Tỉnh Sơn La phát triển toàn diện các loại cây trồng
Trên cơ sở tiềm năng sẵn có về đất đai, khí hậu; việc tập trung đẩy mạnh phát triển các loại cây lương thực có hạt, cây công nghiệp và cây ăn quả được coi là một lợi thế lớn của tỉnh Sơn La; qua đó góp phần quan trọng vào thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, giúp Sơn La vươn lên thoát nghèo nhanh và bền vững.

Bên cạnh việc tập trung phát triển cây công nghiệp và cây ăn quả thì cây lương thực cũng được chú trọng đầu tư nâng cao năng suất.

Trong những năm vừa qua, chương trình phát triển cây công nghiệp trên địa bàn tỉnh Sơn La được đẩy mạnh theo hướng mở rộng quy mô diện tích hợp lý ở những vùng có điều kiện; tập trung cho đầu tư thâm canh tăng năng suất, phát triển các vùng nguyên liệu có giá trị kinh tế cao, ổn định diện tích hiện có, cải tạo diện tích già cỗi, thay dần những giống mới có năng suất cao vào sản xuất, phát triển mở rộng diện tích hợp lý ở những vùng có điều kiện; nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ. Cây chè, cà phê, mía, cao su,…là những cây công nghiệp chủ lực của tỉnh Sơn La. Ước năm 2020 diện tích cây chè toàn tỉnh là 5.600 ha, tăng 32% so với năm 2016; sản lượng chè búp tươi ước đạt 47.388 tấn, tăng 22% so với năm 2016; diện tích cây cà phê đạt 17.887 ha, tăng 44% so với năm 2016; sản lượng cà phê nhân ước đạt 24.300 tấn, tăng 140% so với năm 2016; diện tích cây mía có trên 8.500 ha, tăng 43% so với năm 2016; sản lượng mía cây ước đạt 553.560 tấn, tăng 48% so với năm 2016; cây cao su 5.879 ha với khoảng 4.209 ha cho sản phẩm, sản lượng mủ ước đạt 3.380 tấn.

Đối với cây ăn quả, thực hiện chủ trương của tỉnh về chuyển đổi diện tích cây lương thực hiệu quả kinh tế thấp sang cây ăn quả đã khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của tỉnh tăng diện tích cây ăn quả, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung; giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống của nhân dân vùng nông thôn. Năm 2020, dự ước diện tích cây ăn quả và cây sơn tra toàn tỉnh đạt  80.515 ha, tăng 300% so với năm 2016, sản lượng quả các loại 278.110 tấn, tăng 159% so với năm 2016. Để việc phát triển cây ăn quả mang lại hiệu quả thiết thực, bền vững, tỉnh Sơn La đã chú trọng thực hiện tốt các hoạt động xây dựng thương hiệu nông sản; quảng bá, xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm... Kết quả, năm 2019 giá trị nông sản của tỉnh tham gia xuất khẩu ước đạt 140,16 triệu USD, chiếm 93,29% giá trị hàng hóa tham gia xuất khẩu.

Bên cạnh việc phát triển các loại cây ăn quả và cây công nghiệp thì cây lương thực có hạt đã và đang đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, tạo nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ nông dân trên địa tỉnh. Đồng thời, với mục tiêu phát triển sản xuất lương thực nhằm đảm bảo an ninh lương thực và sản xuất hàng hóa, đẩy mạnh thâm canh, tăng vụ, sử dụng giống mới có năng suất, chất lượng cao, giảm diện tích canh tác trên đất dốc. Tỉnh luôn chú trọng tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, xây dựng các mô hình trình diễn chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Ðồng thời, vận động người dân tích cực chuyển đổi theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao hệ số sử dụng đất bằng cách thâm canh, tăng vụ, tăng diện tích sản xuất cây trồng vụ đông. Hệ thống thủy lợi, kênh mương nội đồng được đầu tư xây dựng và sửa chữa, nâng cấp. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân nạo vét bùn lòng kênh, phát cây dọn cỏ bờ kênh, duy tu bảo dưỡng công trình. Từ đó tạo điều kiện cho người dân mở rộng diện tích sản xuất, nhiều diện tích nương bỏ hoang được phục hóa thành ruộng nước, chuyển ruộng sản xuất 1 vụ thành 2 vụ. Ước năm 2020 tổng diện tích cây lương thực có hạt toàn tỉnh đạt 135.300 ha; sản lượng lương thực có hạt ước đạt 547.142 tấn.

Lê Hồng

 

Video tuyên truyền
THÔNG TIN TRA CỨU

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1