Làng nghề
Một số làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Sơn La

* Nghề dệt thổ cẩm của người Thái:

Nghề dệt là nghề truyền thống của dân tộc Thái từ lâu đời. Ngoài mang ý nghĩa về mặt vật chất thì sản phẩm của nghề này còn mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc. Sản phẩm của nghề còn là thước đo giá trị xã hội của các cô gái Thái. Sản phẩm của nghề dệt rất phong phú: vải thổ cẩm, mặt chăn, đệm, piêu….

* Nghề làm giấy của người Hmông:

Người ta thường làm giấy vào mùa khô ráo, trời nắng mới đem phơi giấy để giấy được trắng và đẹp. Nghề làm giấy chủ yếu do người phụ nữ đảm nhiệm, không yêu cầu kỹ thuật cao lắm. Người Mông thường sử dụng các loại chất liệu có rất nhiều ở nơi họ cư trú như cây dướng, tre non, rơm ...

Dụng cụ làm giấy rất đơn giản, do đồng bào tự sáng chế ra để dùng trong gia đình. Dụng cụ cơ bản nhất là một cái khuôn để tráng giấy. Khuôn được làm bằng vải bông, có độ thoáng có kích cỡ tuỳ thuộc vào ý định của gia chủ, thường là 60 x 1,2 m. Ngoài ra, còn có một nồi nấu chất liệu giấy, một vũng nước có diện tích lớn hơn khuôn tráng để tráng giấy cho đều. Có ba loại giấy là giấy dướng (giấy làm từ vỏ cây dướng), giấy làm bằng tre non chưa có lá và giấy làm từ rơm. Quy trình làm các loại có khác nhau một chút.

Giấy thành phẩm của ba loại chất liệu có những đặc điểm khác nhau. Giấy rơm có màu vàng nhạt dày, độ xốp cao, dai mịn. Giấy tre có màu trắng ngà, trên mặt nổi rõ những sợi tơ tre, bóng, mỏng, dai. Giấy dướng có màu trắng ngà, thô dai dày.

Giấy của người Hmông không dùng để viết mà dùng vào việc phục vụ tâm linh, tín ngưỡng. Người ta dùng giấy để cắt các hình nhân, các con vât., hoa lá để cũng trong các dịp lễ tết, giải hạn…

* Dệt vải lanh - nghề thủ công truyền thống của dân tộc Hmông

Việc dệt vải lanh thể hiện sự khéo tay, chăm chỉ, đó là một trong những tiêu chí để đánh giá tài năng, đạo đức, phẩm chất và cách làm ăn của chị em phụ nữ. Vỏ cây lanh được tước ra thành từng sợi nhỏ và nối với nhau một cách khéo léo để không tạo thành mấu ở chỗ nối. Đây là việc làm đòi hỏi nghệ thuật nhẹ nhàng, kiên trì, nhẫn nại. Vì vậy lúc nào phụ nữ Mông cũng đều tranh thủ tước và nối các sợi lanh kể cả lúc trên đường từ nhà lên nương và từ nương về nhà. Bước tiếp theo, người ta mắc các sợi lanh vào khung quay cho chúng xoắn lại thành từng cuộn. Sau đó đem cuộn sợi này luộc trong nước tro. Khi giặt sạch nước tro thì sợi lanh có màu trắng. Khi sợi đã chuẩn bị sợi xong, việc dệt vải sẽ được bắt đầu.

Đồng bào dân tộc Mông dệt vải trên khung cửi đơn giản, chỉ có hai thanh gỗ tiết diện tích 12 cm x 12 cm, dài 60 cm đặt cách xa nhau khoảng 50 cm. Giữa hai thanh gỗ đó có bốn thanh ngang nhỏ hơn ghép vào hai thanh đứng tạo thành khung cửi, con thoi để dệt khá to. Khi dệt người ta buộc chúng dựa vào cột nhà, người dệt ngồi trên ghế đẩu.

