Chú trọng triển khai công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật
(sonla.gov.vn) Thời gian qua, công tác đấu tranh, trấn áp tội phạm, quản lý Nhà nước về an ninh trật tự (ANTT) trên địa bàn tỉnh được tăng cường; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật ngày càng hiệu quả; hình thức và nội dung tuyên truyền phong phú, đa dạng, phù hợp với nhiều tầng lớp xã hội. Tình hình ANTT trên địa bàn được giữ vững và ổn định, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ chính trị, đối ngoại, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh tại địa phương.

Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã quán triệt, triển khai các văn bản chỉ đạo của Trung ương và chủ trì ban hành chỉ thị và các kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn năm 2024 và đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024; chỉ đạo Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm và thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh (viết tắt là Ban Chỉ đạo 138 tỉnh) triển khai thực hiện Kế hoạch số 18/KH-BCĐ ngày 15/01/2024 của Ban Chỉ đạo 138/CP thực hiện công tác phòng, chống tội phạm năm 2024; Thông báo Kết luận số 38/TB-VPCP ngày 02/02/2024 của Văn phòng Chính phủ; Ban Chỉ đạo 138 tỉnh đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2024; ban hành các Kế hoạch, văn bản chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống tội phạm năm 2024.

Tỉnh luôn chú trọng triển khai các nội dung nhằm đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy. UBND tỉnh đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tham mưu với Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo 297 Tỉnh ủy, UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai quyết liệt công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy gắn với thực hiện hiệu quả Đề án 135 của UBND tỉnh về “Chuyển hóa, xây dựng xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Sơn La không có ma túy giai đoạn 2023 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Đồng thời tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống tội phạm, phòng, chống ma túy trong học đường và thanh thiếu niên. Thường xuyên chỉ đạo các đơn vị rà soát, đánh giá, kịp thời tham mưu, đề xuất đưa các vụ án về kinh tế, tham nhũng, chức vụ trọng điểm, dư luận quan tâm vào diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng của tỉnh theo dõi, chỉ đạo.

Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên môn thường xuyên mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm; tập trung phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường trong hoạt động sơ chế, chế biến cà phê, sản phẩm nông sản, trong hoạt động khai thác, vận chuyển, kinh doanh khoáng sản trái phép.... Thường xuyên chỉ đạo Ban Chỉ đạo 389 tỉnh trong công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Các sở, ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thành phố trực thuộc tỉnh đã xây dựng kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống tội phạm trên phạm vi lĩnh vực, địa bàn phụ trách; nâng cao năng lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước theo lĩnh vực, địa bàn; công tác quản lý cán bộ, quản lý sử dụng tài sản công được tăng cường, phòng ngừa không để tội phạm có cơ hội lợi dụng hoạt động.

Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống tội phạm được chú trọng. Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật cấp tỉnh, cấp huyện đã phát huy vai trò thường xuyên, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh về công tác phòng chống tội phạm đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Các cơ quan thông tin, truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua các tin, bài, phóng sự, chuyên mục trên các phương tiện thông tin đại chúng phát thanh, truyền hình, thực hiện tuyên truyền bằng tiếng Phổ thông và một số đơn vị đã thực hiện song song tuyên truyền bằng tiếng dân tộc thiểu số phổ biến trên địa bàn tỉnh (tiếng Thái, tiếng Mông).

Công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được đẩy mạnh, đã tham mưu nhiều văn bản chỉ đạo công tác xây dựng phong trào, công tác xây dựng địa bàn, đơn vị đạt tiêu chuẩn an toàn về an ninh, trật tự. Lực lượng Công an các cấp phối hợp với ban, ngành, đoàn thể, cấp ủy, chính quyền cơ sở tiếp tục duy trì, phát huy hiệu quả trên 87 loại mô hình đảm bảo an ninh, trật tự ở cơ sở. Bên cạnh đó, các cấp, ngành thường xuyên chỉ đạo thực hiện tốt việc quản lý nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở tại địa phương; hiện nay toàn tỉnh có 2.294 tổ hòa giải với tổng số 14.174 hòa giải viên. Trong 6 tháng đầu năm 2024, các Tổ hòa giải đã tiếp nhận và hòa giải thành 571/673 vụ việc, đạt tỷ lệ 85%; qua đó đã giải quyết kịp thời các vụ việc tranh chấp mâu thuẫn nhỏ xảy ra trong cộng đồng dân cư, góp phần hạn chế đơn thư khiếu kiện vượt cấp tại cơ sở, không để phát sinh vụ việc phức tạp, hình thành “điểm nóng” về an ninh, trật tự, góp phần làm giảm các loại tội phạm do nguyên nhân xã hội.

Công tác hợp tác quốc tế về phòng, chống tội phạm được quan tâm triển khai. Các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện các Hiệp định giữa Việt Nam đã ký kết về phòng chống tội phạm với các nước Lào, Vương Quốc Anh, Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan…; các hoạt động hợp tác phòng chống tội phạm, phòng, chống ma túy qua biên giới với tỉnh Hủa Phăn, Luông Pha Băng và các tỉnh Bắc Lào nhất là trong công tác quản lý biên giới, quản lý xuất, nhập cảnh, phòng, chống dịch bệnh; đồng thời các ngành, các đơn vị phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng tỉnh Hủa Phăn, Luông Pha Băng tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm, phòng, chống ma túy qua biên giới. Duy trì hiệu quả công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế với 09 tỉnh Bắc Lào trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự, trọng tâm là thực hiện các chương trình, kế hoạch phối hợp phòng, chống tội phạm, phòng, chống ma túy. 

Như Thủy

Họ tên
Tiêu đề
Nội dung
Mã kiểm tra
Video tuyên truyền
THÔNG TIN TRA CỨU

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 985
  • Hôm nay: 34,873
  • Trong tuần: 102,326
  • Tất cả: 52,091,358
EMC Đã kết nối EMC