Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc tại huyện Bắc Yên
04/03/2019
Ngày 04/3/2019, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do đồng chí Hà Ngọc Chiến,
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường
vụ Quốc Hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội làm Trưởng đoàn đã
giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện chương trình mục
tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai
đoạn 2012-2018 tại huyện Bắc Yên. Tham gia Đoàn giám sát có đồng chí Trần Thị
Hoa Ry, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội; Nguyễn Đắc Quỳnh, Ủy viên Ủy
ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy, Trưởng Đoàn
Đại biểu Quốc Hội tỉnh cùng đại diện một số ban của Quốc hội. Về phía tỉnh ta,
tiếp và làm việc với Đoàn có đồng chí Phạm Văn Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại
diện một số sở, ban, ngành của tỉnh và lãnh đạo huyện Bắc Yên.
Toàn
cảnh đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc tại huyện Bắc Yên
Bắc
Yên là huyện vùng cao của tỉnh và là một trong những huyện nghèo theo Chương
trình 30a của Chính phủ. Trong những năm qua, huyện Bắc Yên đã ban hành 51 văn
bản chỉ đạo việc triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo và chia việc thực
hiện các chỉ tiêu giảm nghèo thành hai giai đoạn gồm: Giai đoạn 2012-2015 và
giai đoạn 2016-2018. Theo đó, đã tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật của
chương trình MTQG giảm nghèo bền vững thông qua việc tổ chức tập huấn cho 346
lượt cán bộ làm công tác giảm nghèo, tổ chức 82 hội nghị tuyên truyền về chương
trình giảm nghèo đến người dân... chỉ đạo thực hiện các chính sách nghèo cải
thiện điều kiện sống cho người dân về y tế, văn hóa, giáo dục, nước sinh hoạt,
nhà ở và hỗ trợ người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Đặc biệt, chú
trọng việc hỗ trợ đào tạo nghề, dạy việc làm cho người dân vùng dân tộc thiểu số,
vùng núi. Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm của huyện Bắc Yên đã có thương hiệu
như: Rượu Hang Chú, Chè Tà Xùa, Táo Sơn Tra; một số sản phẩm khác đang tiếp cận
với thị trường như xoài, nhãn và các loại dược liệu gồm sa nhân, thảo quả... Đến
hết năm 2018, đã có 5/12 chỉ tiêu giảm nghèo đạt và vượt kế hoạch đã đề ra, tỷ
lệ hộ nghèo giảm còn 27,69%.
Lãnh
đạo huyện Bắc Yên báo cáo kết quả thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2018 tại địa phương
Tuy
nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững
giai đoạn 2012-2018 của huyện Bắc Yên vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế gồm: Hiệu
quả đầu tư của các công trình cơ sở hạ tầng đạt thấp so với các đề án đã được
duyệt; chất lượng giáo dục, đào tạo dạy nghề chăm sóc sức khỏe của người dân
còn thấp; sự phối hợp của các cấp, các ngành trong triển khai thực hiện một số
nhiệm vụ còn chưa chặt chẽ... Nguyên nhân do việc phân cấp cho các xã triển
khai một số chính sách của chương trình còn chậm; công tác xây dựng, lập kế hoạt
lựa chọn nội dung, đối tượng đầu tư còn dàn trải chưa có sự lồng ghép hiệu quả;
nhiều hộ dân trên địa bàn huyện còn trông chờ, ỷ lại vào trợ cấp, chưa có sự nỗ
lực vươn lên... Trao đổi với Đoàn giám sát, huyện Bắc Yên đã kiến nghị các bộ,
ngành của Trung ương sớm có điều chỉnh đề án hỗ trợ giảm nghèo bền vững phù hợp
với điều kiện cụ thể của huyện theo Nghị quyết 30a; bố trí kinh phí hỗ trợ cho
các đối tượng phát triển sản xuất và tìm đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp…

Thành
viên Đoàn giám sát tham gia ý kiến
Các
thành viên của Đoàn giám sát đề nghị huyện Bắc Yên làm rõ thêm những khó khăn,
bất cập trong của việc phân bổ nguồn vốn hỗ trợ giảm nghèo; cần đánh giá cụ thể
hiệu quả của những giải pháp sáng tạo trong công tác giảm nghèo của huyện cùng
hiệu quả của công tác tuyên truyền để đoàn có những đánh giá khách quan hơn và
hiệu quả của mô hình xã hội hóa, hỗ trợ người nghèo trên các lĩnh vực y tế, văn
hóa, giáo dục trên địa bàn huyện…

Đồng
chí Hà Ngọc Chiến phát biểu ý kiến
Phát
biểu tại cuộc giám sát, đồng chí Hà Ngọc Chiến đã ghi nhận và biểu dương những
kết quả tích cực của huyện Bắc Yên đã đạt được trong việc thực hiện Chương trình
MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012-2018. Đồng chí đề nghị trong thời gian
tới, huyện cần có thêm những đổi mới, sáng tạo nhằm phát huy những kết quả đạt
được trong công tác giảm nghèo như nhân rộng các mô hình xã hội hóa giảm nghèo,
phát triển các sản phẩm thế mạnh của địa phương. Xác định rõ chính sách giảm
nghèo bền vững là sự huy động tổng thể các nguồn lực từ xã hội, trong đó có sự
huy động đóng góp từ cộng đồng dân cư. Đồng thời, tập trung chỉ đạo khắc phục
những khó khăn, hạn chế, yếu kém còn tồn tại nhằm nâng cao hiệu quả của công
tác giảm nghèo bền vững.
Quốc Tuấn