(sonla.gov.vn) Trong những năm qua, tỉnh Sơn La luôn quan tâm thực hiện Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP.
Ngay sau khi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Nghị định số 34/2016/NĐ-CP và Nghị định số 154/2020/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực thi hành, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành các văn bản tổ chức triển khai thi hành và các văn bản chỉ đạo thực hiện nhằm tổ chức triển khai thực hiện công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật một cách kịp thời, đồng bộ, thống nhất trên địa bàn tỉnh Sơn La. Đồng thời, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành và Văn phòng UBND tỉnh mở chuyên mục “Góp ý kiến vào dự thảo văn bản quy phạm pháp luật” để đảm bảo các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật đều được đăng tải đầy đủ trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh để lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức và người dân.
Hàng năm, UBND tỉnh đều ban hành các Kế hoạch để triển khai thực hiện công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản và trên cơ sở Kế hoạch của UBND tỉnh các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố đều ban hành Kế hoạch để tổ chức triển khai thực hiện tại cơ quan, đơn vị, đồng thời chỉ đạo Sở Tư pháp hướng dẫn, đôn đốc các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố thực hiện công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trên phạm vi toàn tỉnh.
Để kịp thời phổ biến, quán triệt các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Nghị định số 34/2016/NĐ-CP và Nghị định số 154/2020/NĐ-CP của Chính phủ đến các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh, UBND tỉnh đã tổ chức 02 Hội nghị và mời báo cáo viên pháp luật của Bộ Tư pháp tập huấn nghiệp vụ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; đánh giá tác động chính sách trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cho các đối tượng là Lãnh đạo các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố. Đồng thời, chỉ đạo Sở Tư pháp hàng năm tổ chức các hội nghị tập huấn về công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá văn bản cho đối tượng là cán bộ làm công tác pháp chế, cán bộ trực tiếp tham mưu xây dựng văn bản tại các sở, ban, ngành, lãnh đạo phòng Tư pháp và lãnh đạo các phòng, ban có liên quan của các huyện, thành phố. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ lãnh đạo và cán bộ tham mưu về vai trò, tầm quan trọng và những quy định mới của công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh.
Trên cơ sở các nội dung giao quy định chi tiết do Bộ Tư pháp gửi các địa phương, hàng năm UBND tỉnh đã ban hành 06 Quyết định để triển khai thực hiện và giao cho các cơ quan chuyên môn để tham mưu xây dựng đảm bảo kịp thời và phù hợp với quy định của pháp luật cũng như thực tế tại địa phương. Văn phòng UBND tỉnh đã phối hợp với Sở Tư pháp xem xét, kiểm tra việc đề nghị ban hành quyết định để tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh quyết định trên cơ sở đề xuất của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh với tổng số 390 văn bản. Đề nghị xây dựng Quyết định đảm bảo đầy đủ nội dung theo quy định tại khoản 2 Điều 127 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
Đối với đề nghị xây dựng Nghị quyết: UBND tỉnh đã trình Thường trực HĐND tỉnh chấp thuận đề nghị xây dựng 228 Nghị quyết, trong đó có 61 Nghị quyết phải thực hiện quy trình thẩm định chính sách theo quy định tại khoản 2, 3, 4 Điều 27 Luật Ban hành văn bản QPPL (thực hiện quy trình Đề nghị xây dựng Nghị quyết theo Nghị định số 34/2016/NĐ-CP với tổng số 46 văn bản, theo Nghị định số 154/2020/NĐ-CP với tổng số 15 văn bản). UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện lập hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết đảm bảo về thành phần và nội dung theo quy định; tổ chức lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản, các cơ quan, tổ chức có liên quan với nhiều hình thức phù hợp, đồng thời giao Sở Tư pháp hướng dẫn các sở, ban, ngành trong việc xây dựng, trình ban hành Nghị quyết. Đặc biệt, tuân thủ quy định về lấy ý kiến của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, xin ý kiến của các cơ quan Trung ương đối với các Nghị quyết quy định chính sách đặc thù của địa phương theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP của Chính phủ và gửi Sở Tư pháp thẩm định trước khi trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua chính sách; các báo cáo thẩm định tập trung vào đánh giá tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật của nội dung chính sách trong đề nghị.
Quy trình soạn thảo, tổ chức lấy ý kiến đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND là khâu quan trọng trong quy trình xây dựng văn bản. Trên cơ sở phân công của HĐND, UBND tỉnh, các cơ quan được giao chủ trì soạn thảo, tham mưu ban hành văn bản thuộc phạm vi ngành, lĩnh vực mình phụ trách đã giao trách nhiệm cụ thể cho các đơn vị, cá nhân trực tiếp thực hiện soạn thảo văn bản nhằm bảo đảm chất lượng văn bản trình và tiến độ đã được dự kiến. Từ ngày 01/7/2016 đến nay, HĐND tỉnh đã ban hành 218 Nghị quyết, UBND tỉnh đã ban hành 351 Quyết định. Các văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND cấp tỉnh ban hành đã tuân thủ đúng trình tự, thủ tục xây dựng văn bản, trong quá trình soạn thảo các sở, ban, ngành đã tổ chức khảo sát thực tế địa phương, tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, đối tượng chịu sự tác động của văn bản, gửi Sở Tư pháp thẩm định trước khi trình HĐND, UBND cấp tỉnh ban hành. Đặc biệt, thực hiện đúng quy trình xây dựng văn bản 02 giai đoạn theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (giai đoạn đề nghị xây dựng văn bản, xây dựng chính sách và giai đoạn soạn thảo). Công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật ngày càng được chú trọng, chất lượng được nâng lên và coi đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, từ đó góp phần nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Như Thuỷ