Phấn đấu năm 2025 giá trị sản phẩm trái cây tham gia xuất khẩu của tỉnh đạt 35,26 triệu USD
(sonla.gov.vn) Năm 2025, Sơn La phấn đấu tổng giá trị hàng hóa tham gia xuất khẩu của tỉnh năm 2025 đạt 215 triệu USD, tăng 8,35% so với năm 2024. Trong đó, sản phẩm nông sản, thực phẩm tham gia xuất khẩu đạt 208 triệu USD, tăng 9,22% so với năm 2024, góp phần giải quyết việc làm cho lao động, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa và vùng biên giới.
Xác định rõ việc đẩy mạnh hàng hóa tham gia xuất khẩu góp phần phát triển sản xuất xanh, nâng cao chất lượng sản phẩm. Từ đó, tác động tích cực đến hoạt động chế biến, tiêu thụ hàng hóa có lợi thế của tỉnh tại thị trường trong nước và tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Sơn La nhanh và bền vững. Phát triển xuất khẩu gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển của tỉnh Sơn La nhằm phát huy lợi thế cạnh tranh, khai thác hiệu quả cơ hội và hạn chế tác động của các thách thức trong thực thi cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu. Chuyển dịch dần sang xuất khẩu trực tiếp, qua hợp đồng thương mại quốc tế.
Giá trị sản phẩm trái cây tham gia xuất khẩu của tỉnh năm 2025 phấn đấu đạt 35,26 triệu USD.
Giá trị sản phẩm trái cây tham gia xuất khẩu của tỉnh năm 2025 phấn đấu đạt 35,26 triệu USD. Với 34 vùng sản xuất các sản phẩm hoa quả tươi phục vụ xuất khẩu của tỉnh Sơn La năm 2025 tập trung vào một số sản phẩm trái cây chủ yếu: Sản phẩm xoài tham gia xuất khẩu dự kiến đạt 16.400 tấn với tổng giá trị tham gia xuất khẩu đạt 9,7 triệu USD. Sản phẩm nhãn tham gia xuất khẩu dự kiến đạt 4.100 tấn sản phẩm với tổng giá trị tham gia xuất khẩu đạt 20,6 triệu USD; sản phẩm chanh leo tham gia xuất khẩu dự kiến đạt 2.350 tấn với giá trị tham gia xuất khẩu đạt 2,44 triệu USD; sản phẩm chuối tham gia xuất khẩu dự kiến đạt 8.000 tấn với tổng giá trị tham gia xuất khẩu đạt 1,8 triệu USD.
Ngoài ra giá trị nông sản chế biến và nông sản khác tham gia xuất khẩu của tỉnh năm 2025 phấn đấu đạt 172,74 triệu USD. Một số mặt hàng chủ yếu: Sản phẩm chè tham gia xuất khẩu dự kiến đạt 10.000 tấn với giá trị tham gia xuất khẩu đạt 26 triệu USD; sản phẩm cà phê tham gia xuất khẩu dự kiến đạt 34.000 tấn với giá trị tham gia xuất khẩu đạt 100 triệu USD; sản phẩm sắn tham gia xuất khẩu dự kiến đạt 102.000 tấn với tổng giá trị tham gia xuất khẩu đạt 37,4 triệu USD; các sản phẩm nông sản chế biến khác (dứa, ngô ngọt, rau chân vịt...) tham gia xuất khẩu dự kiến đạt 5.300 tấn với giá trị tham gia xuất khẩu đạt 7,2 triệu USD.
Tổng giá trị các sản phẩm khác của tỉnh tham gia xuất khẩu năm 2025 dự kiến đạt 7,0 triệu USD. Các mặt hàng tham gia xuất khẩu chủ yếu gồm xi măng, sản phẩm dệt may, thép và các sản phẩm khác.
Để đạt được mục tiêu giá trị xuất khẩu đã đề ra các ngành chức năng cần tập trung tổ chức hướng dẫn doanh nghiệp và HTX trên địa bàn tỉnh áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm và mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói theo yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu; đẩy mạnh xây dựng, phát triển các vùng sản xuất trái cây ứng dụng công nghệ cao, chuỗi cung ứng nông sản an toàn... trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ phát triển thương mại điện tử của tỉnh đối với các doanh nghiệp, HTX sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông sản đặc trưng, có lợi thế cạnh tranh của tỉnh tại thị trường trong nước và quốc tế. Tổ chức chương trình tập huấn kiến thức, tuyên truyền phổ biến các quy định về hội nhập kinh tế quốc tế, xuất khẩu hàng hóa, xây dựng thương hiệu và ứng dụng thương mại điện tử, chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại. Tổ chức, tham gia các hoạt động kết nối giao thương, liên kết vùng trong và ngoài nước, hỗ trợ phát triển thương mại điện tử. Tham mưu phát triển công nghiệp bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản; khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến sâu, chế biến tinh, chế biến công nghệ cao. Chú trọng phát triển công nghiệp phụ trợ và dịch vụ hỗ trợ để nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu hàng hóa cần chủ động nắm bắt thông tin thị trường để xây dựng Kế hoạch sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm của đơn vị, nhất là các sản phẩm nông sản; tăng cường hợp tác, liên kết trong sản xuất, chế biến nhằm nâng cao năng lực cung ứng sản phẩm đạt tiêu chuẩn, chất lượng phục vụ xuất khẩu. Nghiên cứu, áp dụng khoa học kỹ thuật, quy trình sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn tiêu thụ, xuất khẩu; đề xuất cơ quan có thẩm quyền hỗ trợ chuyển giao công nghệ sản xuất ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ hữu cơ trong sản xuất, chế biến, nhất là các sản phẩm trái cây; lựa chọn nhân giống, sản xuất giống mới có năng suất, chất lượng tốt, chống chịu với sâu bệnh phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh đối với cây trồng, vật nuôi. Thường xuyên phối hợp, cung cấp thông tin với các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố về hoạt động thu gom, ký kết hợp đồng tiêu thụ, quản lý chất lượng sản phẩm.; kết quả sản xuất, chế biến, xuất khẩu sản phẩm, các khó khăn, vướng mắc nhằm triển khai thuận lợi các hoạt động xuất khẩu sản phẩm chủ lực của tỉnh.
Nguyễn Hạnh