể hiện tính năng động sáng tạo, thích ứng nhanh với kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Đội ngũ trí thức trong lĩnh vực KH&CN thường xuyên quan tâm học tập, nâng cao trình độ mọi mặt, đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Đội ngũ trí thức làm nòng cốt chủ trì các hoạt động nghiên cứu khoa học phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các nhiệm vụ KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã góp phần cung cấp cơ sở khoa học cho việc xây dựng và nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị các sản phẩm nông sản chủ lực, phục vụ chương trình phát triển cây ăn quả trên đất dốc và chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Các nhiệm vụ trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn đã tập trung xây dựng luận cứ khoa học cho các nghị quyết của các cấp ủy đảng, cung cấp cơ sở khoa học cho việc đề ra các chủ trương, chính sách và điều chỉnh chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của chính quyền các cấp, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Đội ngũ trí thức trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, giáo dục, y tế, an ninh quốc phòng không ngừng phấn đấu vươn lên, có nhiều đóng góp quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Hằng năm đội ngũ trí thức đã tích cực nghiên cứu đóng góp cho tỉnh hàng trăm ý tưởng, sáng kiến, đề tài được áp dụng vào thực tiễn đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội tốt. Tính từ tháng 10/2020 đến nay đội ngũ trí thức tỉnh đã và đang  triển khai thực hiện 55 nhiệm vụ khoa học và công nghệ, trong đó có 47 nhiệm vụ chuyển tiếp từ năm 2020 sang, 08 nhiệm vụ mới; có thêm 03 sản phẩm nông sản được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ, cụ thể: 3 chỉ dẫn địa lý (chè Shan tuyết Mộc Châu; quả xoài tròn của huyện Yên Châu; cà phê Sơn La) nâng tổng số sản phẩm được bảo hộ là 24; có 51 công trình, giải pháp được công nhận sáng kiến cấp tỉnh (trong đó có 06 công trình, giải pháp đạt giải Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật cấp tỉnh năm 2020 được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đề nghị đặc cách công nhận). Các sáng kiến đã trực tiếp góp phần cải tiến kỹ thuật, nâng cao hiệu quả, trong công tác quản lý, giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe, tăng năng suất lao động sản xuất và đời sống nhân dân.

Lê Hồng

Video tuyên truyền nông thôn mới
THÔNG TIN TRA CỨU

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1