Thông tin ứng dụng chuyển đổi số ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
(sonla.gov.vn) Chuyển đổi số ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn có vai trò đặc biệt quan trọng trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo hướng hiện đại, giá trị gia tăng cao và bền vững, khẳng định vai trò “trụ đỡ” của nền kinh tế, trở thành “thước đo mức độ bền vững của quốc gia”. Chuyển đổi số là giải pháp quan trọng giúp người nông dân, doanh nghiệp sản xuất nông sản chất lượng, với chi phí thấp nhất, nhưng đạt lợi nhuận cao nhất. Mục tiêu này cũng đang được ngành Nông nghiệp, người dân đẩy mạnh, với kỳ vọng tạo được sự đột phá về năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cho nông sản.
Chuyển đối số trong nông nghiệp tạo được sự đột phá về năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cho nông sản.
Theo Quyết định số 749/QĐ-TTg về phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, nông nghiệp là 1 trong 8 lĩnh vực được ưu tiên thực hiện chuyển đổi số. Chuyển đổi số nông nghiệp và phát triển nông thôn là yêu cầu tất yếu khách quan và là trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của cả hệ thống, của ngành, doanh nghiệp, khoa học công nghệ và đặc biệt là người nông dân; là phương thức để thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp thông minh, nông thôn hiện đại, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong chuỗi sản xuất, chế biến, thị trường và nền kinh tế.
Trong thời gian qua, khoa học và công nghệ trong nông nghiệp, nông thôn tiếp tục phát triển, là giải pháp đột phá về năng suất, chất lượng và nâng cao năng lực cạnh tranh; đồng thời tạo 3 trục sản phẩm bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, phát triển theo hướng nông nghiệp xanh, sạch, nông nghiệp thông minh.
Nhiều sản phẩm chủ lực cấp quốc gia, cấp tỉnh có hàm lượng khoa học công nghệ cao được áp dụng từ khâu sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến như tôm, cá tra, sản phẩm gỗ… Bên cạnh đó, việc sử dụng internet đã giúp đơn giản hóa và hợp lý hóa công tác thu thập, các khâu kiểm tra, phân phối tổng thể tài nguyên nông nghiệp.
Các chương trình, phần mềm quản trị vườn trồng, nông nghiệp chính xác được áp dụng nhằm tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên (nước, phân bón…) để dần chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại, tạo ra nhiều cơ hội tăng năng suất lao động, giảm phụ thuộc vào điều kiện môi trường, thời tiết, kiểm soát dịch bệnh và công tác giống được thực hiện tốt hơn.
Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong nông nghiệp được đẩy mạnh như hình thành hệ thống các cơ sở dữ liệu, thông tin thống kê phân tích, dự báo, giúp công tác quản lý ngành ngày càng hoàn thiện, nâng cao chất lượng.
Trong lĩnh vực trồng trọt; bảo vệ và kiểm dịch thực vật đã áp dụng hệ thống tưới tự động, tưới nhỏ giọt, tự động điều chỉnh nhiệt độ trong nhà kính, nhà màng…. Sử dụng App thuốc Bảo vệ thực vật trên Smartphone (IOS, Android) hỗ trợ nông dân trong việc tìm thông tin về thuốc bảo vệ thực vật và các biện pháp phòng trừ cần thiết; Ứng dụng nhận diện sinh vật gây hại cây trồng.
Trên lĩnh vực chăn nuôi và thú y đã áp dụng hệ thống cảm biến điều khiển tiểu khí hậu chuồng nuôi, cho ăn và cấp nước uống tự động; quản lý, theo dõi chăn nuôi, xuất xứ động vật nuôi bằng phần mềm; bán hàng trên mạng thông qua các giao dịch điện tử; công nghệ IoT, Big Data được ứng dụng thông qua các sản phẩm công nghệ số như: MimosaTEK, hoặc hệ thống phần mềm SmartAgri. Các phần mềm cho phép phân tích các dữ liệu về môi trường, loại cây và giai đoạn sinh trưởng của cây, người tiêu dùng có thể truy suất và theo dõi các thông số này theo thời gian thực; công nghệ IoT, Blockchain, tin sinh học đã được ứng dụng tại trang trại chăn nuôi quy mô vừa và lớn. Hiện tại, ngành chăn nuôi bò sữa ứng dụng công nghệ số nhiều nhất.
