Hiệu quả từ chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn
Thực hiện Kế hoạch số 05/KH-UBND ngày 08/01/2016 của Ủy ban
nhân dân tỉnh Sơn La về triển khai thực hiện Nghị định số 55/2015/NĐ-CP
của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2016-2021. Những năm qua, hệ thống ngân hàng luôn quan tâm đến công tác huy động vốn để đầu tư cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn. Nguồn vốn cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chủ yếu từ nguồn vốn huy động tại chỗ thông qua các hình thức huy động tiền gửi tiết kiệm từ dân cư, nguồn tiền nhàn rỗi từ các tổ chức và phát hành giấy tờ có giá.
Ngồn vốn vay của các tổ chức tín dụng giúp cho hộ sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển mở rộng sản xuất.
Nguồn vốn huy động tại chỗ giai đoạn 2016-2021 tăng trưởng tương đối tốt, cơ bản đáp ứng được nhu cầu cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn. Tới 30/9/2021, tổng nguồn vốn huy động tại địa phương đạt 24.883 tỷ đồng, so với 31/12/2015 tăng 13.827 tỷ đồng, tương đương tăng 125,07%.
Đối với cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, lũy kế từ tháng 01/2016 đến hết tháng 9/2021 tổng doanh số cho đạt 131.263 tỷ đồng. Tới 30/9/2021, dư nợ tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn đạt 24.555 tỷ đồng, chiếm 65,46% tổng dư nợ nền kinh tế, so với cuối năm 2015 gấp 4,5 lần. Tổng số lượt khách hàng vay vốn từ năm 2016 đến năm 2021 theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP đạt gần 200.000 lượt khách hàng; số khách hàng còn dư nợ tới 30/9/2021 là 58.304 khách hàng, trong đó khách hàng là cá nhân, hộ gia đình, hộ kinh doanh là 58.030 khách hàng, khách hàng doanh nghiệp là 264 khách hàng. Các khoản cho vay ngắn hạn để phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP đều được hưởng chính sách ưu đãi về lãi suất thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên (Phát triển nông nghiệp, nông thôn; xu ất khau, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hô trợ và ứng dụng công nghệ cao) theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Dư nợ cho vay trên địa bàn chủ yếu đối với khách hàng là cá nhân, hộ gia đình và khách hàng doanh nghiệp; dư nợ cho vay hợp tác xã và cho vay khác (tổ hợp tác, trang trại) đạt thấp, cụ thể: Dư nợ cho vay khách hàng cá nhân, hộ gia đình, hộ kinh doanh đạt 18.116 tỷ đồng (chiếm 73,78% tổng dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn) với 58.304 khách hàng còn dư nợ; dư nợ cho vay khách hàng là doanh nghiệp đạt 6.409 tỷ đồng với 264 doanh nghiệp còn; dư nợ cho vay khách hàng là hợp tác xã, Liên minh hợp tác xã đạt 30 tỷ đồng với 10 hợp tác xã. Dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP tại địa bàn nông thôn đạt 17.461 tỷ đồng, chiếm 71,11% tổng dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn; dư nợ cho vay ngoài địa bàn nông thôn là 7.094 tỷ đồng, chiếm 28,89% tổng dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn.
Các tổ chức tín dụng thực hiện tốt công tác giám sát tình hình vay vốn của khách hàng, thực hiện đầy đủ các giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với các khách hàng vay vốn nhằm giúp khách hàng khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất, thực hiện trả được nợ cũ và nợ mới cho tổ chức tín dụng. Tại thời điểm 30/9/2021, các tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 125 khách hàng với tổng dư nợ được cơ cấu là 185 tỷ đồng, trong đó có 115 khách hàng cá nhân/hộ gia đình, 03 khách hàng chủ trang trại và 07 doanh nghiệp.
Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP cùng với các chính sách về tiền tệ, hoạt động tín dụng ngân hàng 5 năm qua đã góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế khá, cơ cấu nền kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư và hoàn thiện, Vốn tín dụng nông nghiệp nông thôn đã giúp người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã nâng cao trình độ sản xuất, năng lực kinh doanh, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, nâng cao hiệu quả và sản lượng sản xuất. Với nguồn vốn vay chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn theo Nghị định số 55/NĐ-CP, nhiều hộ sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp, hợp tác xã đã có điều kiện để đầu tư và nâng cấp nhà xưởng, tăng sản lượng lẫn chất lượng sản phẩm đầu ra kết hợp với các chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp liên kết theo chuỗi giá trị của tỉnh, sản phẩm nông sản Sơn La được người dân nhiều tỉnh thành trên cả nước biết đến và ưa chuộng, vừa làm tăng giá trị nông sản Sơn La vừa tăng nguồn thu cho người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn.
Lê Hồng