Khi dệt được vải rồi, người ta đem nhuộm chàm dùng để may quần áo cho nam giới và vải không nhuộm chàm để may váy cho phụ nữ Mông trắng. Với phụ nữ Mông hoa thì họ vẽ sáp ong lên vải trắng những đường hoa văn hình học theo ý muốn sau đó mới đem nhuộm chàm. Sau khi nhuộm chàm xong họ thêu hoa, ghép vải hoa thành thành những hoa văn cầu kỳ. Mô típ hoa văn chủ yếu là những hình kỷ hà, hình chữ nhật, hình vuông, hình thoi, gam màu chủ yếu là xanh, đỏ, tím, vàng. Với phụ nữ Mông đen thì họ dùng vải lanh nhuộm chàm đen để may váy. Bên cạnh những trang phục trên, họ dùng vải lanh để may chăn, màn, tạp dề, khăn...

* Nghề rèn của dân tộc Mông

Khâu đầu tiên trong công việc làm rèn là chuẩn bị than đốt và đắp lò. Lò được đắp bằng đất, cao khoảng 80 cm, hình trụ, đường kính khoảng 60 cm, mặt lò võng xuống khoảng 15 – 20 cm để cho than vào. Công cụ làm rèn gồm bễ, đe, búa, kéo cặp và máng nước.

Các sản phẩm làm từ nghề rèn chủ yếu là công cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp như dao, cuốc, thuổng, hái cắt lúa, cày... Trong đó, cày là công cụ sản xuất điển hình với phương pháp đúc thủ công nhưng có khả năng cày sâu 10 – 15 cm. Lưỡi cày còn cắt đứt các rễ cây, cỏ dại, thích nghi với việc cày đất khô, dốc thoải và tương đối cao. Ngoài ra, người ta còn có kỹ thuật khoan nòng súng kíp rất độc đáo.

Làm rèn đều theo một quy trình và cần có 2 người, một người kéo bễ để than trong lò cháy đều cung cấp nhiệt cho quá trình rèn và một người rèn. Khi rèn, người ta cho sắt vào nung đỏ, đưa ra để lên đe dùng búa đập cho đến khi sắt nguội lại cho vào lò nung, cứ vừa nung sắt, vừa quai búa cho đến khi được sản phẩm ưng ý. Sau khi tạo xong dáng của sản phẩm tiến hành tôi sắt, máng gỗ đựng đầy nước, bỏ vào đó một ít một lượng muối tuỳ theo và chờ cho muối tan hết.

* Nghề gốm của người Thái - Mường Chanh:

Đây là một cùng gốm nổi tiếng của người Thái. Sản phẩm gốm làm ra chủ yếu là đồ gia dụng như chum, vại, lọ, hũ, liễn.… với nhiều chủng loại và kiểu cỡ khác nhau. Các sản phẩm đều được đảm bảo nhẵn bóng, được khắc hoa văn chìm hoặc nổi, gốm Mường Chanh thuộc loại gốm trơn, có ưu điểm khó vỡ, ít rò rỉ và được dùng để ủ rượu, làm mắm, đựng măng chua có vị thơm ngon đặc biệt, để lâu không bị váng.

Sản phẩm gốm Mường Chanh được trao đổi khắp vùng Tây Bắc.

* Nghề làm gốm của người Thái đen ở Chiềng Cơi:

Sản phẩm gốm Chiềng Cơi chủ yếu là đồ gia dụng, đồ đun nấu có kích thước nhỏ như nồi chảo, nồi ươm tơ, ninh đồ xôi ... Dụng cụ và phương pháp làm gốm của Chiềng Cơi hoàn toàn là thủ công, hết sức thô sơ và đơn giản. Tuy nhiên, gốm Chiềng Cơi vẫn có những nét độc đáo hết sức riêng biệt và được trao đổi với vùng gốm nổi tiếng, có chất lượng cao.

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Video tuyên truyền
THÔNG TIN TRA CỨU

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1