Lĩnh vực lâm nghiệp: Ứng dụng công nghệ DND mã mạch trong quản lý giống lâm nghiệp và lâm sản; tự động hóa, robot, IoT kết nối thiết bị, máy móc trong nhà máy chế biến gỗ có quy mô lớn; công nghệ GIS và ảnh viễn thám để xây dựng các phần mềm phát hiện sớm và cảnh báo cháy rừng từ ảnh vệ tinh, phần mềm giám sát và phát hiện sớm mất rừng, suy thoái rừng.
Lĩnh vực thủy sản: Ứng dụng hệ thống giám sát hành trình, phần mềm Vnfishbase trong khai thác thủy sản; Ứng dụng công nghệ sinh học chọn lọc, lai tạo các giống có năng suất, chất lượng cao, có khả năng kháng bệnh, chịu đựng tốt với môi trường; ứng dụng Công nghệ nuôi thủy sản tuần hoàn (RAS), công nghệ biofloc, công nghệ nano, công nghệ nuôi lồng, công nghệ nuôi cá nước lạnh. Ứng dụng IoT đã được ứng dụng trong đo lường, theo dõi, giám sát chất lượng nước tự động 24/24; đo độ mặn của sông, cho biết thời điểm xâm nhập mặn. Công nghệ AI đã được sử dụng trong nuôi trồng thủy sản. Công nghệ tự động hóa đã được áp dụng khá rộng rãi trong khâu chế biến thủy sản từ phân loại, hấp, đóng gói, dây chuyền sản xuất…; trong đánh bắt thủy sản: thiết bị dò cá sử dụng sóng siêu âm, máy đo dòng chảy, điện thoại vệ tinh; máy thu lưới vây (đứng); hệ thống thu - thả lưới chụp…; ứng dụng các công nghệ bảo quản sản phẩm, kéo dài thời gian ra khơi; công nghệ GIS (HTTT địa lý) và hệ thống định vị toàn cầu (GPS).
Lĩnh vực thủy lợi: Ứng dụng (Apps) để hỗ trợ người dân, chủ đập tiện theo dõi, quản lý diện tích tưới; mực nước xả lũ tại các hồ, đập thủy lợi.
Lĩnh vực kinh tế hợp tác: Đã xây dựng, vận hành hệ thống quản lý dữ liệu HTX nông nghiệp trên phầm mềm online quanlyhtxnongnghiep.gov.vn cập nhật báo cáo số liệu định kỳ về HTX nông nghiệp từ cấp huyện, tỉnh, trung ương hàng tháng, quý, năm; Hợp tác, liên kết với một số công ty công nghệ số triển khai một số phần mềm ứng dụng trong sản xuất kinh doanh của các HTX nông nghiệp như: Phần mềm quản lý sản xuất, truy suất nguồn gốc; sử dụng phần mềm kế toán WACA và phần mềm Nhật ký điện tử (facefarm); sàn giao dịch sanocop.vn kết nối tiêu thụ xuất khẩu tới các thị trường Nhật Bản, Anh, Pháp, Hà Lan, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc với các mặt hàng sầu riêng, khoai lang, bưởi, xoài, chôm chôm…; đưa ra cổng egap.vn (cổng thông tin quản lý giám sát truy xuất nguồn gốc, thị trường nông sản Việt Nam) phân quyền cho các tỉnh quản lý theo 3 cấp; cấp 1 là Cục, cấp 2 là tỉnh, huyện và cấp 3 là HTX. Triển khai Mạng nhà nông tại một số tỉnh.
Về truy xuất nguồn gốc nông sản: Đã triển khai truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp bằng tem gắn mã QR từ năm 2016. Đến nay có rất nhiều sản phẩm nông sản được gắn tem truy xuất. Việc truy xuất nguồn gốc được thực hiện thông qua hợp đồng với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông qua các hệ thống truy xuất: traceverified.com, agricheck.net, icheck.com.vn, trace.icheck.vn, smartcheck.vn…
Trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục xây dựng và triển khai kế hoạch chuyển đổi số ngành nông nghiệp phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Lồng ghép các nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ số hóa tại các vùng nông thôn; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về chuyển đổi số đến Nhân dân, nâng cao nhận thức, hỗ trợ người sản xuất nông nghiệp tiếp cận và thích ứng với các công nghệ số... hướng đến phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, đóng góp hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay.
Nguyễn Hạnh