Triển khai các hoạt động thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em
(sonla.gov.vn) Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể các cấp trong toàn tỉnh Sơn La luôn quan tâm, huy động sự tham gia của cả cộng đồng vào các hoạt động bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; đẩy mạnh triển khai các hoạt động thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em.

Quyền tham gia của trẻ em là một trong 4 nhóm quyền cơ bản của trẻ em được quy định tại Luật Trẻ em năm 2016. Quyền tham gia của trẻ em bao gồm quyền được tiếp cận thông tin phù hợp lứa tuổi, được kiến nghị, bày tỏ ý kiến, quan điểm riêng của mình về các vấn đề về trẻ em; quyền được người lớn lắng nghe và phản hồi các kiến nghị, ý kiến của mình; quyền được tham gia vào quá trình ra quyết định; quyền được kết giao, được thành lập hoặc tham gia các nhóm, hiệp hội và tham gia các hoạt động xã hội lành mạnh, phù hợp. Quyền tham gia giúp trẻ em chủ động và tích cực trong cuộc sống, giúp trẻ em có cơ hội thể hiện và hiểu được cảm nghĩ, nhu cầu của chính mình. Từ đó nhận thức được quyền, được trao quyền, được bảo vệ và học cách tự bảo vệ mình.

Qua tổng hợp kết quả rà soát số liệu trẻ em của các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tính đến hết năm 2024 tổng số trẻ em trên địa bàn là 389.512 trẻ (chiếm 29,3% dân số), trong đó: Số trẻ em sống trong các hộ gia đình nghèo, cận nghèo là 86.508 trẻ; số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là 10.308 trẻ; số trẻ em bị tai nạn thương tích trong năm là 646 trẻ; số xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em là 126 xã (đạt 61,76%).

Công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về quyền tham gia của trẻ em được các cấp, các ngành triển khai, thực hiện với nhiều hình thức phong phú, đa dạng phù hợp với thực tiễn tại địa phương và đặc thù của trẻ em như: Tổ chức các hội nghị tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của trẻ em, người chăm sóc trẻ, gia đình, nhà trường và cộng đồng xã hội về các nội dung đảm bảo thực hiện quyền và bổn phận trẻ em; thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em theo quy định của Luật Trẻ em thông qua các buổi sinh hoạt liên đội, sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt hè cho thiếu nhi tại địa phương; các chương trình ngoại khóa, tập huấn, hoạt động của tổ chức Đoàn, Đội… 

Tại các huyện, thị xã, thành phố đã duy trì hiệu quả mô hình bảo vệ, chăm sóc trẻ em dựa vào cộng đồng; mô hình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ vào các vấn đề về trẻ em... Thông qua các mô hình, các em được thực hiện quyền tham gia của mình sẽ tự tin hơn để hòa nhập, có tinh thần trách nhiệm và hợp tác. Công tác xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em cũng được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, các tổ chức xã hội quan tâm. Hàng năm, các địa phương đều đưa chỉ tiêu xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nhằm xây dựng môi trường lành mạnh, phù hợp, nâng cao chất lượng chăm sóc trẻ tại địa bàn.Theo số liệu thống kê số trẻ em đến 8 tuổi được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc, phát triển toàn diện là 175.849 trẻ (đạt 82,3%/tổng số trẻ em đến 8 tuổi); số trẻ em từ 7 tuổi trở lên được hỏi ý kiến về các vấn đề của trẻ em 186.814 trẻ (đạt 81,1%/tổng số trẻ em từ 7 tuổi trở lên); số trẻ em được nâng cao năng lực về thực hiện quyền tham gia của trẻ em thông qua các hình thức khác nhau là 267.264 trẻ (đạt 68,6%/tổng số trẻ em); số trẻ em từ 11 tuổi trở lên được tham gia vào các mô hình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em là 86.102 trẻ (đạt 89%/tổng số trẻ em từ 11 tuổi trở lên); số lượt trẻ em được tham gia ý kiến, nguyện vọng trong quá trình xây dựng và triển khai chương trình, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, quyết định, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội về trẻ là 26.849 lượt.

Như Thủy

 

Video tuyên truyền
THÔNG TIN TRA CỨU

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1