Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước
Ngày 01/02/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 02/2023/NĐ-CP về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước.

Theo đó, Nghị định quy định chi tiết khoản 4 Điều 6; khoản 5 Điều 13; khoản 5 Điều 29; khoản 4 Điều 43; khoản 4 Điều 44; khoản 6 Điều 52; điểm e khoản 1 Điều 72; khoản 3 Điều 72; khoản 2 Điều 73 Luật Tài nguyên nước về lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư và công khai thông tin trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước; điều tra cơ bản tài nguyên nước; trông bù diện tích rừng bị mất và đóng góp kinh phí cho bảo vệ, phát triển rừng; chuyển nhượng quyền khai thác tài nguyên nước; đăng ký, cấp giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước; thăm dò, khai thác nước dưới đất; tổ chức lưu vực sông và việc điều phối, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra trên lưu vực sông. Áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân có hoạt động liên quan đến các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Cụ thể, Nghị định nêu rõ, tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép tài nguyên nước phải đáp ứng các điều kiện: Đã hoàn thành việc thông báo, lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định; Có đề án, báo cáo phù hợp với quy hoạch về tài nguyên nước, quy hoạch tỉnh, quy định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, quy hoạch chuyên ngành có liên quan đã được phế duyệt hoặc phù hợp với khả năng nguồn nước nếu chưa có các quy hoạch và quy định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất. Đề án, báo cáo phải do tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực theo quy định lập; thông tin, số liệu sử dụng để lập đề án, báo cáo phải bảo đảm đầy đủ, rõ ràng, chính xác và trung thực…

Nghị định cũng quy định thời hạn của giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt, nước biển có thời hạn tối đa là 15 năm, tối thiểu là 05 năm và được xem xét gia hạn nhiều lần, mỗi lần gia hạn tối thiểu là 03 năm, tối đa là 10 năm; Giấy phép thăm dò nước dưới đất có thời hạn là 02 năm và được xem xét gia hạn 01 lần, thời gian gia hạn không quá 01 năm.

Giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất có thời hạn tối đa là 10 năm, tối thiểu là 03 năm và được xem xét gia hạn nhiều lần, mỗi lần gia hạn tối thiểu là 02 năm, tối đa là 05 năm.

Trường hợp tổ chức, cá nhân đề nghị cấp hoặc gia hạn giấy phép với thời hạn ngắn hơn thời hạn tối thiểu theo quy định nêu trên thì giấy phép được cấp hoặc gia hạn theo thời hạn đề nghị trong đơn.

Căn cứ điều kiện của từng nguồn nước, mức độ chi tiết của thông tin, số liệu điều tra, đánh giá tài nguyên nước và hồ sơ đề nghị cấp hoặc gia hạn giấy phép của tổ chức, cá nhân, cơ quan cấp phép quyết định cụ thể thời hạn của giấy phép.

Trường hợp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép của tổ chức, cá nhân nộp trước ngày giấy phép đã được cấp trước đó hết hiệu lực thì thời điểm hiệu lực ghi trong giấy phép được tính nối tiếp với thời điểm hết hiệu lực của giấy phép đã được cấp trước đó.

Ngoài ra, tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước thuộc trường hợp phải đăng ký theo quy định của Nghị định này đã được cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt, nước biển theo quy định của Nghị định số 201/2013/NĐ-CP được tiếp tục thực hiện đến hết thời hạn ghi trong giấy phép. Sau khi giấy phép được cấp hết hiệu lực, nếu tổ chức, cá nhân tiếp tục có nhu cầu khai thác, sử dụng nước thì thực hiện đăng ký theo quy định của Nghị định này.

Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước đã được cấp giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo quy định của Nghị định số 201/2013/NĐ-CP mà có sự thay đổi về thẩm quyền cấp phép theo quy định của Nghị định này được tiếp tục thực hiện đến hết thời hạn ghi trong giấy phép. Trước khi giấy phép hết hạn, tổ chức, cá nhân phải nộp hồ sơ đề nghị cấp phép trình cơ quan có thẩm quyền cấp phép theo quy định của Nghị định này.

Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tài nguyên nước được cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận đầy đủ, hợp lệ trước ngày Nghị định này có hiệu lực vẫn được thực hiện thẩm định, xem xét cấp phép theo quy định tại Nghị định số 201/2013/NĐ-CP. Đối với tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước thuộc trường hợp đăng ký theo quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 17 của Nghị định này, nếu có nhu cầu thực hiện việc đăng ký theo quy định của Nghị định này thi đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét trả lại hồ sơ đề nghị cấp giấy phép.

Đối với các dự án đã hoàn thành việc lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư và tổ chức, cá nhân liên quan trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo quy định tại Nghị định 201/2013/NĐ-CP trước khi Nghị định này có hiệu lực thì không phải thực hiện lấy lại ý kiến theo quy định tại Nghị định này.

Đối với các tỉnh, thành phố đã phê duyệt khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất theo quy định tại Thông tư số 27/2014/TT-BTNMT ngày 30 tháng 5 năm 2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì tiếp tục thực hiện đàng ký theo quyết định đã phê duyệt cho đến khi rà soát điều chỉnh theo quy định của Nghị định này.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 20/3/2023. Bãi bỏ Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước./.

Chi tiết văn bản xem tại đây: Tải về

Nguyên Anh (TH)

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
1 2 3 4 5  ... 
Video tuyên truyền nông thôn mới
THÔNG TIN TRA CỨU

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1