Hiệu quả trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Sơn La
(sonla.gov.vn) Trong những năm qua, dưới sự tập trung lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền; sự vào cuộc cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở; sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Việc tổ chức triển khai, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh được chỉ đạo kịp thời và đã đạt được những kết quả tích cực.

Được sự quan tâm của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, tỉnh Sơn La đã kịp thời ban hành các nghị quyết, quyết định, kết luận về cơ chế chính sách và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn chỉ đạo thực hiện Chương trình. Nguồn vốn chương trình đã được tỉnh phân cấp trao quyền cho các địa phương, cơ sở nhằm phát huy hiệu quả trong quản lý và thực hiện chương trình làm cơ sở cho các đơn vị triển khai thực hiện bảo đảm mục tiêu, chỉ tiêu, nội dung của chương trình. Việc tổ chức triển khai, thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh được chỉ đạo kịp thời và đã đạt được những kết quả tích cực: Diện mạo nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhất là vùng sâu, vùng xa vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới của tỉnh Sơn la đã có những chuyển biến rõ rệt; đời sống vật chất và tinh thần đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể; kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội được quan tâm đầu tư; giáo dục, y tế tại vùng khó khăn được quan tâm; bản sắc văn hóa được giữ gìn bảo tồn và phát huy; tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ổn định, an ninh biên giới được giữ vững đã tạo điều kiện cho đồng bào các dân tộc trong tỉnh tổ chức phát triển sản xuất, kinh doanh, vươn lên xóa đói giảm nghèo làm giàu chính đáng.

anh tin bai

Hiệu quả trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

trên địa bàn tỉnh Sơn La.

UBND tỉnh Sơn La xác định công tác truyền thông, thông tin, tuyên truyền vận động là một trong các nội dung, giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Công tác này đã được các cấp, các ngành triển khai đồng bộ, các hình thức đa dạng, phong phú như: Tuyên truyền miệng thông qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên; tuyên truyền cổ động trực quan; tuyên truyền qua hình thức sân khấu hóa, văn hóa, văn nghệ; tuyên truyền qua báo chí, Internet, mạng xã hội; tuyên truyền qua các hội nghị, các lớp tập huấn, các hội thi, sinh hoạt chi bộ, họp thôn, bản. Một số nội dung trọng tâm tập trung tuyên truyền là: Các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước liên quan đến các chương trình MTQG mới được ban hành; công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện các chương trình MTQG; kết quả, hiệu quả trong việc tham gia, triển khai công tác giảm nghèo, công tác dân tộc, chính sách dân tộc và các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững trên địa bàn; việc vận động đồng bào các dân tộc, các đoàn viên, hội viên của các tổ chức chính trị xã hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tham gia thực hiện có hiệu quả Chương trình. Nhận thức của Nhân dân ngày càng được nâng lên, chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tuân thủ pháp luật. Đội ngũ cán bộ thôn, người có uy tín phát huy cao vai trò, trách nhiệm tham gia công tác tuyên truyền, vận động xóa bỏ những hủ tục lạc hậu còn tồn tại ở một số đồng bào dân tộc thiểu số.

Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS qua 05 năm triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Sơn La đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của toàn tỉnh nói chung và đối với các xã khu vực III, khu vực II, các thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số nói riêng. Các nguồn lực, chính sách của chương trình đã và đang tập trung đầu tư phát triển các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh tại các xã, bản đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện, 98,53%, xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; 78,3% bản có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; 73,5% xã có trường, lớp học được xây dựng kiên cố;  99,5% hộ gia đình được sử dụng điện lưới an toàn; 97,5% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 96,8% đồng bào dân tộc thiểu số được xem truyền hình; 94,5% đồng bào dân tộc thiểu số được nghe đài phát thanh; 90% hộ di cư không theo quy hoạch được sắp xếp, bố trí ổn định. Bên cạnh đó, hỗ trợ các hoạt động đào tạo nghề, hỗ trợ phát triển sản xuất và sinh kế góp phần nâng cao thu nhập cho người dân; đầu tư, hỗ trợ bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc được quân tâm; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào vùng dân tộc thiểu số được nâng cao, công tác chăm sóc sức khỏe, giáo dục - đào tạo có những chuyển biến tích cực.

Chất lượng môi trường sống của đồng bào dân tộc thiểu số được nâng cao thông qua thực hiện các dự án, tiểu dự án của Chương trình như: Nước sinh hoạt; bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững; phát triển lâm nghiệp trồng rừng, bảo vệ rừng; cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống; hỗ trợ tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia, di tích cấp tỉnh. Hiện toàn tỉnh có 92,5% thôn, bản có nhà sinh hoạt cộng đồng; 100% thôn, bản có đội văn hóa, văn nghệ (câu lạc bộ) truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng.

Chương trình được triển khai thực hiện trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã có tác động tích cực đến đối tượng là người nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số, phụ nữ và trẻ em, các nhóm khó khăn đặc thù, dễ tổn thương, nhóm dân tộc thiểu số rất ít người, nhóm dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, dân tộc có khó khăn đặc thù, giúp các đối tượng thụ hưởng có nhiều cơ hội để tiếp cận, tham gia trực tiếp vào các nội dung của chương trình, thông qua hoạt động phát triển kinh tế, đào tạo nghề, tạo việc làm, các dịch vụ y tế chăm sóc sức khỏe, giáo dục, dần nâng cao vai trò, nhận thức của người dân, góp phần trong việc nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình.

Đặc biệt, trong chương trình có riêng một dự án thành phần về thúc đẩy bình đẳng giới, trong đó dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” dành riêng cho các cấp Hội Phụ nữ nên tạo động lực, cơ chế cho Hội Phụ nữ các cấp tổ chức các hoạt động. Việc lồng ghép giới, thực hiện bình đẳng giới đã làm giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm; Tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ người dân tộc thiểu số đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở phụ nữ và trẻ em gái, từng bước bảo đảm sự tham gia bình đẳng giữa nam và nữ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; bảo đảm bình đẳng giới trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, trong lĩnh vực văn hóa và thông tin, bình đẳng giới trong đời sống gia đình, từng bước giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Như Thủy

 

Video tuyên truyền
THÔNG TIN TRA CỨU

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1