Ngành giáo dục triển khai học bạ số cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông và giáo dục thường xuyên
25/06/2025
(sonla.gov.vn) Thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo đẩy mạnh triển khai học bạ số. Ngành giáo dục và đào tạo Sơn La đã triển khai thí điểm Học bạ số cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông và giáo dục thường xuyên từ năm học 2025 - 2026.
Chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo.
Triển khai thí điểm Học bạ số nhằm xây dựng, hoàn thiện mô hình, quy trình quản lý, sử dụng Học bạ số làm cơ sở để triển khai Học bạ số thống nhất trên địa bàn tỉnh chính thức từ năm học 2025 - 2026 cho các cơ sở giáo dục cấp trung học theo hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT).
Sở Giáo dục và Đào tạo khuyến khích 100% cơ sở giáo dục cấp trung học tham gia thực hiện thí điểm giải pháp Học bạ số từ học kỳ II năm học 2024 - 2025. Các cơ sở cấp trung học có sử dụng phần mềm quản lý nhà trường đảm bảo các yêu cầu theo hướng dẫn tại Công văn số 115/BGDĐT-GDTrH ngày 10/01/2025 của Bộ GD&ĐT; hạ tầng kĩ thuật, chủ động về nhân lực, nguồn lực để thực hiện các giải pháp, nội dung, yêu cầu đối với Học bạ số.
Đối tượng tham gia triển khai là các Phòng GD&ĐT, các cơ sở giáo dục cấp trung học và học sinh cấp trung học trong các cơ sở giáo dục tham gia thí điểm. Các đơn vị cung cấp dịch vụ Học bạ số có đủ năng lực, kinh nghiệm, cung cấp phương án, giải pháp triển khai Học bạ số khả thi, an toàn, hiệu quả.
Ngành GD&ĐT tỉnh yêu cầu việc triển khai thí điểm Học bạ số phải đảm bảo yêu cầu về chức năng, nghiệp vụ, kỹ thuật, công nghệ và an toàn thông tin theo quy định của Bộ GD&ĐT, sẵn sàng kết nối chuyển về cơ sở dữ liệu (CSDL) học bạ số của Bộ GD&ĐT. Giải pháp kĩ thuật Học bạ số phải bảo đảm tính kế thừa, khả thi, an toàn, đồng bộ và liên thông giữa các cơ sở giáo dục với các cơ quan quản lý giáo dục; thuận tiện, an toàn, hiệu quả đáp ứng yêu cầu quản lý, sử dụng Học bạ số thay thế Học bạ giấy góp phần cải cách thủ tục hành chính có sử dụng Học bạ. Các cơ sở giáo dục tham gia thí điểm phải bảo đảm các điều kiện hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở vật chất và nhân lực để triển khai Học bạ số. Trong thời gian thí điểm các cơ sở giáo dục tiếp tục sử dụng đồng thời cả học bạ giấy in (theo hướng dẫn đang triển khai) và học bạ số để bảo đảm yêu cầu sử dụng học bạ của học sinh.
Với các nội dung triển khai cụ thể như: Thành lập Ban Chỉ đạo triển khai Học bạ số ngành Giáo dục và Đào tạo; các cơ sở giáo dục sử dụng phần mềm quản lý nhà trường có chức năng tạo lập, lưu trữ và quản lý học bạ số đã đáp ứng các yêu cầu của Bộ GD&ĐT. Xây dựng quy trình nghiệp vụ quản lý, sử dụng, vận hành các chức năng cơ bản trong tạo lập, lưu trữ và quản lý Học bạ số đối với từng cấp học theo các nội dung cụ thể: Tạo lập, lưu trữ Học bạ số, quản lý Học bạ số, sử dụng Học bạ số… Việc hướng đến thay thế học bạ giấy truyền thống sang học bạ số chính là một xu hướng tất yếu, góp phần thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số ngành giáo dục ngày một thực chất.
Diệp Hương