Tỉnh Sơn La phát triển công nghiệp chế biến từ các loại rau, quả
(sonla.gov.vn) Triển khai thực hiện Đề án phát triển ngành chế biến rau quả giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh Sơn La, tạo hướng đột phá tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, nâng cao thu nhập cho nông dân. Trong thời gian qua, công nghiệp chế biến nông sản của tỉnh đã phát triển định hướng và đạt kết quả tích cực, trong đó tập trung khá lớn vào phát triển công nghiệp chế biến từ các loại rau, quả.
anh tin bai
Sản phẩm chế biến từ các loại quả.

Đề án phát triển ngành chế biến rau quả giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Sơn La xác định rõ mục tiêu: Định hướng phát triển ngành chế biến rau quả hiệu quả, an toàn và bền vững; đáp ứng được yêu cầu sản xuất và nhu cầu thị trường tiêu thụ; áp dụng công nghệ tiên tiến được gắn với các vùng sản xuất rau quả tập trung, sản lượng hàng hóa lớn; sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, có giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh cao; góp phần đưa xuất khẩu rau quả ra thị trường các nước trên thế giới. Thu hút đầu tư mới các cơ sở chế biến rau quả có quy mô lớn và vừa; xây dựng, phát triển thành công một số tập đoàn, doanh nghiệp chế biến rau quả hiện đại ngang tầm khu vực và thế giới với khả năng cạnh tranh quốc tế cao; chủ động tiêu thụ, chế biến vùng nguyên liệu rau, quả  tạo ra giá trị gia tăng cao; nâng cao thu nhập cho nông dân và doanh nghiệp, bảo vệ môi trường sinh thái và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Việc triển khai thực hiện hiệu quả Đề án trên địa bàn tỉnh sẽ thúc đẩy sản xuất, thành các vùng nguyên liệu phục vụ chế biến, tiêu thụ tạo ra động lực mạnh mẽ cho việc phát triển kinh tế. Chủ động trong việc tiêu thụ sản lượng rau, quả cho tỉnh, giảm bớt khó khăn về thị trường tiêu thụ sản phẩm rau, quả; giá trị sản xuất của ngành rau quả được nâng cao, tăng thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế xã hội, nhất là đối với vùng nông thôn.

Giai đoạn 2021 - 2023, tỉnh Sơn La cấp chủ trương đầu tư mới 6 dự án, gồm Nhà máy chế biến rau quả xuất khẩu của Dự án Trung tâm chế biến rau, quả thực phẩm Doveco; Nhà máy chế biến đường lỏng Glucose BHL Sơn La; nhà máy chế biến nông sản, Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc; Dự án đầu tư chế biến, bảo quản sản phẩm nông nghiệp Mộc Châu của Công ty Thương mại Tây Bắc; Dự án tổ hợp trang trại sinh thái và trang trại bò sữa công nghệ cao Mộc Châu của Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu; Nhà máy chế biến cà phê của Công ty cổ phần chế biến cà phê Sơn La. Đến nay, có 2 nhà máy đã hoàn thành đi vào hoạt động.

Trung tâm chế biến rau, quả Doveco Sơn La là tổ hợp nhà máy chế biến nông sản sản xuất theo công nghệ hiện đại của Italia, Nhật Bản và Trung Quốc, tổng công suất 52.000 tấn sản phẩm/năm, với các dây chuyền sản xuất đông lạnh, đồ hộp, sấy và các sản phẩm khác. Đến nay, vùng nguyên liệu cung cấp cho Trung tâm chế biến rau, quả xuất khẩu DOVECO tại huyện Mai Sơn hiện có 728,3 ha. Tổng sản lượng các loại nông sản Công ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao đã thu mua phục vụ cho Nhà máy chế biến đến nay là 463 tấn trong đó: chanh leo 59 tấn tại huyện Mộc Châu, ngô ngọt 90 tấn tại huyện Sống Mã, rau chân vịt 314 tấn tại huyện Mai Sơn và Sông Mã.

Bên cạnh đó tỉnh cũng tập trung trung phát triểnvùng nguyên liệu cho các nhà máy như: Vùng nguyên liệu cung cấp cho nhà máy chế biến của Công ty TNHH IC FOOD Vân Hồ. Hiện nhà máy đang duy trì hoạt động chế biến các sản phẩm bắp cải, cải ngọt, cà rốt, cải thảo ngâm muối. Trong 6 tháng đầu năm số lượng nguyên liệu đưa vào chế biến 1.094 tấn rau các loại bắp cải 361 tấn, cải bẹ 84 tấn, cà rốt 309 tấn, cải ngọt 172 tấn, cải thảo 167 tấn. Vùng nguyên liệu cung cấp cho nhà máy chế biến nông sản của Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc, hiện Công ty bắt đầu hoạt động chế biến chanh leo niên vụ năm 2024, số lượng nguyên liệu chanh leo công ty thu mua từ đầu năm để chế biến đạt trên 300 tấn.

Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và áp dụng công nghệ tiên tiến vào chế biến, bảo quản rau quả. Phát triển vùng nguyên liệu rau, quả phục vụ nguyên liệu chế biến. Phát triển mạnh các cơ sở chế biến rau quả quy mô nhỏ có công suất và công nghệ phù hợp với đặc thù sản phẩm địa phương có thế mạnh về sản xuất nhằm đa dạng hóa chủng loại sản phẩm rau quả chế biến. Phát triển hệ thống logistics và công nghiệp phụ trợ phục vụ ngành rau quả. Đầu tư phát triển chuỗi cung ứng lạnh và các dịch vụ có liên quan đến xuất khẩu rau quả. Tiếp tục thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp, tập đoàn chế biến có uy tín, kinh nghiệm và năng lực trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu đầu tư các nhà máy chế biến rau, quả.

Lê Hồng

Video tuyên truyền
THÔNG TIN TRA CỨU

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1